00:00 Số lượt truy cập: 2981441

Kinh nghiệm trồng cây quế đúng kỹ thuật, đem lại thu nhập cao 

Được đăng : 05/12/2023
Cây quế là một loài cây nhiệt đới thích hợp trồng ở các vùng ẩm, mưa nhiều, ưa đất sét pha cát, dễ thoát nước nên rất thích hợp và phát triển mạnh mẽ trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ở các nước Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện nay Quế còn được coi là một trong những cây dược liệu góp phần phát triển nền kinh tế ở nhiều địa phương trong nước. Để nâng cao năng suất và chất lượng cây quế góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao bà con cần lưu ý một số kỹ thuật dưới đây.

que123 

Nông dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đang khai thác vỏ quế

- Chuẩn bị đất trồng:

Đất trồng rừng quế phải chọn chỗ đất dốc thoai thoải về phía mặt trời và có đủ ánh sáng. Trước khi trồng cần phải làm đất toàn bộ, làm cỏ sạch sẽ. Đào hồ kích thước hố: 30x30x30cm, hố trồng bố trí so le theo hình nanh sấu; cuốc hố để đất mặt sang một bên, đất đáy để riêng một bên Bón lót: NPK= 0,1 – 0,3 kg; hoặc phân vi sinh 0,5 kg/ hố.

Mật độ, khoảng cách trồng thuần loài: Mật độ 5.000 cây/ha; Khoảng cách hàng cách hàng 2,0m; cây cách cây 1,0m.

- Thời vụ:

Thời điểm thích hợp để trồng cây là vào vụ Xuân - là vụ trồng chính, khi thời tiết thuận lợi mưa nhiều bắt đầu trồng từ tháng 3 đến tháng 5. Nếu thời tiết mát, mưa kéo dài có thể kết thúc trồng vào trung tuần tháng 6. Bà con có thể trồng vào mùa Thu từ tháng 8 đến tháng 9 nhưng tránh những đợt mưa.

- Chọn cây giống:

Có thể trồng quế bằng cây gieo từ hạt hoặc chiết cành, song kinh nghiệm cho thấy cây chiết cho vỏ rất mỏng, hàm lượng tinh dầu thấp, do vậy nên chọn cây giống theo phương pháp nhân giống từ hạt. Chọn những cây làm giống là cây trên 10 năm tuổi, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại. Các cây giống cần được đánh dấu ghi số đóng biển lên cây để theo dõi, nếu việc lập biểu ghi chép làm tốt tốt quá trình sinh trưởng của cây sẽ làm cơ sở cho việc lựa chọn sau này.

Nếu mua giống từ vườn ươm, nên mua giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cây giống được sản xuất tại các vườn ươm giống đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vườn và cây giống đủ tiêu chuẩn giống, Lựa chọn cây có chiều cao trên 25 cm; đường kính cổ rễ trên 0,5cm; Cây giống được giâm trong vườn ươm từ 9 – 18 tháng và đã có trên 10 lá, sinh trưởng tốt. Cây có 1 thân, thân thẳng, xanh tốt không bị cụt ngọn và không bị sâu bệnh hại.

- Kỹ thuật trồng:

Thời điểm trồng: Nên trồng cây vào những ngày trời râm mát, có mưa nhỏ, lặng gió và đất đủ ẩm. Không trồng cây vào những ngày mưa to gió lớn và tránh ngày nắng nóng, có nhiệt độ trên 300C.

Dùng cuốc hoặc bay khơi rộng lòng hố vừa đủ đặt bầu cây, có chiều sâu hơn chiều cao của túi bầu từ 3 – 5 cm so với miệng hố. Lúc trồng trộn phần đất mặt với phân rồi lấp xuống hố, trước hết lấp một nửa đất vào hố, tiếp theo cầm gốc cây nâng nhấc nhẹ lên. Tiếp tục lấp đất, lấp bằng với mặt đất. Đất trong hố cần phải lắp chặt, sau khi trồng xong tưới nước cho cây.

- Chăm sóc:

Trồng dặm các cây Quế đã chết từ năm thứ 1 đến năm thứ 2, nếu tỷ lệ cây sống dưới 85%; cây trồng dặm là cây từ 18 đến 24 tháng tuổi.

Trong quá trình cây phát triển sẽ tiến hành dọn cỏ, dọn dây leo và cây bụi xâm lấn. Giữ đất ẩm và chống xói mòn sau khi trồng. Từ năm thứ 2 trở đi, chặt dần những cây che bóng cho cây quế, mỗi lần chặt 25% số cây để lại, số cây chặt phân bố đều trên toàn bộ diện tích đến năm thứ 5 thì cây quế được lộ sáng hoàn toàn; gốc chặt không cao quá 15 cm, cây chặt mang ra khỏi lô rừng.

Khi quế được 3 - 4 tuổi, có nhiều cây đâm cành, vì vậy vào mùa Đông hoặc đầu Xuân cần tỉa bớt cành thấp, để cây cao thẳng sau này bóc được nhiều vỏ. Công việc này cần thận trọng tránh sây sát vỏ cây. Xới đất xung quanh gốc cây có đường kính từ 0,8 – 1m cho những lần chăm sóc từ năm thứ nhất đến năm thứ 3.

Đối với rừng trồng vụ Xuân Hè: Từ năm thứ nhất đến năm thứ 3 chăm sóc mỗi năm 2 lần, năm thứ 4 chăm sóc 1 lần. Đối với rừng trồng vụ thu: Năm thứ nhất chăm sóc 1 lần, từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 chăm sóc mỗi năm 2 lần.

Bón thúc cho cây quế từ 0,1 – 0,3 kg NPK tỷ lệ (5:10:3 hoặc só tỷ lệ tương đương)/cây; hoặc từ 0,5 – 1kg phân hữu cơ vi sinh, cách gốc 0,3 – 0,5m, mỗi năm bón 1 lần trong 3 năm đầu.

- Phòng trừ sâu bệnh

Bệnh thối rễ ở cây quế:

Vào mùa mưa nhiều, cây quế con rất dễ bị thối rễ. Ban đầu rễ cái bị thối trước, về sau cả cây bị chết. Cách phòng trừ: làm rãnh tháo nước, nếu trồng ở chỗ đất thấp thì phải làm luống cao. Nếu phát hiện cây bị bệnh này thì phải nhổ bỏ ngay, tránh lây lan. Có thể dùng vôi bột hoặc bột lưu huỳnh rải lên luống để tiêu độc trước khi trồng.

Bệnh úa vàng cháy lá

Ban đầu lá xuất hiện đốm vàng nhỏ, lớn dần lên đến mép lá, phần bị bệnh khô dần biến thành mầu nâu xám, sau lan rộng sang lá khác. Bệnh nặng làm cho lá rụng, cây chết khô, bệnh do nấm gây ra.

Bệnh đốm lá và khô cành: 

Gây hại chủ yếu ở lá, quả và cành. Trên lá và quả xuất hiện các đốm tròn mầu nâu sẫm, lá non bị bệnh thường xoăn lại, sau trên các đốm bệnh có các chấm nhỏ màu đen. Cành non bị bệnh thường xuất hiện các đốm hình bầu dục và bị khô héo, đốm bệnh màu nâu tím dần chuyển màu đen, bộ phận bị bệnh lõm xuống nối liền nhau, làm cành cây khô héo.

Cách phòng trừ: cắt bỏ những lá bị bệnh, rồi phun bằng dung dịch boóc – đô.

Các loại sâu hại cây quế:

Sâu xén tóc thường đục các cành cây có đường kính 2cm trở lên. Cành cây bị sâu hại thường bị khô và chết, khi có mưa bão hoặc gió mạnh cành cây rất dễ gãy. Khi bệnh phát sinh cần phải chặt bỏ các cành bị sâu hại. Chuyển các cành sâu bệnh ra ngoài rừng đốt, hoặc dùng lưu huỳnh xông và giết sâu trưởng thành vào tháng 5, 7.

 Bọ trĩ: Gây hại trong suốt thời gian cây con ở vườn ươm và rừng trồng. Thời gian gây hại mạnh nhất vào tháng 7, 8 khi thời tiết ấm nóng, bọ trĩ trích lá làm lá non bị biến dạng, xoăn lại.

Sâu quế: Sâu non thường phát sinh vào mùa hạ, sâu có màu đỏ, dùng vòi châm cắm vào vỏ cây để hút nhựa. Các cành bị sâu thường chết khô, cây bị nặng không chữa kịp thì chết cả cây.

Bọ xít nâu sẫm: thường chích hút trên cành non và chồi, sau từ 1-2 tuần các vết chích cùng chuyển sang mầu đen, khô dần, nứt ra, có thể khô héo và chết. Khi bọ xít trưởng thành xuất hiện, chúng sẽ đẻ trứng vào quả non trước, sâu non phá hoại hạt trong quả quế. Nếu quả bị bọ xít đẻ trứng thì sẽ phình to ra và không chín được. Đến đầu tháng 6 là giai đoạn sâu non nở, khi đó quả sẽ rụng xuống.

Cách phòng trừ:

Trước khi sâu phát sinh dùng vôi quét lên cành cây. Khi sâu phát sinh thì dùng bột cây duốc cá, xà phòng trung tính, nước sạch. Sau đó pha theo tỉ lệ 1 : 1 : 1,  pha thành thuốc dạng keo. Lưu ý nên phun thuốc vào sáng sớm hay buổi chiều tối để trừ sâu.

- Thu hoạch

Cây quế nhân giống bằng phương pháp vô tính sau 6 - 7 năm cho thu hoạch, nhưng trồng bằng hạt phải sau 20 năm. Trong quá trình nuôi dưỡng, cần tỉa thưa 2 lần. Đối với cây trồng từ hạt, tỉa thưa lần thứ nhất vào tuổi 8 - 10, lần thứ hai vào tuổi 15. 

Thùy Dung