00:00 Số lượt truy cập: 2662405

Kinh nghiệm nuôi lele sinh sản 

Được đăng : 31/08/2019

 

Lê Khôi

Thịt le le là món ngon, bổ rất phù hợp với khẩu vị nhiều người. Hiện nay việc săn bắt ngoài tự nhiên đã cạn kiệt; giá bán 1 con lele thịt khoảng 300 gam từ 400.000 - 500.000 đồng/con, nhưng rất hiếm, không đủ số lượng cung cấp cho thị trường. Việc nuôi lele thương phẩm không khó, nhưng nguồn giống rất thiếu; để nuôi lele hiệu quả cần chủ động nguồn giống.

Hiện nay chưa có tài liệu nào dưới dạng sách kỹ thuật chính thức để hướng dẫn nuôi lele sinh sản; tuy nhiên trong thực tế có nhiều mô hình nuôi lele sinh sản thành công. Sau đây là kinh nghiệm nuôi lele sinh sản thành công tại một số hộ chăn nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài tự nhiên Lele sống thành đàn ở những hồ nước ngọt,  nhiều thực vật để chúng có thể tự kiếm ăn cho mình. Lele vừa thích bơi lội và có khả năng bay xa. Do vậy khi nuôi lele thành công khó khăn nhất là nguồn giống.

Chuồng nuôi

Chuồng nuôi phải chọn nơi cách xa khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông chính nhiều phương tiện và người qua lại; chuồng nuôi lele phải thông thoáng, rộng có tường bao quanh cao, có phần đất khô để trồng cỏ bụi rậm để lele vào làm tổ đẻ trứng. Ao nuôi phải rộng, có nước thay đổi làm cho nước sạch. Ao nuôi thả bèo tấm, bèo tây, bè cỏ. Chuồng nuôi phải có lưới chắn để lele không bay ra ngoài và phải tạo được môi trường sống giống như tự nhiên.

Chọn giống

Sau khi nuôi chim lele được 8 tháng chuyển sang nuôi sinh sản. Chọn những con chim to, khỏe, không dị tật, đầu nhỏ, nhanh nhẹn, nuôi ghép 10 con cái với 1 con đực. nên nuôi nhiều thành đàn để tạo tập quán sinh sống tự nhiên.

 Dinh dưỡng

Thức ăn của Le le là lúa, rau, cỏ, bổ sung thêm cá nhỏ, hoặc cám vịt đẻ, không nên cho ăn quá nhiều để tránh lele béo, khó đẻ.

Sinh sản

Trong thiên nhiên, le le thường đẻ vào mùa mưa, khoảng tháng 7- 8. Mỗi con đẻ từ 10 - 15 trứng. Le le tự làm tổ nhưng để hiệu quả nên làm tổ nhân tạo trước ở những bụi cỏ râm bằng rơm, rạ hoặc cỏ khô để lele vào đẻ; theo dỏi để thu trứng đem cất bảo quản để ấp tập trung như ấp vịt. sau khi con mới nở đem úm và phòng bệnh như vịt con.

 Nếu để đẻ và ấp tự nhiên thì để nguyên cả ổ trứng, lele tự ấp, sau nở vài ngày lele con theo mẹ đi kiếm ăn bình thường.

Vì nuôi tập trung môi trường ô nhiễm nên có thể phát sinh bệnh, nên phòng trị như các bệnh thông thường như nuôi vịt.

Nên tách mẹ sớm để nuôi lele sinh sản tập trung 1 chuồng và nuôi lele thương phẩm 1 chuồng khác vì chế độ chăm sóc cũng như thức ăn và phòng bệnh khác nhau.