00:00 Số lượt truy cập: 2987722

Kết nối nông hộ nhỏ vào chuỗi cung ứng thịt bò tươi nhập từ Australia 

Được đăng : 30/07/2021

watermarkketnoinonghonhovaochuoicungungthitbotuoinhaptuaustralia130720210713686140858

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia

Ngày 13/7 vừa qua, đại diện Bộ của Bộ NN-PTNT Thứ trưởng Lê Quốc Doanh có buổi làm việc trực tuyến với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR). Tham dự buổi làm việc còn có các đơn vị chuyên môn liên quan của Bộ NN&PTNT.

Được thành lập vào năm 1982 với nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho các dự án hợp tác nghiên cứu nông nghiệp do các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước Australia tiến hành,  ACIAR  là tổ chức nằm trong Chương Trình Trợ giúp Phát triển của Chính phủ Australia và tham gia tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình này, đó là giúp các nước đang phát triển giảm nghèo và đạt được sự phát triển bền vững. Các dự án này nhằm giải quyết các vấn đề về nông nghiệp ở các nước đang phát triển.

ACIAR bắt đầu chương trình hợp tác ở Việt Nam từ năm 1993. Trải qua 26 năm nghiên cứu phát triển, ACIAR đã đầu tư khoảng 105 triệu đô la Úc cho 175 dự án tại Việt Nam, đóng góp tích cực cho sự phát triển nhanh chóng của nông nghiệp Việt Nam những năm qua. Với sứ mệnh: Nghiên cứu thành công các hệ thống nông nghiệp bền vững và năng suất cao hơn, vì lợi ích của các nước đang phát triển và Australia, thông qua hợp tác nghiên cứu nông nghiệp quốc tế.

Buổi làm việc tập trung vào dự án “Lồng ghép các nông hộ nhỏ và hệ thống sản xuất trang trại vào chuỗi cung cứng thịt bò thương phẩm hình thành từ chuỗi nhập khẩu thịt bò sống của Australia vào Việt Nam” . Mục tiêu của dự án nghiên cứu và phát triển các cơ hội cũng như gỡ bỏ thách thức trong việc kết nối các nông hộ nhỏ và hệ thống trang trại của Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng thịt bò thương phẩm nhập khẩu từ Australia. Từ đó nâng cao năng lực của các nhà nghiên cứu, người chăn nuôi và các đối tượng tham gia vào chuỗi. Dự án này dự kiến kéo dài từ 2021-2025 với ngân sách vào khoảng 2,7 triệu đô la Australia. Cơ quan chủ trì của phía Australia là Đại học Tasmania, còn đối tác ở phía Việt Nam là Viện Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị liên quan thuộc Bộ NN-PTNT.

Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho rằng, từ trước đến nay đã có một số doanh nghiệp Việt Nam nhập bò Australia về vỗ béo để bán nhưng gặp phải một số vấn đề: chất lượng nguồn nhập không đồng đều, kỹ thuật kinh nghiệm vỗ béo còn hạn chế, thời gian kéo dài, sản phẩm xuất chưa đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của đối tác nên đầu ra chưa ổn định.

 Vì vậy, trao đổi trong buổi làm việc, phía Việt Nam đề nghị phía Australia cần hỗ trợ đảm bảo  chất lượng bò đầu vào được đồng đều về lứa tuổi, về chất lượng. Ngoài ra cần tập huấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong thời gian vỗ béo và tập huấn cho người nông dân cách trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản các loại cỏ làm thức ăn cho bò. Bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, Dự án cũng cần quan tâm hơn đến hạ tầng để đảm bảo tiêu thụ tốt thịt bò sau khi giết mổ vì không phải ở đâu cũng có các cơ sở giết mổ đảm bảo tiêu chuẩn cung cấp cho các siêu thị.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao tầm quan trọng của dự án này, đây là Dự án rất có ý nghĩa và thiết thực trong bối cảnh nhu cầu thịt bò Australia của Việt Nam đang rất lớn. Thứ trưởng cũng đề nghị  trong quá trình thực hiện dự án, các bên cùng bàn bạc tháo gỡ được các vướng mắc đang tồn tại trong việc mua bò Australia về vỗ béo và giết mổ tại Việt Nam. “Chúng ta cần xác định người nông dân, các nông hộ nhỏ tham gia vào dự án này thì tham gia vào giai đoạn nào. Phía Austraila cần nghiên cứu xem xét chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức gì để nâng cao giá trị cho chuỗi liên kết này”.

 

Trường Giang