00:00 Số lượt truy cập: 3041622

Khoa học công nghệ, chuyển đổi số thúc đẩy cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ 4 

Được đăng : 05/12/2022
Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tận dụng các cơ hội đi đôi với khắc phục những thách thức để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nông nghiệp, kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân.

images1409040tkdalaymaygatlua

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang
 

Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn. Chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thúc đẩy hình thành các cơ sở ngoài công lập, nhất là ở các doanh nghiệp. Đầu tư nâng cao tiềm lực của các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp công lập cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu và nhân lực đủ sức tiếp cận, làm chủ, phát triển các công nghệ tiên tiến, làm nòng cốt phát triển khoa học công nghệ trong nước. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông; phát triển khuyến nông số.

Phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học nhằm tạo ra các giống cây con mới, các kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ cao để thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; nghiên cứu, chế tạo các loại máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp, công nghệ và thiết bị bảo quản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản đáp ứng sát yêu cầu và phù hợp với điều kiện của Việt Nam với giá thành hạ; nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là thị trường về mua bán bản quyền giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp.

Tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hàng năm đạt 0,84% GDP nông nghiệp (hiện nay mới đạt 0,2% GDP nông nghiệp và tăng khoảng 4%/năm; Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế khuyến cáo nên đầu tư 0,84% và tăng 11,2%/năm).

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp, ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao 4.0 trong nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Tạo lập môi trường chính sách, pháp luật thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Xây dựng cơ sở dữ liệu số hoá về nông nghiệp. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng số ở các vùng nông thôn đạt trình độ ngang bằng với trình độ chung của quốc gia. Có chính sách khuyến khích phát triển, chế tạo thiết bị trong nước phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong nông ngiệp, nông thôn.

Phát triển cơ giới hoá, tự động hoá trong nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong bảo quản, chế biến nông sản, phát triển ngành nghề nông thôn. Phấn đấu đến năm 2030, đổi mới căn bản thiết bị cơ giới trong nông, lâm, thuỷ sản; nâng cao mức độ cơ giới hoá tất cả các khâu canh tác; những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung được cơ giới hoá đồng bộ, tiến tới tự động hoá; ngành chế biến nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các cơ sở ngành nghề nông thôn để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm gắn với giá trị văn hoá truyền thống.

Phát triển dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Củng cố và nâng cao năng lực của hệ thống thú y, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản và an toàn thực phẩm theo hướng chuyên nghiệp, thống nhất, đủ mạnh để thực hiện có hiệu quả cao các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm trong nước và hội nhập quốc tế; khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ kỹ thuật đa dạng chủ yếu với sự tham gia của tư nhân.

                                                                                                 Tiến Trình