00:00 Số lượt truy cập: 2987727

Kết nối tiêu thụ nhãn và các sản phẩm OCOP của Đồng Tháp, Sóc Trăng 

Được đăng : 30/07/2021
“Thương mại điện tử là kết nối quan trọng không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà chắc chắn sẽ là xu thế của tương lai” – đó là phát biểu của ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội năm 2021.

pa-4 

 

Hội nghị diễn ra vào sáng ngày 29/7 quy tụ 163 điểm cầu. Chủ trì Hội nghị gồm: Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn); Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT); Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Sóc Trăng. Hội nghị là diễn đàn để các cơ quan nhà nước cùng các doanh nghiệp trao đổi bàn các giải pháp, đề xuất các phương án, kịch bản tạo điều kiện tiêu thụ nhãn và các sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng có hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Hiện nay tỉnh Đồng Tháp có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.230 ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn. Theo thông tin từ Sở NN & PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhãn là một loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh này với diện tích là 3.130 ha, đang cho trái 2.536 ha. Thời gian thu hoạch từ tháng 7-2021 đến tháng 12-2021 với sản lượng khoảng 24.400 tấn. Bên cạnh nhãn, hai tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng còn có nhiều mặt hàng nông sản khác như khoai lang, cá tra, các loại cây ăn trái cũng đến thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên theo thông tin từ hai tỉnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, nhãn hiện nay đang rớt giá vì khó tìm nơi tiêu thụ. Với những sản phẩm chủ lực như vậy, Đồng Tháp và Sóc Trăng đang rất cần kết nối để tiêu thụ. Để đồng hành cùng các địa phương, Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, nhất là đối với các địa phương phía Nam.

Theo thống kê sơ bộ, thương mại điện tử chỉ mới đáp ứng 30 - 35% nhu cầu thực tế. Hiện, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đang lên chương trình Hội chợ số, Hội chợ ảo để tăng cường kết nối tiêu thụ nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh giãn cách toàn xã hội ở nhiều địa phương như hiện nay. Hội nghị là cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã thông tin về các sản phẩm của mình, đặc biệt là các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và mong muốn được liên kết hợp tác với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm đầu ra, phân phối sản phẩm.

Đại diện của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng thương mại điện tử là hướng đi đúng, có thể đi lâu và đi xa, do đó, chuỗi liên kết giữa nông dân – hợp tác xã – các nhà cung cấp để cung ứng sản phẩm cần chặt chẽ hơn cũng như các doanh nghiệp nông nghiệp cần đầu tư đúng mức vào thương mại điện tử với các chiến lược marketing hiệu quả, hợp lý.

Ông Đào Văn Hồ cam kết sẽ tổng hợp ý kiến tại Hội nghị để báo cáo Tổ công tác 970 và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT để từ đó triển khai các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, nhằm hỗ trợ sớm cho 19 tỉnh, thành phía Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội về việc bao tiêu sản phẩm./.

 

Phương Anh