Giống lúa N24 được chọn lọc theo phương pháp phả hệ từ tổ hợp lai Japonica 13/AC5/P6ĐB tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa thuần, Viện cây lương thực và CTP. Giống đã được công nhận công bố lưu hành theo Quyết định số 209/QĐ-TT-CLT ngày 01/10/2020 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Tại các tỉnh Đồng bằng bắc bộ giống lúa N24 có TGST trong vụ mùa 110-115 ngày, vụ Xuân 135-145 ngày .
Cây cao khoảng 120 cm, đẻ nhánh khỏe, thân cứng, sinh trưởng nhanh, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất trung bình 56 - 65tạ/ha vụ xuân và khoảng 52,0 tạ/ha vụ mùa, thâm canh tốt đạt 90 tạ/ha/vụ. Gạo trắng trong, cơm thơm nhẹ, mềm ngon, Lúa kháng cao với Đạo ôn, chịu lạnh giai đoạn mạ khá, chịu thâm canh cao.
1. Thời vụ gieo cấy:
Vụ Xuân muộn gieo từ 15/1 – 25/1. Cấy khi mạ 3 - 4 lá không nên cấy mạ già.
Vụ Mùa sớm: Gieo từ 01 đến 15 tháng 6. Nếu nhiệt độ thấp dưới 15oC nên che phủ nilon để chống rét cho mạ.
Mật độ cấy thích hợp: Vụ Xuân 40 - 45 khóm/m2, vụ Mùa 40 khóm/m2, mỗi khóm cấy 2-3 dảnh. Cấy hàng rộng 30 cm, hàng hẹp 15 cm, hàng con 13.
2. Phân bón.
Lượng phân bón cho 1 ha: 10 tấn phân hữu cơ + 280 kg đạm, + 200 Kg Lân + 150 kg Kali.
+ Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơvà lân, 1/3 lượng đạm, 1/3 lượng phân kali.
+ Bón thúc khi bắt đầu đẻ nhánh: 2/3 lượng phân đạm và 1/3 lượng kali.
+ Bón khi đòng phân hóa bước 2-3 để nuôi đòng: bón hết lượng kali.
3. Chăm sóc.
Mực nước trong ruộng luôn giữ nông thường xuyên hoặc tháo nước xen kẽ, làm sạch cỏ dại, phát quang bờ bụi. Nếu trong ruộng có nhiều cỏ phải tiến hành làm cỏ, hoặc có các giải pháp tiêu diệt cỏ để lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Nếu diện tích nhỏ cần làm cỏ sục bùn bằng tay.
4. Phòng trừ sâu bệnh.
Thường xuyên thăm đồng, phát hiện sâu bệnh sớm, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. hoặc phải phun phòng theo kế hoạch sản xuất của địa phương. Chú ý phòng đánh bẫy chuột cắn phá lúa.
Sâu đục thân hai chấm:
Phun phòng trừ khi lúa bắt đầu trỗ, bằng các loại thuốc có chứa hoạt chất Chlorantraniliprole, Cartap,… như Prevathon® 35WG, Vifast 5EC, Patox 95SP, Sapen-Alpha 5EC, …..
Bệnh khô vằn:
Phun phòng trừ bằng một trong các loại thuốc chứa hoạt chất Propiconazole, Hexaconazole, Difenoconazole,… như Nevo 330EC, Tilt super 300EC, Newsuper 330EC, Superone 300EC, Annongvin 50SC,…
Bệnh bạc lá:
Phun phòng trừ khi bệnh mới xuất bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Bismerthiazol, Copper Oxychloride, Streptomycin,… (Xanthomix 20WP, Sieusieu 250WP, Batocide 12WP, Reward 775WP,…) hoặc rắc 15 – 20kg vôi bột/sào vào sáng sớm, chiều mát.
Bệnh đạo ôn:
- Xử lý hạt giống trước khi gieo.
- Trước khi gieo trồng, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh vụ trước.
- Không cấy quá dày để cây lúa được khỏe mạnh.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi ruộng chớm nhiễm bệnh giữ đủ nước ruộng vơ bỏ lá bệnh, đem tiêu hủy, sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị phun kép 2 lần cách nhau 5-7 ngày.
Phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông 2 lần: Lần 1 khi lúa trỗ đều, phun nhắc lại lần 2 sau 7 -10 ngày. Sử dụng một số thuốc đặc hiệu như: Fu – Army 40EC, Nativo 750 WG, Downy 650WP, Fujione 40EC, Fillia 52.5SE...
Phun trước khi lúa trổ hoặc sau khi lúa đã trổ đều. Phun khi ruộng đã ráo sương hoặc ráo nước sau mưavà phun lại sau 5 ngày. Trong thời gian sau phun 4 giờ gặp mưa không phải phun lại.
5. Thu hoạch.
Khi lúa chín, chọn ngày nắng ráo thu hoạch, tuốt lúa, làm sạch đem phơi, đóng bao bảo quản và đem tiêu thụ.
Lê Doanh