00:00 Số lượt truy cập: 3036329

Kết quả thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình với Sở Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2016 - 2020 

Được đăng : 15/03/2020

 

          Để triển khai chương trình phối hợp, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch,chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2016 - 2020 theo văn bản số 05-CTr/HNDVN-BKH&CN ngày 30/9/2015. Nội dung phối hợp tập trung vào việc tuyên truyền, vận động hội, hướng dẫn, khuyến khích để thu hút hội viên, nông dân tích cực ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiển kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới nhằm cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho tổ chức, cá nhân nông dân, để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm từ nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm.

          Các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Hội cấp trên về lĩnh vực Khoa học và Công nghệ như: Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết 06 - NQ/HND ngày 25/7/2006 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam “về đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”,  Nghị quyết số 46/NQ - CP ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 12/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 Ban Chấp hành Trung ương đảng (Khoá XI), Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học vàcông nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”, Quyết định số 35/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

          Việc tuyên truyền, phổ biến được các cấp Hội triển khai với hình thức, nội dung phong phúnhư thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi Hội, Câu lạc bộ, các cuộc thi, tham quan mô hình sản xuất kinh doanh, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống phát thanh - truyền hình tỉnh, địa phương và trên trang thông tin điện tử của Hội.

Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất cũng như trong đời sống; từ đó thúc đẩy việc đổi mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất.

          Trong những năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với các ban, cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các sở ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức 17 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học, kỹ thuật giâm hom keo lai, kỹ thuật trồng nấm ăn, nấm dược liệu cho 530 hội viên, nông dân; 02 lớp tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải sinh hoạt và ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia súc bằng chế phẩm EM2”; 4 lớp kỹ thuật “Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chế phụ phẩm trong nông nghiệp bằng phương pháp sinh học Quamic cho 300 hội viên nông dân tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh.

Các cấp Hội cũng đã phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức được 39 lớp tập huấn, hội nghị truyền thông, hội thảo kết hợp đối thoại về đảm bảo an toàn thực phẩm, 14 lớp về thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông thôn và bảo vệ môi trường cho 4.230 lượt người; phối hợp với Ban Quản lý Dự án SRDP tỉnh tổ chức “Hội thi tìm hiểu mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” năm 2018. Hội Nông dân các huyện Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Quảng Trạch phối hợp với Trạm thú y, phòng Nông nghiệp huyện tổ chức thành công các Hội thi “Nuôi bò lai Sind giỏi”, Hội Nông dân các cấp tiếp tục mở rộng, triển khai hàng năm để khuyến khích phong trào chăn nuôi bò lai Sind trong hội viên, nông dân trên toàn tỉnh.

Triển khai Chương trình đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020” của UBND tỉnh; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ Nông dân - Phụ nữ, Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã đã phối hợp với ngành Nông nghiệp, Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực tuyển sinh các lớp học nghề, góp phần đào tạo được một lực lượng lao động có tay nghề đáp ứng một phần nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn. Liên kết, phối hợp tổ chức 372 lớp nghề về kỹ thuật chăn nuôi thú y, trồng cây ăn quả, trồng rừng, rau an toàn, nuôi trồng thủy sản cho 12.019 hội viên nông dân; trong đó Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ Nông dân - Phụ nữ tỉnh trực tiếp đào tạo và cấp chứng chỉ cho 1.814 học viên, sau học nghề đã có 5.081 học viên có việc làm, tăng thu nhập từ nghề đã học.

Phối hợp Công ty Enzyma Việt Nam tổ chức 03 lớp tập huấn về hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học Biowish trong chăn nuôi cho 284 hội viên nông dân. Phối hợp với Nhà máy phân bón Lâm Thao tổ chức 21 lớp tập huấn về sử dụng phân bón cho 1.200 nông dân; Công ty Hưng Phát tổ chức hội thảo về ứng dụng phân sinh học Ecofarm gồm 18 buổi cho 1.080 hội viên trên địa bàn huyện Quảng Ninh. Liên kết với Công ty Máy kéo và máy nông nghiệp Việt Nam cung ứng máy nông nghiệp theo chương trình vay vốn thuộc Nghị định 55 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các Câu lạc bộ khoa học nhà nông, Thư viện nông dân, hỗ trợ các đầu sách, máy tính, kết nối mạng internet... nhằm giúp cán bộ, hội viên nông dân tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất. Thành lập các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp để phù hợp trong sinh hoạt và trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

          Các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các tổ chức, các ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ, tạo vốn cho hội viên nông dân tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất; đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân để từng bước nắm bắt các công nghệ và kỹ thuật cao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả. Nhiều mô hình ứng dụng kỹ thuật cao đã được người dân đưa vào áp dụng và bước đầu đã phát huy hiệu quả như mô hình “Tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel” của các hộ gia đình ông Lưu Đức Ngọc, ông Nguyễn Văn Diệm ở thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch), mô hình “Chăn nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học” của anh Đỗ Văn Tùng ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), mô hình “Trồng rau thủy canh trong nhà màng” của anh Dương Trí Quang ở xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), mô hình “Nuôi gà trên đệm lót sinh học” của các hộ gia đình tại xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch)...

Hội Nông dân tỉnh phối hợp Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và Kỹ thuật tỉnh xây dựng, chuyển giao một số mô hình nuôi, trồng thử nghiệm các loại cây, con mới phù hợp với điều kiện của địa phương như Nuôi cá Dìa thương phẩm trong ao tại xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch), mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi tại xã Hóa Hợp (huyện Minh Hóa), mô hình Trồng cây đót tại xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa), mô hình Nuôi lươn đồng không bùn tại xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), mô hình trồng nấm Kim Phúc và Hoàng Đế tại xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch),

Để tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, từ nguồn kinh phí UBND tỉnh cấp, Hội Nông dân tỉnh và Ban Dân tộc phối hợp khảo sát, xây dựng hỗ trợ 6 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại 02 xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) xây dựng mô hình Chăn nuôi bò lai sinh sản. Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành bàn giao 30 con bò cái sinh sản cho 30 hộ dân tộc Rục ở xã Thượng Hoá (huyện Minh Hoá) để phát triển chăn nuôi.

Thực hiện tốt chính sách vận động và hỗ trợ hội viên, nông dân vùng giáo tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ 09 hộ giáo dân thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) 90 triệu đồng xây dựng mô hình cá nước ngọt; đầu tư xây dựng dự án Chăn nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên là giáo dân tại xã Quảng Trung (Thị xã Ba Đồn) phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Được sự hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án SRDP tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã tuyên truyền, vận động thành lập câu lạc bộ Tiểu giáo viên trên địa bàn 7 huyện, thị với 156 thành viên là những hội viên nông dân có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, kỹ năng truyền đạt để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh cho người dân trên địa bàn.

          Nhận thấy công tác đưa giống vật nuôi mới, năng suất chất lượng cao cũng như ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất là yêu cầu thực tế khách quan và cần thiết, phù hợp với điều kiện ở địa phương và xu thế phát triển trong tình hình mới sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020” của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và triển khai các dự án khoa học công nghệ; xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi mới, công nghệ mới có những tác động và đóng góp tích cực cho sự phát triển của nông nghiệp tỉnh.

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh trực tiếp làm chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học xây dựng mô hình Chăn nuôi thỏ trắng New Zealand, Nuôi chim trĩ với tổng kinh phí: 638.818.000 đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 331.098.000); bước đầu mô hình đã phát huy được hiệu quả và đang triển khai nhân rộng tại một số địa phương trong tỉnh.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Triển khai thực hiện “Mô hình thâm canh lạc áp dụng biện pháp che phủ nilon nhằm hỗ trợ Hợp tác xã thúc đẩy sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Quảng Bình” năm 2018 tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa và Dự án “Hỗ trợ Hợp tác xã thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ nuôi Gà thịt an toàn sinh học” năm 2019 với tổng kinh phí 708.995.000 đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 470.490.000).

Năm 2020, Hội Nông dân tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện đề tài khoa học công nghệ về “Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp trong xây dựng nông thôn với hiện nay ở tỉnh Quảng Bình”.          Trong những năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền vận động, thúc đẩy phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động của hội viên nông dân, đẩy mạnh việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Hội Nông dân tỉnh đã hưởng ứng các Cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ VII (2016 - 2017), lần thứ VIII (2018 - 2019); phát động và tổ chức Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Quảng Bình lần thứ III. Kết quả có 4 tác giả là hội viên nông dân tham gia cuộc thi với 07 giải pháp sáng tạo kỹ thuật. Ban Tổ chức đã trao 01 giải nhì, 01 giải ba và 02 giải khuyến khích; lựa chọn giải pháp Máy đóng bịch phôi nấm bằng trục xoắn tham gia Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ VII. Đẩy mạnh vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh Quảng Bình. Kết quả có 03 sáng chế của hội viên nông dân trong tỉnh đạt giải trong các Cuộc thi trong đó có 01 giải ba và 02 giải khuyến khích.

Đề cử điển hình nông dân tham gia Hội nghị “Nông dân khởi nghiệp năm 2017” với dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới và một số loại rau sạch tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, đề cử 02 nông dân tham gia chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông”. Vận động nông dân tham gia cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”, “Làm nông thời công nghệ 4.0”; có 03 dự án tham gia các Cuộc thi. Kết quả qua 02 vòng sơ khảo cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”, Dự án trồng rau bằng phương pháp thủy canh hồi lưu trong hệ thống nhà màng” của tác giả Lê Xuân Sư, Công ty cổ phần thực phẩm Xanh Đông Dương lọt vào top 30 dự án tham dự.

          Cùng với việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành chuyên môn vận động, hướng dẫn người dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, chỉ dẫn địa lý nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Phòng chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ để hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; phối hợp với Sở Công Thương tổ chức 16 lớp tập huấn về xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, đã phối hợp với các sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát, lựa chọn các sản phẩm gửi tham gia bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức, các sản phẩm gồm: khoai deo Hải Ninh, mật ong Tuyên Hóa, tinh bột sắn Long Giang Thịnh và bộ sản phẩm Nấm Tuấn Linh được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, trong đó sản phẩm khoai deo Hải Ninh 5 năm liên tiếp được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, được Trung ương Hội Nông dân tặng Bằng khen.Được sự quan tâm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai các hoạt động hỗ trợ 02 Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Đức Ninh và xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) trong việc đào tạo kỹ năng điều hành của đội ngũ lãnh đạo, hỗ trợ cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, đăng ký chứng nhận VietGap qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hai tổ.Để hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành hướng dẫn, giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia các hội chợ trong tỉnh và khu vực; mở gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp, xây dựng trang thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin các mặt hàng nông sản, các mô hìnhđiển hình, các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp giúp nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ triển lãm Nông nghiệp - Thương mại; hội chợ nông nghiệp và làng nghề; Triển lãm Quảng Bình 30 năm ngày tái lập tỉnh.

Việc tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ cho nông dân được xem là đòn bẩy giúp cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Hội Nông dân tỉnh tích cực phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp; tổ chức dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động; tổ chức các hoạt động tư vấn về pháp luật, kết nối thị trường, tư vấn cách thức tổ chức sản xuất, kinh nghiệm làm ăn; tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn cho các chủ trang trại, hằng năm Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chuyên môn với các chủ trang trại để từ đó, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành có những chính sách, biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nông dân.Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Quảng Bình, Hội Nông dân đã phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chức “Hội nghị kết nối doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ tìm hiểu cơ hội đầu tư và bàn giải pháp tiêu thụ nông sản” với sự tham dự của nhiều tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam.

Các cấp Hội đã tích cực tham mưu và tổ chức thực hiện Quyết định 673/QĐ - TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thức hiện một số chương trình,dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”, Nghị quyết 03 - NQ/HND của Ban Chấp hành Trung ương Hội (Khóa IV), Chỉ thị 30-CT/TU ngày 17/7/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp. Đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh có 44,643 tỷ đồng, tăng 18,007 tỷ đồng (+67%) so với năm 2015. Quỹ Hỗ trợ nông dân đã thực hiện tốt vai trò là công cụ, phương tiện của tổ chức Hội trong việc vận động, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh. Các cấp Hội cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng 886 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ đạt trên 1.223 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại xây dựng 244 tổ vay vốn, dư nợ đạt trên 1.346 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với dư nợ trên 142 tỷ đồng. Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả giúp hội viên nông dân có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

          Thông qua hoạt động phối hợp đã góp phần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, chương trình, kế hoạch của tỉnh về khoa học - công nghệ; nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò, ý nghĩa của khoa học - công nghệ đối với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông thôn.Việc giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao, ứng dụng các kỹ thuật, quy trình mới trong sản xuất, bo quản và chế biến đã thúc đẩy đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tăng hiệu quả đầu tư.Thông qua việc hỗ trợ, xây dựng chuyển giao các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã gắn kết hội viên, nông dân với tổ chức Hội cũng như khuyến khích, thu hút nông dân tham gia vào Hội. Thúc đẩy hội viên, nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm hàng hóa.

Trình Vi