00:00 Số lượt truy cập: 3040374

Kiên cường chinh phục vùng cao bằng nghị lực vươn lên làm giàu và trở thành tỷ phú 

Được đăng : 13/06/2023
Anh Trần Như Kiên ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là nông dân tiêu biểu cho ý chí vươn lên làm giàu. Với mức thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp, chất lượng cao.

 

 

Để tận mắt chứng kiến và tìm hiểu về gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi vươn lên làm giàu và trở thành tỷ phú này, chúng tôi đến thăm anh vào một buổi sáng mùa hè. Đến bản Pha Cúng, chúng tôi không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp của ngôi biệt thự uy nghi, sáng lung linh dưới ánh mặt trời, phóng tầm mắt xung quanh là cả một vùng cây ăn trái đang trĩu quả, khi còn đang choáng ngợp với cảnh đẹp nơi đây thì anh đã bước ra bắt tay đón tiếp chúng tôi. Ngồi vào bàn uống nước, tiếp chuyện chúng tôi thấy mọi người muốn tìm hiểu về cách làm giàu của mình anh kể: sinh ra và lớn lên ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, năm 1993, khi mới 16 tuổi, anh quyết định lên vùng đất Yên Châu làm thuê nghề mộc, dựng nhà cho người dân. Sau vài năm tích góp được chút vốn, anh quyết định ở lại mảnh đất này lập nghiệp, cưới vợ và mua đất để trồng ngô, khoai, sắn. Nhưng làm lụng vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn...

Sau vài năm bươn trải anh thấy, nếu cứ đi làm thuê mãi thì sẽ không giàu được, trồng ngô, trồng sắn vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao. Những suy nghĩ về cách làm giàu từ lao đông sản xuất cứ thôi thúc trong anh, thức trắng nhiều đêm để tìm ra một hướng đi mới phù hợp với điều kiện gia đình, cuối cùng anh quyết định lựa chọn mô hình trang trại tổng hợp (VAC), nuôi lợn là chủ lực kết hợp trồng cây ăn quả, thứ nhất là nuôi lợn sẽ tạo công ăn việc làm và nguồn thu lớn cho gia đình, thứ 2 là lấy chất thải đó ủ để làm phân bón cho cây trồng, vừa xử lý môi trường vừa chăm sóc cây rất tốt.​ Nghĩ là vây nhưng thực tế đâu có đơn giản, anh đã thử nuôi một vài lần nhưng đều thất bại vì chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi. Với quyết tâm cao và nghị lực vươn lên làm giàu, anh đã tìm tòi, học hỏi cách làm hay của các mô hình trang trại hiệu quả trong và ngoài tỉnh, cũng như tham gia các lớp tậm huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của Hội Nông dân các cấp tổ chức tại địa phương.         

Khi đã có kiến thức và kinh nghiêm chăn nuôi và trồng trọt, năm 2008, anh  đã vay 300 triệu đồng tại Ngân hàng Agribank huyện Yên Châu, Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 10 con lợn nái để tạo đàn, gần 100 con lợn thương phẩm, nuôi theo hướng an toàn sinh học. Khi đàn lợn nái đẻ lứa đầu tiên cũng là lúc anh xuất bán lứa lợn thịt ra thị trường, anh đã thu về gần 700 triệu đồng.

Từ những thắng lợi đầu tiên, anh tiếp tục dùng số tiền lãi tái đầu tư để tăng đàn lợn nái lên 40 con và 500 con lợn thương phẩm, lứa tiếp theo đã cho lãi tăng gấp đôi thành 1,5 tỷ đồng. Đến nay, tổng đàn lợn trong trang trại của anh luôn duy trì ở mức trên 1.200 con nuôi theo chu trình khép kín, sản lượng mỗi năm từ 35-40 tấn, thu nhập trên 10 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương, với mức lương từ trên 6 triệu đồng/tháng. Nguồn phân từ nuôi lợn đủ cho anh trồng xử lý và chăm sóc hơn 7 ha nhãn chín muộn và hơn 1 ha xoài tượng da xanh, toàn bộ diện tích cây ăn quả đều trồng và chăm sóc theo chuẩn VietGAP, thu nhập bình quân hằng năm từ vườn cây ăn quả đạt gần  một tỷ đồng.

Với tư duy nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, anh nhận thấy, muốn có được thương hiệu cạnh tranh phải biết liên doanh, liên kết cùng nhau tạo ra vùng sản xuất an toàn cung cấp cho thị trường các sản phẩm bảo đảm chất lương và quảng bá sản phẩm an toàn, chất lượng của địa phương mình trên toàn quốc. Năm 2016, anh đã đứng ra thành lập hợp tác xã lấy tên là Hợp tác xã Phương Nam, đến nay hợp tác xã có hơn 10 thành viên và anh làm giám đốc hợp tác xã. Hợp tác xã có trên 100 ha cây ăn quả, hơn 2.500 con lợn thương phẩm, tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên và 50 lao động mùa vụ, thu nhập bình 7-8 triệu đồng/tháng.

Ngay từ khi mới thành lập, hợp tác xã đã giúp các thành viên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật sản xuất, áp dụng công nghệ tưới ẩm, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Toàn bộ diện tích cây ăn quả của hợp tác đã được ghép, cải tạo nên năng suất, chất lượng hơn hẳn giống địa phương trước đây. Thương hiệu nhãn ghép của hợp tác xã đã được Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng đã có mặt tại các thị trường trong tỉnh Sơn La và tại các siêu thị các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa...

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với cương vị là giám đốc hợp tác xã anh luôn đảm đương trách nhiệm của mình cùng với các thành viên tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh góp phần xây dựng bản làng ngày càng tươi đẹp, luôn chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Là một hội viên nông dân của xã Lóng Phiêng, anh luôn giúp đỡ các hộ khó khăn nhất là hội viên, nông dân trong bản, trong xã về vốn, giống, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Tích cực tham gia các phong trào của Hội; Hướng dẫn kỹ thuật cho trên 100 hộ nông dân trên địa bàn xã. Hỗ trợ con giống, cây giống, vật tư, vốn cho 12 hộ nghèo phát triển sản xuất. Hiến hơn 200m2 đất làm đường nông thôn, ủng hội xây dựng nông thôn mới của xã hàng chục triệu đồng, ủng hộ tiền xây cổng trường học, hỗ trợ đồn biên phòng, tặng 10 con bò giống, hơn 100 lợn giống cho các hộ khó khăn.Từ những thành tích đạt được trong những năm qua anh đã được tôn vinh và trao tặng rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành.

Nhật Anh