Đặc sản xoài Cát Chu - Cao Lãnh
Là người con được sinh ra ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chị theo chồng về làm dâu ở đất Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và rồi bén duyên với cây xoài Cát Chu. Ban đầu gia đình chị sản xuất xoài theo truyền thống, năng suất đạt thấp, chi phí cao, đầu ra không ổn định, lợi nhuận thấp. Những năm sau đó, thông qua các lớp tập huấn, gia đình chị mạnh dạn áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc theo theo quy trình Vietgap, GlobalGap nên năng suất, chất lượng ngày càng tăng. Hằng năm, với diện tích 1,2 ha xoài Cát chu và Tượng da xanh cho sản lượng ổn định 12 – 15 tấn trái, sau khi trừ chi phí sản xuất, lãi mỗi năm tương đương 400 triệu đồng/ năm.
Nhận thấy xoài là cây trồng có hiệu quả, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên được bà con lựa chọn, diện tích trồng xoài ngày càng mở rộng. Tuy nhiên việc thu mua và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nhất là thời điểm chính vụ. Năm 2000, sau khi bàn bạc, gia đình chị mạnh dạn mở vựa thu mua, tiêu thụ xoài của những hộ xung quanh. Chị vừa tích cực quảng bá, vừa lăn lộn ngược xuôi để kết nối cung cấp cho các thị trường từ TP Hồ chí Minh đến các tỉnh thành phía bắc. Công việc thuận lợi, được gia đình ủng hộ, chị mở thêm 3 điểm thu mua xoài ở tỉnh Đồng Tháp (khóm 1, phường 11, TP. Cao Lãnh; xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh; xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò) và 1 điểm thu mua ở huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Nhận thấy xoài là trái cây chủ lực, giàu tiềm năng của Đồng Tháp, lại được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, chị Nhung quyết tâm đưa trái xoài xuất ngoại và giúp người trồng xoài ở địa phương có nơi tiêu thụ ổn định. Nghĩ là làm, năm 2016, chị Nhung thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Kim Nhung Đồng Tháp. Lúc đầu Công ty chủ yếu thăm dò, làm quen với tiêu chuẩn thu mua, đóng gói của các thị trường. hơn nữa công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch còn nhiểu hạn chế nên mới xuất sang thị trường Úc, Malaysia với số lượng rất ít, khoảng 100-150 tấn/năm.
Từ 2017, được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) cùng Phân Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chuyển giao kỹ thuật tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài nên chất lượng được đảm bảo, tỉ lệ hư hỏng do vận chuyển thấp. Trái xoài tượng da xanh vốn chỉ bảo quản được 10 ngày đã tăng thời gian lên được 40- 45 ngày, còn xoài Cát Chu tăng thời gian bảo quản từ 7 ngày lên 25 ngày. Nhờ đó, trong 2 năm 2017, 2018 chị đã xuất khẩu ra nước ngoài từ 400-500 tấn xoài và xuất khẩu sang Trung Quốc cùng thị trường nội địa từ 7.000-10.000 tấn/năm. Đỉnh điểm là năm 2019 và năm 2020, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác như Hàn Quốc, Nga, Nhật bản … với sản lượng khoảng 10.000 tấn xoài/năm, lợi nhuận sau thuế bình quân khoảng khoảng 7,5 tỷ đồng/năm.
Chị chia sẻ kinh nghiệm: xoài chọn đi Úc phải có mẫu mã đẹp, không tì vết, trọng lượng từ 500-650 g/quả. Tuy nhiên, để có được quả đẹp, từ trước đó 8 tháng, nông dân đã phải lo khâu trồng trọt từ tưới nước, bón phân, bao trái… theo tiêu chuẩn VietGAP và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số đủ chuẩn xuất khẩu đi thị trường Úc.
Trước việc xuất khẩu xoài tươi ngày càng khó khăn, phải đáp ứng nhiều tiêu chí, nhất là thị trường khó tính trong khi giá trị không cao, Công ty đang xây dựng nhà máy chế biến xoài ở xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với thiết kế công suất 100 tấn/ngày. Đối với những trái xoài được thu mua từ người dân Đồng Tháp không xuất khẩu bằng trái tươi được thì sẽ được đưa vào nhà máy này để chế biến, cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian tới, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp sẽ lý hợp đồng thu mua đối với các Hợp tác xã Hội quán, trong và ngoài tỉnh. Đồng thời chú trọng đến việc xản xuất đảm bảo theo quy trình Vietgap, quy trình hữu cơ và đăng ký mã số vùng trồng trên cây xoài để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Trong thời gian tới, chị Nhung sẽ ký hợp đồng thu mua, xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây khác ở Đồng Tháp nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung sang nước ngoài. Trước mắt, sẽ ưu tiên sầu riêng, ớt.
Bình Nguyên