00:00 Số lượt truy cập: 2991096

Kỹ sư bỏ về quê nuôi giun quế làm giàu 

Được đăng : 06/05/2020
Là một kỹ sư đang làm việc cho một dự án về môi trường của Australia với múc lương 1,5 nghìn USD, chàng trai Bùi Sỹ Tuyến, tổ 24, khu 2B phường Hà Phong, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bất ngờ bỏ về quê nuôi giun quế khiến cho nhiều người xem anh như thằng gàn, thằng dở.

giun2

Luống giun cần được che lưới tối màu làm mát cho giun

 Không như nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng trang cùng lứa, sau khi ra trường cố gắng bám trụ ở thành phố để lập nghiệp. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2007, chàng kỹ sư trẻ may mắn được làm việc cho một dự án vệ sinh môi trường của Australia ở phía Nam. Với mức lương hấp dẫn 1,5 nghìn USD, mức thu nhập mơ ước với không biết bao nhiêu người, nhất là với những sinh viên vừa mới ra trường. Anh còn mở cho mình một công ty xây dựng riêng, tự nhận và triển khai làm nhiều công trình. Thế nhưng việc anh đột ngột từ bỏ tất cả về quê nuôi giun quế khiến cho  nhiều người xem anh như thằng gàn thằng dở.

 Trong một lần tình cờ xem trên ti vi thấy mô hình nuôi giun quế thành công ở tận Phú Thọ, anh thấy mê quá, quyết tâm khăn gói lên tân nơi để được tận mắt chúng kiến, đồng thời mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm quý báu để bắt tay vào cơ duyên này. Trở lại quê nhà, anh mạnh dạn đầu tư và bắt tay xây dựng những luống giun đầu tiên của mình. Với lợi thế từ diện tích đất đai sẵn có, không gian gần núi rừng mát mẻ, kỹ thuật học hỏi được, chăm sóc thường xuyên và thêm một chút mát tay, những con giun của anh ăn khỏe, mau lớn, sinh sôi phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, cũng không ít những trải nghiệm ngọt mặn đắng cay anh Tuyến mới có được thành công như ngày hôm nay.

Sau khoảng 5 năm làm trang trại, nhìn thành quả dần hiện lên trước mắt, anh Tuyến vẫn không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng vất vả cùng người vợ tần tảo và những người cùng chí hướng đủ vị cay đắng, mặn, ngọt của nó. Để có đủ nguồn thức ăn cho giun, anh phải đi khắp nơi gom phân bò, phân gà... về ủ làm thức ăn nuôi giun. Anh còn lặn lội ra trang trại bò lớn nhất Tiên Yên, về tận tỉnh Thái Bình đặt mua phân bò, đóng vào 2 container mang ra Quảng Ninh. Thấy anh suốt ngày chỉ hì hụi với phân do, giun dế. Quả thật, lúc này nhiều người cho rằng có lẽ anh điên thật.

 Năm 2017, anh Tuyến bắt đầu xuất bán những bao phân giun đầu tiên ra thị trường. Sản phẩm còn khá mới mẻ, hầu như chưa có thị trường tiêu thụ. Anh cùng vợ dong duổi xe máy tới các điểm bán cây cảnh, các trang trại để chào hàng, giới thiệu nhưng chỉ nhận được cái xua tay. Thời điểm đó người dân ở Hạ Long, Cẩm Phả và một số thành phố lớn còn chưa biết tới phân giun quế. Những ngày nắng nóng cũng như mưa dầm, 2 vợ chồng đều lặn lội khắp nơi, nhiều người từ chối thẳng thừng. Không những không có thu nhập từ phân giun, anh đã phải để sản phẩm lại để người dân dùng thử miễn phí.

 Không có doanh thu từ giun quế, số vốn anh tích lũy được cũng dần hao. Số tiền bù lỗ đã lên tới hơn 300 triệu đồng trong năm 2017. Những tưởng thất bại. Thật may mắn, sản phẩm để lại được nhiều người dùng thử đặc biệt là các nhà vườn, cửa hàng cây cảnh. Tới đầu năm 2018, anh Tuyến đã bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng từ các cửa hàng hoa, cây cảnh. Người dân bắt đầu dùng loại phân này để trồng rau sạch, cây cảnh rất hiệu quả. Lượng tiêu thụ bắt đầu tăng từ 1 tấn/tháng tăng lên 2 - 4 tấn/tháng.

 Khi nguồn thức ăn cho giun quế từ phân bò và các phế phẩm nông nghiệp ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, anh đã dày công nghiên cứu “thức ăn” thay thế cho giun quế. Mất gần 1 năm nghiên cứu, thử nghiệm cuối cùng anh đã thành công trong tìm các loại nguyên vật liệu, phế phẩm nông nghiệp, sinh hoạt hàng ngày chế biến, ủ...để thay thế phân bò hiệu quả.

 Thành công ngoài mong đợi, việc nuôi giun không còn phụ thuộc vào nguồn phân bò đắt đỏ, khan hiếm. Việc mở rộng quy mô nuôi trồng giun quế cũng dễ dàng, ít tốn kém hơn. Anh đầu tư thêm một hệ thống phun sương để giữ ẩm chuồng trại giun rộng 300m2, trồng thêm cây cối, rau quả bằng phân giun, mở rộng diện tích trang trại lên 8000m2.

  "Nuôi giun cần chăm sóc cẩn thận, cho ăn, tưới ẩm. Đông hay hè phải tưới nước sạch giữ ẩm, có như thế giun phát triển rất nhanh. Thức ăn của giun quế chính yếu là phân bò và một số phế phẩm ủ. Giun tiêu hóa thức ăn rất là mạnh, nên một vài ngày là phải cho ăn một lớp thức ăn và chỉ sau 1-2 tháng sẽ cho thu hoạch giun và phân giun. Loài động vật nhỏ bé này được coi là "máy xử lý rác" trong nông nghiệp nhờ những tác dụng tuyệt vời mà nó đem lại. Chúng có thể xử lý triệt để các chất thải hữu cơ từ nông nghiệp như: Rau, củ, quả thối, khử mùi hôi chuồng trại, nước ao bẩn... Bản thân giun là nguồn thức ăn tuyệt vời giàu dinh dưỡng, cải thiện sức sống của vật nuôi như: Cá, gà, ngan, ngỗng... phân giun quế là nguồn phân hữu cơ rất có giá trị, đem lại cho tôi nguồn thu nhập khoảng nửa tỷ đồng mỗi năm”, anh Tuyến chia sẻ

 Kết hợp chăn nuôi từ nguồn giun và phân giun, anh Tuyến nuôi đàn gà Tiên Yên 5000 con, cá, ngan; trồng rau sạch...Với giá thị trường, giun giống bán từ 10.000-20.000 đồng/kg, giun thịt 50.000-100.000 đồng/kg. Giun giống nuôi chừng 1,5-2 tháng là có thể bán được, còn giun thịt và phân giun anh Tuyến có thể bán quanh năm. Thu nhập hàng tháng chỉ riêng phân giun quế đưa lại cho anh từ 35-50 triệu đồng. Nếu bán các sản phẩm khác của trang trại có thể cho thu nhập từ 1-2 tỷ đồng/năm.

 Thành công sau bao nhiêu khó khăn nhọc nhằn, nhưng anh Tuyến không hề giấu nghề, anh luôn hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm nuôi trồng giun quế cho bà con, góp phần phát triển nông nghiệp sạch, đồng thời cam kết thu mua lại các sản phẩm này để phân phối rộng rãi. Anh  luôn mong rằng phát triển nghề nuôi giun quế tạo công ăn việc làm có thu nhập cho bà con, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tấm gương sáng của  chàng kỹ sư trẻ được nhiều người noi theo.

     

Tuấn Dương