Đồng chí Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình trồng hoa đồng tiền tại xã Đồng Tháp, Đan Phương, Hà Nội (ảnh st)
Theo tin từ Hội Nông dân huyện Đan Phượng, toàn huyện có 3.652ha đất nông nghiệp. Trước đây, sản xuất nông nghiệp chủ lực của huyện là cây lúa và cây ngô. Sau khi sáp nhập về Thủ đô theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội, Huyện đã xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với xu thế đô thị hóa và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi tập quán canh tác truyền thống cây lương thực sang các loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao hơn cũng gặp không ít khó khăn. Một mặt nông dân đã quen với cây lúa, cây ngô, hoa màu truyền thống, canh tác đơn giản. Để chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng có giá trị cao và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hình thành mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư sản xuất, tìm tòi, học hỏi ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
HTX Hoa lan công nghệ cao Đan Hoài, Đan Phượng, Hà Nội- hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại. (ảnh st)
Nhận thức được vấn đề đó, Huyện Đan Phượng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là Hội Nông dân đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới tư duy, tích cực học hỏi, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi hướng sản xuất nông nghiệp. Phát huy tính tiên phong từ Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững và phong trào dồn điền, đổi thửa, Hội Nông dân huyện đã mạnh dạn đưa một số mô hình nông nghiệp mới cho một số gia đình nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi để làm cơ sở cho nông dân học tập. Cùng với đó, huyện đã thu gom và tổ chức đấu giá được 86 ha đất công ích, đất bãi sông Hồng để thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ quỹ đất này, Đan Phượng đã có hàng loạt mô hình như hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài, rau hữu cơ của HTX Sản xuất và Tiêu thụ Rau hữu cơ Công nghệ cao Cuối Quý, nấm hữu cơ của HTX Nấm Nghĩa Minh, nho hạ đen kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm của xã Đan Phượng, Phương Đình…
Nhờ trồng nấm linh chi, nấm sò..., HTX nấm Nghĩa Minh, Đan Phượng, Hà Nội đã giúp gia đình các thành viên “ăn nên làm ra”, có thu nhập ổn định từ 500 - 600 triệu đồng/năm (ảnh st).
Từ cú hích ban đầu xây dựng quỹ đất và các mô hình kinh tế nông nghiệp mới, cùng với sự năng động, sáng tạo của nông dân, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi 1.624,5ha/3.652ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây giá trị kinh tế cao. Những năm qua, dù có tốc độ đô thị hóa nhanh, song giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đan Phượng ngày càng tăng. Theo đó, giai đoạn 2008 – 2010, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện tăng bình quân 0,85%; giai đoạn 2011 – 2015 tăng 0,78%; giai đoạn 2016 – 2020 là 1,93%. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế năm 2022 giảm 11,86% so với năm 2008, thời điểm hợp nhất về Hà Nội. Hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sản xuất hoa lan hồ điệp, nấm chất lượng cao, rau hữu cơ...,
Nhờ mạnh dạn tiếp thu khoa học công nghệ, đầu tư các dây chuyền chế biến hiện đại, Huyện đã xây dựng được 8 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho nông sản (nấm, hoa, rau giá Trung Châu, bưởi tôm vàng Đan Phượng, thịt lợn an toàn Trung Châu, sản phẩm chăn nuôi Phương Đình, đậu phụ xã Hồng Hà, đậu phụ xã Hạ Mỗ); 7 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong đó 4 chuỗi liên kết trồng trọt được thực hiện chủ yếu bởi các HTX chuyên ngành nấm, rau, hoa, 3 chuỗi chăn nuôi được liên kết bởi các hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ, chế biến; 97 sản phẩm của huyện được đánh giá phân hạng OCOP và được số hóa, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử.
Mô hình Nho hạ đen kết hợp với du lịch của HTX Cuối Quý, Đan Phượng, Hà Nội (ảnh ST)
Điển hình như Hợp tác xã (HTX) Nấm Nghĩa Minh (xã Đan Phượng) đã và đang là địa chỉ cung ứng nấm chất lượng uy tín trên địa bàn Thành phố. Nấm được trồng trong môi trường sản xuất ứng dụng CNC hoàn toàn không dùng hóa chất, chất bảo quản, phụ gia, kể cả trong quá trình đóng gói sản phẩm. Hiện nay, HTX có thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm từ sản xuất nấm. Đồng thời, HTX đang tạo việc làm ổn định cho 9 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình trồng rau CNC của HTX Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (xã Đan Phượng) là một trong 125 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của toàn quốc. Trung bình mỗi ngày, HTX thu hoạch từ 2 - 4 tấn rau xanh với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Giá trị thu nhập bình quân của HTX đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm; thu nhập của mỗi thành viên tham gia HTX đạt trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Mô hình HTX hoa Đồng Tháp, huyện Đan Phượng với sản phẩm hoa đồng tiền đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, ứng dụng mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng công nghệ trồng hoa trong hệ thống nhà màng và công nghệ tưới phun nước tự động.
Một trang trại hoa đồng tiền tại Hợp tác xã hoa Đồng Tháp, Đan Phượng, Hà Nội
Đó chỉ là một số mô hình nông nghiệp điển hình. Được biết, năm 2023, huyện có 43 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, cấp Thành phố là 306 hộ, cấp huyện là 1.912 hộ và cấp cơ sở là 10.670 hộ. Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng để thành phố đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy thế mạnh ven đô, tập trung chuyển hướng sang nông nghiệp sinh thái, hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng đầu tư các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Để thực hiện tốt chủ trương này, huyện sẽ thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và mở rộng các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại vùng bãi ven sông Hồng ở xã Liên Trung, dự án chăn nuôi xa khu dân cư ở xã Phương Đình và Trung Châu… Cùng với đó, huyện sẽ hoàn thiện bản đồ chất lượng đất nông nghiệp làm căn cứ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tập trung xây dựng các chuỗi nông sản; thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, chuyển đổi số và thúc đẩy du lịch cộng đồng…
“Vựa” hoa đồng tiền Đồng Tháp là điểm “check in” hấp dẫn của huyện Đan Phượng (ảnh st)
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Đan Phượng sẽ góp phần sử dụng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất, nước, đa dạng hóa sản phẩm, gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng nhằm phát triển một nền nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững.
Văn Phan