Ảnh minh họa
1. Biện pháp chung
(1) Khi mua trâu, bò về nuôi cần chọn mua từ các cơ sở chăn nuôi, những vùng không có dịch bệnh
phòng đầy đủ theo quy định của cơ quan thú y.
Trâu, bò mới mua về phải nuôi cách ly và theo dõi ít nhất 2 - 3 tuần. Chỉ những con không có dấu hiệu bệnh mới được nhập chung vào đàn cũ.
(2) Tốt nhất là xây dựng chuồng nuôi trâu, bò xa nhà ở hoặc chí ít cũng tách rời nhà ở, cuối hướng gió. Nên xây chuồng theo hướng Đông - Tây, bảo đảm đủ diện tích, khô ráo và thông thoáng.
(3) Hàng ngày phải làm vệ sinh, quét dọn chuồng nuôi. Tất cả phân và rác thải phải được thu gom và ủ nhiệt sinh học để diệt mầm bệnh. Nếu có điều kiện nên xây bể biogas để xử lý chất thải đồng thời tạo ra nguồn năng lượng phục vụ đun nấu và thắp sáng.
Khi không có dịch cứ 2 tuần sát trùng chuồng nuôi một lần, khi có dịch xảy ra sát trùng mỗi tuần 1 - 2 lần. Có thể dùng các biện pháp sát trùng sau đây:
- Dùng Han Iodin 10%, pha với nước thành dung dịch 1%, phun chuồng không có trâu, bò và pha nồng độ 0,5%, phun chuồng đang có trâu, bò.
- Dùng Hantox-200, pha thành dung dịch 5% phun chuồng nuôi.
- Dùng nước vôi 10% hoặc rắc vôi bột trên nền chuồng và xung quanh chuồng.
(4) Cho trâu, bò ăn đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng. Không cho trâu, bò ăn thức ăn thối mốc, thức ăn ướt, dính nước mưa, dính bùn đất. Không chăn thả trâu, bò nơi sình lầy, đọng nước hoặc gần các khu công nghiệp.
Cho trâu, bò uống đầy đủ nước sạch, nước không bị ô nhiễm. Khi có lũ lụt cần xử lý nước bằng Cloramin T, B (dùng 300 g thuốc pha trong 1 m3 nước và cho trâu, bò uống).
(5) Hàng ngày quan sát để phát hiện bệnh tật và điều trị kịp thời. Trường hợp có dịch xảy ra tuyệt đối không bán chạy gia súc, không giết mổ và ăn thịt (tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y).
2. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Trâu, bò có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, biện pháp tốt nhất để phòng các bệnh này là tiêm vắc-xin
(1) Phòng bệnh lở mồm long móng
Sử dụng vắc-xin lở mồm long móng, loại vắc-xin chết, chứa một hoặc nhiều chủng huyết thanh lưu hành (typ O, A, C, Asia 1, SAT 1, SAT 2, SAT 3).
Bê, nghé đạt 4 tháng tuổi tiêm lần đầu, đến 12 tháng tuổi tiêm lần thứ 2. Sau đó tiêm mỗi năm 1 lần, miễn dịch kéo dài 12 tháng. Liều tiêm 3 ml/con (tiêm dưới da cổ).
(2) Phòng bệnh tụ huyết trùng
Có thể dùng loại vắc-xin tụ huyết trùng chủng R1 (là vắc-xin chết); vắc-xin tụ huyết trùng chủng P52 (vắc-xin vô hoạt) và vắc-xin tụ huyết trùng chủng Iran (vắc-xin chết).
- Vắc-xin tụ huyết trùng chủng R1: Tiêm liều 2 ml/con (tiêm dưới da cổ), tiêm 2 lần/năm.
- Vắc-xin chủng P52: Bê, nghé dưới 1 năm tuổi tiêm 1,5 ml/con. Trên 1 năm tuổi, tiêm 2 ml/con. Tiêm dưới da cổ, 2 lần/năm.
Vắc-xin chủng Iran: Liều 2 ml/con. Tiêm dưới da cổ, tiêm 2 lần/năm.
(3) Phòng bệnh dịch tả
Dùng vắc-xin DT đông khô (là loại vắc-xin sống nhược độc). Chỉ tiêm cho bê, nghé trên 6 tháng tuổi và trâu, bò trưởng thành. Liều tiêm: 2 ml/con. Tiêm dưới da cổ, 1 lần/năm.
(4) Phòng bệnh nhiệt thán
Dùng vắc-xin nhiệt thán (vắc-xin nha bào nhược độc). Liều tiêm: 1 ml/con. Tiêm dưới da cổ. Mỗi năm tiêm 1 lần trước mùa mưa.
3. Phòng và trị các bệnh ký sinh trùng
(1) Phòng và trị các bệnh ký sinh trùng đường máu
- Sử dụng Trypamidium để phòng và trị bệnh tiên mao trùng: Tiêm tĩnh mạch với liều 1 mg/kg khối lượng cơ thể. Pha thuốc với nước cất hoặc nước muối sinh lý (dung dịch NaCl 0,9%) thành dung dịch 2 - 3%. Thuốc đặc hiệu trị bệnh tiên mao trùng đồng thời có tác dụng phòng bệnh, kéo dài khoảng 1 - 1,5 tháng. Nên tiêm vào mùa hè khi ruồi mòng (vật chủ trung gian truyền bệnh) phát triển mạnh.
- Sử dụng Hemosporidin để điều trị bệnh lê dạng trùng: Liều tiêm 0,5 mg/kg khối lượng cơ thể, pha thành dung dịch 1%. Tiêm tĩnh mạch.
(2) Phòng và trị bệnh sán lá gan, sán lá dạ cỏ
- Sử dụng Fasinex (liều 10 mg/kg khối lượng cơ thể, đường miệng) hoặc Dovenix (tiêm 1 ml/20 kg khối lượng cơ thể).
- Sử dụng Dertil B, liều 8 - 9 mg/kg khối lượng cơ thể (cho uống).
- Sử dụng Albendazol, liều 50 mg/kg khối lượng cơ thể (cho uống).
(3) Phòng và trị bệnh giun đũa bê, nghé và các loại giun tròn khác
- Sử dụng Levamisol: Tiêm bắp thịt, liều 1 ml/10 kg khối lượng cơ thể (hoặc 6 - 7 mg/kg khối lượng cơ thể).
- Sử dụng Mebendazol, liều 15 - 20 mg/kg khối lượng cơ thể (hòa với sữa hoặc nước cho uống).
- Sử dụng Ivermectin, liều 0,2 - 0,3 mg/kg khối lượng cơ thể (tiêm dưới da).
(4) Phòng và trị bệnh ngoại ký sinh (ve, rận)
Phun định kỳ 2 tuần/lần. Sử dụng các loại thuốc Abuitox, Amitaz hoặc Hantox-200
Bình Minh