Ảnh: Hội viên nông dân được học cách ủ rơm lên men làm thức ăn cho bò, nguồn rơm này trước đây bà con thường đốt sau mỗi đợt thu hoạch gây ô nhiễm cho môi trường
Hưởng ứng lời kêu gọi chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể của mình, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đặc biệt là tiêu chí môi trường. Hàng năm, Hội đều đưa chỉ tiêu xây dựng mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn thành một trong những chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại cơ sở Hội. Từ đó, Hội Nông dân các huyện, các xã đã tổ chức cho các chi, tổ hội đăng ký các chỉ tiêu: Không có người vi phạm bảo vệ môi trường, không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn…
Theo bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, những năm qua, Hội Nông dân các cấp có nhiều thành tích nổi bật trong việc vận động hội viên, nông dân trên địa bàn tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng NTM bằng hành động cụ thể. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi ở, trong sản xuất của hội viên từng bước được nâng lên. Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp các cơ sở Hội, vận động hội viên nông dân chung tay xây dựng các công trình công cộng về bảo vệ môi trường, góp phần hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững, kiến tạo môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.
Trong tháng 4/2023, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 24 lớp tập huấn về phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường cho 666 hội viên, nông dân trên địa bàn các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Tại các lớp tập huấn, giảng viên nguồn TOT của tỉnh, huyện và xã trực tiếp truyền đạt kết hợp thực hành theo hình thức “cầm tay chỉ việc” giúp nông dân hiểu và nắm vững cách thức thực hiện các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, gồm: Kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng. Đồng thời, hội viên, nông dân tại các địa phương đã tích cực trao đổi, thảo luận làm rõ thực trạng xử lý rác thải, các chất thải nông nghiệp hiện nay và những tác động, ảnh hưởng tới môi trường, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Cùng chung tay với Hội Nông dân còn có Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới; “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”, “Gia đình không có bạo lực và tệ nạn xã hội”, “Phụ nữ bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ trồng rau an toàn”, “Thu gom rác thải”…
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa cho biết, mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 70% rất được tỉnh chú trọng quan tâm. Tỉnh chú trọng đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung có dây chuyền công nghệ xử lý nước hoàn chỉnh, quy mô cấp nước liên xã, hộ gia đình phục vụ sinh hoạt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trên các đảo có đông dân cư, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán.