00:00 Số lượt truy cập: 2928142

Kinh nghiệm phòng trị sâu bệnh trên chanh dây 

Được đăng : 19/08/2024

chanh-day-1

Bệnh ghẻ trên chanh dây

1. Các đối tượng sâu bệnh hại chính trên cây chanh dây

a. Nhóm bệnh hại do vi - rút

Hiện nay đã ghi nhận 6 loài vi - rút gây hại cây chanh dây, trong đó có 3 loài gây hiện tượng cứng quả, với nhiều triệu chứng khác nhau và khả năng nhiễm một hay nhiều loài vi - rút trên cùng mẫu bệnh.

- Trên ngọn: Gây hiện tượng quăn và chùn ngọn.

- Trên lá: Gây khảm vàng trên lá non; lá già, lá nhăn nheo, phồng rộp.

- Trên quả: Gây quả nhỏ; vỏ quả hóa bần, quả biến dạng, chuyển màu từ màu xanh sang màu trắng.

b. Nhóm bệnh hại do nấm

- Bệnh đốm nâu: gây hại trên lá và quả tạo thành những đốm tròn có màu nâu đỏ, bệnh nặng làm lá rách và thối, rụng quả.

- Bệnh thối thân, thối quả: gây hại trên tất cả bộ phận của cây, bệnh làm thối quả, rụng quả, thối lá, thân, rễ; có thể gây chết cây.

- Bệnh thán thư: gây hại trên lá, thân cành và quả, vết bệnh màu nâu nhạt đến đậm, hình hơi tròn hoặc không định hình, làm rụng hoa, lá, quả. Bệnh nặng có thể gây chết ngọn cây.

- Bệnh thối gốc, phình thân: làm phần gốc thân bị phình to, nứt toác theo chiều dọc thân, khi nặng chuyển màu đen và bị thối mục hoàn toàn, cây bị héo và chết.

c. Nhóm côn trùng chích hút, nhện và ruồi hại

- Rệp muội: Chích hút làm lá bị cong và xoăn, cây sinh trưởng kém, lá bị vàng héo, quả nhỏ và dễ bị cháy xám. Rệp muội là môi giới truyền một số vi - rút trên chanh dây.

- Bọ phấn trắng - rầy phấn trắng: Gây hại ở ngọn non và lá non làm cho lá vàng. Bọ phấn là môi giới truyền một số vi - rút trên chanh dây.

- Bọ trĩ: Gây xoăn và biến dạng lá, hoa và quả.

- Bọ xít: Bọ xít gai, bọ xít xanh, bọ xít càng to …, chích hút vào lá, hoa, đọt non và quả non làm cho quả lốm đốm, nếu gây hại nặng làm rụng quả.

- Nhện nhỏ: Nhện đỏ và nhện trắng gây hại trên lá và bề mặt quả, chích hút làm cho lá vàng và cong, mật độ cao làm khô và rụng lá, vỏ quả mất màu, quả bị biến dạng, chậm phát triển.

- Ruồi đục quả: gây hại làm cho trái non bị nhăn nheo, rụng sớm. Trên quả đã lớn xung quanh vết hại hơi lõm xuống, vị trí vết hại vỏ quả cứng màu xám trắng, chính giữa vết hại có chấm màu đen. Vết thương do ruồi đục sẽ làm giảm giá trị thương phẩm của quả.

2. Phòng trị sâu bệnh trên chanh dây

- Biện pháp giống: Sử dụng cây giống của những cơ sở sản xuất giống trong và ngoài nước có uy tín, chất lượng tốt. Các cây giống phải đảm bảo chứng nhận sạch vi - rút và không nhiễm nấm bệnh truyền qua đất như Fusarium, Phytophthora…

- Biện pháp canh tác:

+ Thu dọn cỏ dại, tàn dư thực vật, nhổ bỏ các cây là ký chủ của vi - rút và môi giới truyền bệnh trên khu vực trồng chanh dây.

+ Xử lý mối, tuyến trùng và sâu hại dưới đất trước khi trồng.

+ Khử trùng đất bằng vôi bột với lượng 0,5 kg/hố trước khi trồng ít nhất 15 -20 ngày. + Mật độ trồng: Từ 800 - 1.000 cây/ha (4m x 3m, 3m x 3m). Trồng trên luống cao thoát nước tốt để hạn chế lây lan bệnh từ đất.

- Vệ sinh đồng ruộng

+ Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm, thu gom và tiêu hủy triệt để các bộ phận của cây bị nhiễm sâu, bệnh hại; loại bỏ và thay thế cây có biểu hiện của bệnh vi - rút.

+ Hàng năm, khử trùng vườn bằng vôi bột với lượng 500 kg/ha (chia làm 2 lần), rắc toàn bộ vườn hoặc rắc vào rãnh thoát nước để khử trùng nguồn bệnh và nâng độ pH của đất.

- Kỹ thuật cắt tỉa;

+ Sau thu hoạch, cắt toàn bộ các cành trên mặt giàn đã cho trái, để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn. Khi chồi mới nhú ra từ 2 - 3cm cần phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh để bảo vệ chồi non.

+ Khử trùng dụng cụ cắt tỉa bằng nước javen 1% hoặc cồn trước khi cắt tỉa cây khác. Phải thu dọn cành, lá, quả sau khi cắt tỉa ra khỏi vườn.

3. Kỹ thuật trùm lưới bảo vệ cây tránh môi trường truyền bệnh vi - rút a. Trùm lưới bảo vệ cây - Sử dụng lưới nhựa, kích thước mắt lưới 90 - 120 ô/cm2 , kích thước lồng lưới (dài x rộng): 2,5m x 0,7m, có cửa để đóng, mở khi cần.

- Sử dụng 1 cọc tre cao 3m cắm giữa hố trồng để cây leo lên giàn. Dùng 4 cọc tre cao 2,5m cắm ở 4 góc, cách nhau 50 cm để căng lồng lưới. Trùm lồng lưới bên ngoài cọc tre, kéo mép lưới xuống sát mặt đất để căng lồng lưới, lấp đất phủ kín chân lưới, dán kín các cửa của lồng lưới. Buộc cố định nóc của lồng lưới lên sát với mặt giàn trồng chanh dây. Tháo bỏ lồng lưới khi ngọn cây chạm tới đỉnh của lồng lưới.

b. Trùm lưới bảo vệ cây con tập trung trước khi trồng

- Cây con phải được chuyển ra trồng ở bầu to kích thước tối thiểu 20cm x 30 cm. Khu vực trùm lưới phải thoáng, mát, không bị che bóng, loại bỏ sạch cỏ dại và các cây là ký chủ của rầy, rệp, bọ phấn. Trước khi đưa cây vào cần phun thuốc phòng trừ rầy, rệp, bọ phấn ở trong và xung quanh khu vực trùm lưới.

- Sử dụng lưới nhựa, kích thước mắt lưới 90 - 120 ô/cm2; có cửa để đóng, mở khi cần, chiều cao của lưới tối thiểu trên 2m. - Chỉ bảo vệ cây con tập trung từ 30 - 45 ngày trước trồng hoặc khi cây đạt chiều cao từ 1,2 - 1,4m phải đem ra trồng. Các kỹ thuật khác như tưới, tiêu nước, bón phân, làm cỏ... áp dụng theo quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh dây của từng địa phương

4. Biện pháp sinh học

Sử dụng chế phẩm sinh học chứa vi sinh vật đối kháng như nấm Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces, vi khuẩn Bacillus, thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất saponin, ankaloid, nấm ký sinh côn trùng Metarhizium… và các vi sinh vật có ích khác để phòng trừ nấm và tuyến trùng gây hại trong đất. Các chế phẩm sinh học có thể bón kết hợp với các đợt bón phân, hoặc rắc chế phẩm (trong vùng rễ) rồi phủ lớp đất lên. Mùa khô có thể hòa chế phẩm sinh học trong nước để tưới. Thời kỳ trước và sau mùa mưa nên sử dụng nấm đối kháng Trichoderma nồng độ 0,5% tưới vào gốc từ 3 - 4 lần/vụ, mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày.

5. Biện pháp hóa học

Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, chỉ dùng các thuốc đã được đăng ký trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

a. Đối với nhóm bệnh hại do nấm: Khi bệnh mới xuất hiện, sử dụng thuốc có hoạt chất như Tebuconazole, Mancozeb, Propineb, Metalaxyl, Dimethomorph, Difenoconazole, Azoxystrobin, Chlorothalonil, Fosetyl Aluminium, Copper oxychloride, Hexaconazole… để phòng trừ. Chú ý phun vào những đợt cây ra chồi mới hoặc vào đầu mùa mưa.

Nếu thời tiết thuận lợi, bệnh phát sinh gây hại nặng, cần phun lần 2 cách lần 1 khoảng 7 - 10 ngày. Sử dụng thuốc luân phiên để tránh hiện tượng kháng thuốc. Xử lý gốc chanh dây chớm bị bệnh phình thân và cây xung quanh vùng bệnh bằng thuốc có hoạt chất Phosphonate, Fosetylaluminium, Mancozeb, Metalaxyl. Xử lý 1 hoặc 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa bằng phương pháp tưới, sục gốc, hoặc quét lên vết bệnh.

b. Đối với nhóm bệnh vi - rút và côn trùng môi giới:

Treo bẫy vàng để dự báo sớm sự xuất hiện của môi giới truyền bệnh vi - rút, thường xuyên kiểm tra vườn để phòng trừ kịp thời. Phun phòng trừ đối tượng là môi giới truyền vi - rút như các loại rệp, bọ phấn bằng thuốc chứa hoạt chất như: Spirotetramat, Abamectin, Emamectin benzoate, Matrine… ngay từ khi cây mới trồng, giai đoạn sau trồng cho tới khi cây lên giàn. Khi cây ra các đợt lộc non hoặc sau cắt tỉa cây bắt đầu ra lộc, phải sử dụng thuốc hóa học để phun phòng trừ côn trùng chích hút.

c. Đối với nhóm nhện hại: Sử dụng luân phiên thuốc có chứa hoạt chất như Abamectin Abamectin + Petroleum oil 39,7%, propargite, dầu khoáng …, phun ướt đều bề mặt lá và các bộ phận khác trên cây. Sau 3 - 5 ngày nếu vẫn còn nhện cần phun nhắc lại.

d. Đối với ruồi đục quả: Dùng bẫy dính màu vàng hoặc bẫy dẫn dụ có hoạt chất Methyl Eugenol treo bên ngoài vườn để dự báo sự xuất hiện của ruồi. Khi có ruồi vào bẫy, phun bả protein (ento - protein 150dd). Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nên phun bả protein trên diện rộng để tăng hiệu quả diệt ruồi.

Anh Kiên