Ảnh minh họa
1. Làm đất.
Chọn đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất bồi phù sa ven sông có độ PH từ 5,5 – 6,5. Dùng trâu, bò, máy làm đất nhỏ tơi xốp, dùng 20kg vôi bột, 700kg phân chuồng đã ủ hoai mục 10kg supe lân và 5kg cloruakali/sào bắc bộ để bón lót trực tiếp vào đất, sau đó bừa trộn đều 1 lần nữa và lên luống rộng từ 2,2 – 2,5m, cao 40cm. Rạch 1 hàng giữa luống sâu khoảng 15cm để gieo hạt. Dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép phun vào rãnh để diệt mối, kiến, nấm bệnh.
2. Chuẩn bị hạt giống và gieo hạt.
Nên mua hạt giống ở các địa chỉ tin cậy để có chất lượng hạt giống cao, đảm bảo tỷ lệ nảy mầm tốt, sức sống của cây con cao, không có mầm bệnh. Lấy hạt giống cho vào nước 3 sôi, 2 lạnh, ngâm trong 3 giờ, vớt ra và rửa qua nước lạnh và cho vào khăn ẩm đem ủ, hàng ngày kiểm tra khi thấy hạt nứt nanh thì đem gieo.
Cách gieo hạt: dùng dụng cụ (dao nhọn, dầm) tách đất ở rãnh sâu 3 cm và gieo 2 hạt 1 hố, vùi kín hạt bằng đất bột và hố cách nhau 35cm – 40cm, tưới đủ ẩm ngay.
3. Chăm sóc.
Sau khi gieo hạt hàng ngày dùng nước sạch tưới đủ ẩm để hạt nảy mầm, khi cây cao từ 10 đến 12cm thì tỉa nhổ bỏ cây nhỏ chỉ để mỗi khóm 1 cây, đồng thời trồng dặm những khóm bị chết, khi cây cao 15cm thì bắc giàn cho mướp chuẩn bị leo giàn. Tại mỗi gốc mướp cần cắm 1 chiếc que cho cây bám vào và leo lên giàn (đối với giàn bắc nằm ngang cao so với mặt ruộng 2m để dễ đi lại chăm sóc và thu hoạch mướp). Sau gieo 25 ngày kết hợp làm cỏ, xới xáo vun gốc, nếu cây còi cọc dùng 5kg phân NPK 10 – 10 – 10 hòa tan sau đó pha loãng tưới vào khoảng giữa 2 cây. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có giải pháp kịp thời tưới khi khô đất và tháo cạn nước khi gặp mưa to, không để ruộng bị ngập úng. Khi cây chuẩn bị ra hoa tưới 1 lần như công thức trên; khi cây ra hoa có thể thụ phấn bằng tay cho mướp bằng cách sau: vào buổi sáng sớm lấy phấn ở hoa đực thụ cho hóa cái, để nâng cao khả năng đậu quả. Cứ sau mỗi lần thu hoạch quả lại bón thúc 1 lần, kết hợp tưới nhiều nước vì khi đậu quả cây cần nhiều nước để phát triển quả. Dùng các loại bẫy, mồi nhử để diệt sâu, bướm hại mướp, hạn chế dùng thuốc hóa học để phun cho mướp, ưu tiên dùng thuốc sâu sinh học hoặc thuốc có nguồn gốc thảo dược và phun đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách; tuân thủ cách ly thuốc trước khi thu hoạch quả theo hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
*Chú ý: Không nên bón phân mất cân đối, nếu bón thừa đạm cây sẽ nhiều lá và ít quả hoặc không ra quả. Khi đó dùng mũi dao sắc, sạch tách đôi đoạn thân cách mặt đất từ 0,5 – 0,7cm, cài mảnh sành vào giữa, xới đất sâu 20cm, cách gốc 80cm, bón mỗi gốc 0,5kg clorua kali và tưới đẫm nước, mướp sẽ sai quả.
4. Thu hoạch.
Tùy vào tập quán ăn uống để thu hoạch mướp; khi thu hoạch dùng rổ nhựa cứng sạch sẽ để đựng quả, dùng dao sắc cắt cuống quả, tránh dùng tay vặt mạnh hoặc vặn xoắn cuống làm cuống bị dập gây tổn thương lớn cho cây và là cơ hội để các loại bệnh phát triển.
Mướp từ lúc gieo đến khi thu hoạch từ 90 - 100 ngày, thời gian thu hoạch kéo dài nên cần phải theo dõi thường xuyên đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh và điều trị kịp thời. Nếu trồng chính vụ, chăm sóc tốt có thể đạt năng suất 50 tấn quả/ha/vụ.
Mai Loan