00:00 Số lượt truy cập: 2982025

Kinh nghiệm nuôi thỏ thương phẩm 

Được đăng : 12/08/2023
Thỏ là một loại gia súc dễ nuôi, thức ăn có thể tận dụng được các nguồn sản phẩm phụ trong nông nghiệp (rau, lá, củ, quả…) và cỏ tự nhiên. Thời gian nuôi thỏ ngắn nên nhanh thu hồi vốn, chi phí đầu tư ban đầu ít. Trong quá trình nuôi thỏ lại không mất nhiều công sức cụ già và trẻ nhỏ trong gia đình cũng có thể tham gia. Do đó, nghề nuôi thỏ đang được nhiều nông hộ chọn làm mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

tho
Để có mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả thực sự cần phải nắm vững các bước kỹ thuật nuôi thỏ thịt. Ảnh minh họa

Thời gian nuôi ngắn, sinh sản lại nhanh

Loài thỏ có khả năng sinh sản nhanh chóng với thời gian mang thai từ 30 - 35 ngày và thỏ tầm 6 - 7 tháng tuổi là sinh sản được. Thỏ đẻ nhanh, một năm trung bình đẻ 6 - 7 lứa, mỗi lứa 6 - 7con. Nếu nuôi thỏ thương phẩm để bán thì tầm 3-3,5 tháng trọng lượng 1 con thỏ xuất chuồng đạt 2,5 - 3,0kg.

Chuẩn bị chuồng

Lồng, chuồng thỏ được làm bằng những vật liệu như: sắt, tre gỗ nhưng phải đảm bảo các loại tre, gỗ phải chắc và bố trí hợp lý sao cho thỏ không gặm được mòn vì thỏ là loại động vật gặm nhấm. Lồng nuôi thể nên đặt trong nhà có mái che, tránh mưa gió, nắng, lạnh… Để thỏ được khỏe mạnh và tránh bị bệnh dịch.

Quy cách làm chuồng: Mỗi ô dài 90 cm, cao 45 cm, rộng 60 cm, 4 chân cao 50 cm, một chuồng có thể làm nhiều ô như vậyĐáy lồng phải phẳng, nhẵn, sao cho thỏ không thể gặm được, phải có khe hở để lọt phân và nước tiểu xuống sàn (lưu ý để thuận lợi cho việc vệ sinh thì nên để đáy lồng có thể tháo lắp được). Ở xung quanh chuồng và các ngăn giữa các ô lồng có thể đóng bằng các thanh tre vót tròn hoặc làm bằng lưới sắt. Đảm bảo việc không có khe để thỏ lọt ra ngoài và đặc biệt không cho các loài khác vào cắn thỏ như chuột bọ, rắn. Trong mỗi ô lồng bố trí một máng thức ăn tinh làm bằng sứ, sắt, tôn, sành và một giá để thức ăn xanh. Máng nước uống có thể là máng chậu đổ bằng xi măng rộng 10 – 15 cm, cao 8 – 10 cm để thỏ không lật đổ được.

Chọn giống thỏ

Tìm địa chỉ quen biết, những người nuôi thỏ có nhiều kinh nghiệm, quản lý đàn giống tốt, chăm sóc thỏ cẩn thận. Thỏ chọn làm giống phải khoẻ mạnh, lưng phẳng, cơ thăn, bắp đùi, mông phải đầy đặn và chắc chắn. Chỉ chọn mua những con thỏ có thể lực tốt, linh hoạt, nhạy cảm, mắt sáng sủa, mũi khô, tai và chân sạch sẽ không có vẩy, lông bóng mượt, răng cửa mọc bình thường.

Với đa số các giống thỏ, con cái có thể bắt đầu phối giống được lúc 5 tháng tuổi trở lên, con đực thì muộn hơn khoảng một tháng. Chọn giống thỏ đực thì tìm con đầu to, chân tay to, mập mạp, ngực nở, đặc biệt có dương vật thẳng và hai quả cà (tinh hoàn) đều nhau, nở nang (không bị lép). Đối với thỏ cái làm giống, chọn con phải có 8 vú xếp thẳng đều ở hai hàng để thỏ mẹ có thể nuôi được 8 con thỏ con.

 Kỹ thuật nuôi và chăm sóc thỏ

Kỹ thuật nuôi thỏ thịt trải qua 3 giai đoạn: Ở giai đoạn khi thỏ còn nhỏ tính từ lúc cai sữa từ 30 - 70 ngày tuổi) có đến 70 - 80% thỏ đực thừa được đưa vào nuôi thịt. Ở giai đoạn này vẫn nuôi chung đúc, cái và con để làm giống.

Giai đoạn tiếp theo gọi là thỏ nhỡ (từ 70 đến 90 ngày tuổi nuôi dưỡng để thỏ sinh trưởng và phát triển đầy đủ tất cả và hoàn chỉnh.

Cả hai giai đoạn này, chưa cho thỏ ăn nhiều loại thức ăn dễ tích lũy mỡ (như ngô, cám, gạo, cơm...) cần cung cấp thức ăn giàu protein, vitamin, đủ chất xơ...

Cuối cùng là giai đoạn nuôi vỗ béo từ 90 - 120 ngày tuổi. Có khi chỉ vỗ béo 20 ngày là giết thịt. Giai đoạn này nuôi dưỡng để thỏ béo nhanh, giá thành 1kg hơi thấp nhất. Ở giai đoạn này cho ăn các loại thức ăn giàu tinh bột với tỷ lệ thích hợp như cám ngô, cám gạo, khoai sắn khô (60 - 100 g/con/này), các loại thức ăn thô xanh có thể giảm bớt (bình quân giai đoạn này chỉ cần 400 g/con/ngày).

Thức ăn và cách cho ăn

Thức ăn cho thỏ gồm có thức ăn tinh, thức ăn thô, xanh và thức ăn chế biến. Thức ăn thô, xanh là các loại như lá ngô, su hào, bắp cải, lá cây đậu, lạc, xoan, sung, mít, lá đu đủ, lá chuối, cỏ ghi-nê, chè đại, cỏ voi… Cho thỏ ăn theo nhu cầu, nên sử dụng đa dạng các loại thức ăn xanh và được thu hái từ nguồn sạch sẽ. Nếu không sử dụng hết nguồn thức ăn này một lúc có thể phơi kỹ, bó lại để dự trữ. Thức ăn tinh là các loại củ quả như ngô, khoai, sắn, thóc, lúa. Không nên sử dụng thức ăn khô, cứng, có thể dùng cơm trộn cám hoặc cám nấu. Để nuôi công nghiệp đạt hiệu quả cao cần bổ sung thêm lượng thức ăn công nghiệp loại chuyên dùng nuôi thỏ hoặc thức ăn dành cho lợn từ 30 kg trở lên, có hàm lượng đạm 15 – 20%. Có thể phối trộn thức ăn cho thỏ theo công thức: 60% bột ngô + 10 – 15% (cám gạo, cám sắn) + 15 – 20% cám công nghiệp. Sau khi trộn đưa vào máy ép thành viên sử dụng ngay hoặc phơi khô sử dụng trong nhiều ngày.

Cách cho ăn: Đầu giờ sáng cho thỏ uống nước (nếu không có hệ thống uống nước tự động). Cho thỏ ăn 4 bữa vào sáng, trưa, chiều, tối, lượng thức ăn chiếm 5 – 8% trọng lượng cơ thể. Bữa sáng vào lúc 6 – 7 giờ, sử dụng thức hỗn hợp tinh, thức ăn tự chế. Bữa trưa vào lúc 10 – 11 giờ, cho ăn thức ăn thô xanh. Bữa chiều vào lúc 15 – 16 giờ, cho ăn thức ăn củ quả (khoai, sắn tươi, bí đỏ, su su…). Bữa tối, lúc 20 – 21 giờ cho ăn thức ăn thô, xanh, với lượng nhiều gấp 2 – 2,5 lần ban ngày. Có thể thêm thức ăn tự phối trộn. Nuôi thỏ thịt nên giảm bớt ánh sáng buổi chiều vào lồng, chuồng, tạo không gian yên tĩnh cho thỏ nghỉ ngơi, ngủ, ít hoạt động. Trước khi xuất chuồng 7 – 8 ngày, giảm cho ăn rau cỏ, lá cây (thức ăn thô xanh, thô khô).

Các bệnh thường gặp của thỏ

Các bệnh cần phòng cho thỏ là ghẻ, tụ cầu trùng, nấm, bại liệt, bại huyết, trướng bụng đầy hơi. Hàng ngày phải quan sát thỏ kỹ càng để xem có con nào bị ốm không. Nếu thỏ ốm thì bỏ ăn, giảm trọng lượng, lông xù, lông xung quanh đuôi bẩn dính bết lại. Thỏ có khi nằm ở tư thế không bình thường hoặc không đi lại được dễ dàng.

Nuôi thỏ quan tâm bệnh ghẻ hàng đầu: dấu hiệu là có vẩy sùi dần lên ở lỗ tai, trên vành tai, ở sống mũi, mí mắt, móng chân, gót chân. Khi đó cần dùng thuốc nhóm ivermectin tiêm ngay. Khi thỏ gầy còm, tai, nũi, mí mắt sần sùi thì đó là dấu hiệu ghẻ cần biết. Để phát hiện thỏ bị ghẻ cũng cần kiểm tra móng chân, mũi và tai. Muốn phát hiện ra bệnh ghẻ cần được kiểm tra định kỳ mỗi tháng 2 lần để phát hiện kịp thời càng sớm càng tốt. Thỏ khỏe. lông phủ kín móng, nếu không thấy phủ kín là bị ghẻ.

Tiêm ghẻ tiêm dưới da ở gáy là tốt nhất. Thỏ chưa mang thai, tất cả các loại thuốc thú y dành cho chó, mèo tiêm được nhưng nồng độ giảm (thường dùng liều 0,5 – 0,7cc cho thỏ 2kg)

Chú ý: Phải bắt thỏ thật cẩn thận tránh gây chấn thương. Nếu nhấc thỏ lên phải nắm thật chắc chắn nhưng rất nhẹ nhàng. Khi bắt thỏ, không làm chúng sợ, chạy hỗn loạn và phản ứng lại, cào cắn. Không được nắm chân, nắm tai thỏ để nhấc lên. Vì tai thỏ có nhiều mạch máu, nếu túm vào tai thỏ dễ bị đứt mạch máu và chết. Với thỏ trưởng thành, một tay vuốt dọc tai và nắm chắc da vùng trên lưng sát gáy thỏ, tay khác đỡ dưới mông thỏ nhấc lên. Với thỏ con, cần nắm chắc vùng giữa xương chậu và mông nhấc thỏ lên để đầu thỏ cúi xuống./.

                                                                                                     Trung Hiếu