Người dân ở huyện Hà Quảng(Cao Bằng) cùng chung tay làm công trình Nông thôn mới
Thứ nhất, kinh tế nông thôn phát triển chưa đồng đều. Kết quả xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua cho thấy sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền về số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tính đến năm 2019, cả nước đã có tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và một số địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp, dưới 20% (như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum).
Thứ hai, phát triển nông nghiệp đang phải đối diện với tình trạng suy thoái tài nguyên. Tình trạng sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu và các giải pháp thâm canh, tăng vụ trong thời gian dài đã làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng nguồn đất, nước trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời nạn chặt phá rừng bừa bãi làm mất rừng, giảm khả năng phòng hộ của rừng dẫn đến tình trạng xói mòn, rửa trôi, giảm khả năng giữ nước bề mặt và nguồn nước ngầm dưới lòng đất; đa dạng sinh học bị suy giảm nhanh chóng.
Thứ ba, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, một số nơi xuất hiện tình trạng bê tông hoá nông thôn; kết nối kinh tế nông thôn - đô thị còn yếu. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương đạt chuẩn theo bộ tiêu chí nông thôn mới ở giai đoạn trước, đến nay chưa đáp ứng được một số yêu cầu của bộ tiêu chí mới. Một số công trình hạ tầng chưa thực sự được quan tâm, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp. Nhiều xã ở các khu vực khó khăn đã được ưu tiên nguồn lực đầu tư để phấn đấu đạt chuẩn, làm điển hình cho các xã khác học hỏi và làm theo. Tuy nhiên, chất lượng đạt chuẩn chỉ ở mức “chạm ngưỡng”.
Thứ tư, mối liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; chưa tạo được những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc gia, giá trị gia tăng cao; chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn còn khó tiếp cận; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chậm được sửa đổi...
Thứ năm, vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước đã có tiến bộ nhưng chuyển biến chưa thực sự rõ nét, vẫn đang là vấn đề được xã hội quan tâm.
Thứ sáu, thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh, dần thu hẹp với khoảng cách so với đô thị nhưng chưa thực sự đột phá.
Nguyên nhân của các tồn tại:
- Tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, qua đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường...
- Một số địa phương chú trọng nhiều đến phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất... nhưng các nội dung về phát triển y tế, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức nên chưa thực sự chuyển biến rõ nét.
- Nhận thức và thực thi các chính sách về phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới chưa thực sự thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng nông thôn mới, nhất là sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, huyện, dẫn đến kết quả xây dựng nông thôn mới còn rất thấp, thậm chí thụt lùi so với các địa phương khác trong vùng, cũng như mặt bằng chung của cả nước; đặc biệt là một số tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển, nguồn thu lớn (Khánh Hòa, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu...).
Từng địa phương vẫn còn tư duy phát triển đơn lẻ, theo từng tỉnh, không gắn với liên kết vùng nên chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của vùng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới của một số địa phương còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện Chương trình; chất lượng hoạt động của một số văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, huyện còn nhiều bất cập...
Mai Loan