00:00 Số lượt truy cập: 2928146

Kinh nghiệm phòng, chống sâu keo mùa thu 

Được đăng : 09/08/2024

autrungdacdiemphanbiet

Chữ “Y” ngược và 4 chấm xếp thành hình vuông ở đốt lưng bụng liền kề đốt lưng bụng cuối của ấu trùng Sâu Keo mùa Thu

Theo tài liệu, sâu non sâu keo mùa thu có thể ăn hơn 300 loài thực vật, bao gồm ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, cây rau, cà, chuối, cỏ chăn nuôi,... Tuy nhiên, sâu ưu thích cây ngô, nhất là ngô ngọt, ngô nếp và ngô rau. Ở Việt Nam cho thấy sâu keo mùa thu có xuất hiện và gây hại cục bộ trên lúa, cao lương, mía, cỏ chăn nuôi nhưng chủ yếu vẫn là cây ngô.

Dưới đây giới thiệu kinh nghiệm phòng, chống sâu keo mùa thu trên cây ngô

1. Trước khi gieo hạt

- Sử dụng giống kháng, chống chịu:

Ở những vùng đã từng bị sâu keo mùa thu gây hại nặng chọn giống ngô có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu cao (NK 7328 Bt/GT, NK 4300 Bt/GT, NK 66 Bt/GT, NK 6101 Bt/GT, 8639S, 6919S, 99558S, …) để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại, giảm chi phí sản xuất do phải áp dụng các biện pháp khác phòng chống sâu keo mùa thu, đặc biệt với khu vực miền núi có địa hình khó khăn, nơi khan hiếm nước để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

- Xử lý hạt giống:

+ Xử lý hạt giống bằng thuốc bảo vệ thực vật là biện pháp có hiệu quả cao trong phòng chống sâu keo ở giai đoạn đầu vụ, từ khi cây ngô nảy mầm đến giai đoạn cây ngô 5 - 6 lá.

+ Chỉ xử lý hạt giống đối với các giống ngô không có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu bằng các thuốc xử lý hạt giống trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, liều lượng sử dụng và phương pháp xử lý hạt giống theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

* Lưu ý: Khi gieo hạt giống ngô đã được xử lý thuốc BVTV phải sử dụng găng tay chống thấm (cao su, nilon) hoặc tra hạt bằng máy để tránh tiếp xúc với thuốc gây ngộ độc.

- Chuẩn bị bẫy bả chua ngọt để diệt trừ trưởng thành sâu keo mùa thu ở tất cả các vùng trồng ngô.

2. Giai đoạn ngô mới gieo đến 7 lá Đây là giai đoạn sung yếu nhất của cây ngô với sâu keo mùa thu, nếu không phòng trừ tốt, sâu keo mùa thu gây hại nặng làm giảm mật độ cây ngô trên đồng ruộng, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất ngô sau này.

3. Giai đoạn ngô 7 lá đến xoáy nõn, sắp trỗ cờ phun râu

- Những ruộng trồng giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu không phải phun thuốc BVTV.

- Những vùng, ruộng ngô không sử dụng giống kháng, giống chống chịu sâu keo mùa thu tiếp tục sử dụng thiên địch để kiểm soát sâu non. Thường xuyên điều tra để phun trừ kịp thời khi mật độ sâu non tuổi 1 - 2 cao (trên 4 con/m2 ), tỷ lệ cây bị hại trên 20% số cây (tính theo vết hại mới).

* Lưu ý: Giai đoạn này mật độ sâu thường thấp hơn giai đoạn ngô 3 - 6 lá và cây ngô đã lớn, có khả năng đền bù thiệt hại do vậy trong trường hợp ruộng ngô bị sâu hại nặng vẫn tiếp tục chăm sóc để cây ngô phục hồi nhanh, cho thu hoạch bình thường.

4. Giai đoạn ngô trỗ cờ phun râu - chín, thu hoạch

Giai đoạn này mức độ gây hại và thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra trên cây ngô giảm hơn so với 2 giai đoạn trước, do đó nên hạn chế sử dụng thuốc BVTV. 2. Trên cây trồng khác a. Lần đầu phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên cây trồng cần báo cho cán bộ trồng trọt, BVTV hoặc khuyến nông xã, huyện để được hướng dẫn biện pháp xử lý. b. Áp dụng các biện pháp phòng chống an toàn gồm bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone và sử dụng thiên địch.

c. Nếu sâu xuất hiện với mật độ cao, khả năng gây thiệt hại lớn tới năng suất cây trồng thì tạm thời sử dụng các thuốc BVTV theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật để phun trừ.

5. Biện pháp phòng, chống

5.1. Biện pháp sinh học

- Ưu tiên nhân thả các loài thiên địch như các loài ong ký sinh trứng, ký sinh sâu non; loài côn trùng ăn thịt sâu non sâu keo mùa thu như bọ rùa, bọ xít ăn thịt, bọ đuôi kìm, … ra đồng ruộng để kiểm phòng chống sâu keo mùa thu và một số sâu hại khác.

- Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, vi - rút NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ và điều kiện thời tiết có ẩm độ cao để phát huy tốt nhất hiệu lực của chế phẩm.

- Đặt bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy dẫn dụ giới tính (pheromone): Số lượng 10 - 20 bẫy/ha trên ruộng để diệt trừ trưởng thành sâu keo mùa thu ở tất cả các vùng trồng ngô. Nên đặt bẫy suốt vụ ngô nhưng quan trọng nhất là khi ngô vừa mới gieo đến khi trỗ cờ, phun râu.

Hướng dẫn làm bẫy và đặt bẫy bả chua ngọt tiêu diệt sâu keo mùa thu

a. Cơ chế hoạt động của bẫy bả chua ngọt

Mùi chua ngọt của dung dịch bả hấp dẫn trưởng thành sâu keo mùa thu và các loài thuộc giống Spodoptera (sâu keo) đến ăn thêm trước khi giao phối, đẻ trứng, thuốc BVTV làm cả trưởng thành đực và cái ngộ độc chết. Chọn các thuốc BVTV trừ sâu bộ cánh vảy, có tác dụng vị độc, không hoặc ít mùi sẽ cho hiệu quả cao hơn.

b. Cách làm bẫy bả chua ngọt

- Nguyên liệu: (cho 1 ha với 2 - 3 lần bổ sung bả) 4 lít mật mía (hoặc rỉ mật, đường phên) (40%) + 4 lít dấm (tốt nhất là dấm hoa quả) (40%) + 1 lít rượu trắng (10%) + 1 lít nước sạch (10%).

- Trộn và ngâm ủ: Cho các loại nguyên liệu trên vào chậu khuấy kỹ để các loại nguyên liệu trộn đều sau đó đem ủ kín trong can nhựa, lu, vại, hoặc dụng cụ khác có nắp đậy trong 3 - 4 ngày, khi dung dịch có mùi thơm thì mang ra làm bả.

-. Pha bả độc: Pha bả độc theo tỷ lệ 10 ml thuốc trừ sâu với 3 lít dung dịch chua ngọt (pha gấp 2 lần so với liều lượng khuyến cáo sử dụng ghi trên bao bì để phun). Nên chọn thuốc độc qua đường miệng (vị độc), ít hoặc không có mùi. Thuốc dạng bột cần hòa tan với một lượng nhỏ nước trước khi pha với dung dịch chua ngọt.

- Làm bẫy:

+ Dùng giẻ, bông thấm nước hoặc bã mía tẩm đẫm dung dịch bả độc hoặc rót dung dịch bả độc (30 - 50 ml/lần) vào các đĩa, cốc, lọ nhựa rộng miệng (nên sử dụng các chai lọ cũ để giảm chi phí) sao cho trưởng thành bay vào đậu, hút dịch và bay ra được. Các chai nhựa miệng hẹp thì khoét 2 - 4 ô tạo thành các cửa sổ xung quanh chai để trưởng thành sâu keo mùa thu có thể bay vào. Sau đó đặt đĩa, cốc, lọ nhựa dưới bó lá dừa, bó rơm rạ hoặc vật che chắn không để nước mưa rơi vào làm loãng bả độc.

+ Có thể tẩm bả độc vào trong bó rơm rạ và cắm trực tiếp trên ruộng.

c. Đặt bẫy bả chua ngọt

- Thời điểm đặt bẫy Đặt bẫy bả ngay khi ngô mới ra lá đầu tiên, bổ sung bả chua ngọt 3 - 5 ngày/lần ở giai đoạn ngô 1 lá đến xoáy nõn, khuyến cáo nên đặt bẫy trong suốt vụ ngô để diệt trưởng thành sâu keo mùa thu.

- Số lượng bẫy Việc phòng trừ sâu keo mùa thu bằng bẫy bả chua ngọt cần đặt nhiều bẫy và trên diện rộng, do vậy cần làm đồng loạt trên cả cánh đồng ngô. Đặt 50 - 100 bẫy/ha (1 bẫy cho 50 - 100 m2 ruộng ngô).

- Vị trí đặt bẫy Khi ngô mới trồng có thể đặt bẫy trực tiếp trên mặt ruộng; khi ngô phát triển chiều cao nên đặt bẫy cao hơn mặt tán lá ngô trên ruộng từ 20 - 30 cm. Các bẫy cách đều theo hình vuông, bẫy cách bẫy 10 - 15 m.

5.2. Biện pháp hóa học

- Những ruộng trồng giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu không phải phun thuốc BVTV.

- Những vùng, ruộng ngô giống đã được xử lý hạt giống đúng hướng dẫn không phải phun thuốc BVTV khi sâu non mới nở (sâu thường chết ngay ở tuổi 1-2). Tuy nhiên, trong giai đoạn này cần điều tra mật độ sâu để phun trừ nếu mật độ sâu non tuổi 2 - 3 còn cao (mật độ sâu non 3 - 4 con/m2 hoặc tỷ lệ hại > 20% số cây, triệu trứng hại là các vết nhỏ li ti màu trắng trên lá).

- Những vùng, ruộng ngô không được xử lý hạt giống bằng thuốc BVTV cần áp dụng bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy pheromone để diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng sâu keo mùa thu nhằm làm giảm mật độ sâu non trên đồng ruộng. Trong giai đoạn này cần điều tra mật độ sâu để phun trừ khi sâu non tuổi 1 - 2 có mật độ cao.

- Những vùng, ruộng ngô không áp dụng các biện pháp nêu trên phải thường xuyên điều tra để phun trừ kịp thời khi mật độ sâu non tuổi 1 - 2 cao.

* Lưu ý: Sử dụng thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam hoặc các hoạt chất thuốc được Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn tạm thời sử dụng, theo nguyên tắc 4 đúng và luân phiên sử dụng các hoạt chất khác nhau để tránh sâu kháng thuốc. Phun ướt đều lá và phun vào nõn cây ngô. Không phun thuốc BVTV ở những vùng thả ong ký sinh, thiên địch. Những nơi đã bị sâu keo mùa thu hại nặng mà điều kiện khó khăn (không có nước, độ dốc cao, …) không thể áp dụng đầy đủ các biện pháp nêu trên thì tùy theo giống ngô cần áp dụng các biện pháp tối thiểu là (1) sử dụng giống kháng hoặc giống chống chịu, (2) xử lý hạt giống và (3) sử dụng bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone.

Phương Loan