Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, dù nhà nghèo đông anh em nhưng bố mẹ vẫn cố gắng lo cho ăn học đại học. Bôn ba làm việc ở một số công ty tại thành phố Hồ Chí Minh được hơn 03 năm, anh quyết định về quê hương làm nông nghiệp. Trở về quê một thời gian thì khu công nghiệp Chu Lai triển khai, gia đình anh bị thu hồi hết đất sản xuất, nhường chỗ cho sự phát triển khu kinh tế mở Chu Lai. Sau những đêm trằn trọc không ngủ, anh quyết định mua mảnh đất ở đồi D35 phía Tây xã Tam Hiệp để làm trang trại. Biết chuyện, bố mẹ anh kịch liệt phản đối, ai cũng bảo chỉ có những kẻ điên mới đâm đầu vào mua khu đất đó. Không ai ủng hộ, tiền trong túi không còn một xu, nhưng không nao núng tinh thần, anh quyết làm bằng được, sẽ cải tạo khu đất này thành một trang trại đầy sức sống.
Ban đầu, với 40 triệu đồng tích lũy được khi đi làm và 20 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh xây dựng hệ thống trang trại “tổng hợp”, trong đó, 4.000 m2 anh nuôi kỳ nhông, kỳ đà, ba ba, cá. Phần đất còn lại anh trồng các loại vải, sầu riêng, chuối lùn, xoài, gừng...
Lấy ngắn nuôi dài, khi có thêm vốn, anh tiếp tục tận dụng để nuôi 11.000 con kỳ nhông bố mẹ, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 30.000 con giống (13.000 đồng/con) và gần 1 tấn kỳ nhông thương phẩm, thu lãi trên 600 triệu đồng. Anh đã lai tạo được con kỳ nhông Bình Thuận với kỳ nhông cát trắng Tam Hiệp cho ra giống kỳ nhông có năng suất cao, đáp ứng yêu cầu thả nuôi ở các địa phương khí hậu khắc nghiệt như ở miền Trung, đất Quảng. Anh cũng đang đảm nhận tiêu thụ sản phẩm và cung cấp con giống đến các hộ nuôi kỳ nhông trong tỉnh và các địa phương khác như An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Huế… Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các cấp Hội Nông dân, anh lại mạnh dạn vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 500 triệu đồng để mở rộng quy mô trang trại lên hơn 20.000m2. Với sự kiên trì, quyết tâm vừa làm, vừa học tập kinh nghiệm, lấy ngắn nuôi dài, từ mô hình nhỏ, chăn nuôi ít con giống và bằng nỗ lực quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại đến nay trang trại chăn nuôi đạt hiệu quả. Hằng năm cho doanh thu trên 7,5 tỉ đồng, trừ các khoản chi phí, lãi ròng trên 2 tỉ đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh luôn chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình với bà con nông dân khi đến trang trại tham quan. Anh đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề Thanh niên tỉnh Quảng Nam, trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam tập huấn cho hơn 500 hội viên nông dân về kĩ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Trang trại của anh đã giải quyết được 15 lao động thường xuyên và lao động thời vụ với mức lương cơ bản khoảng 6.000.000 đồng/tháng/người. Hằng năm, hướng dẫn thực tập cho hơn 20 sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học trong và ngoài tỉnh về quy trình nuôi nhông trên cát. Sản phẩm nhông cát nhiều lần được tham gia hội chợ các nước hành lang kinh tế Đông-Tây, thường xuyên tham gia các Hội chợ do Hội Nông dân tổ chức và đạt nhiều thành tích cao. Bên cạnh đó anh đã đầu tư nghiên cứu viết giải pháp cải tiến mới trong quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng nhông cát đạt hiệu quả và đạt giải Khuyến khích của hội thi “ Sáng tạo khoa học kĩ thuật lần thứ 5” tỉnh Quảng Nam và đạt giải 3 Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật nhà nông toàn quốc. Năm 2016, anh đã xây dựng một đề tài “Du nhập và nuôi thích nghi gà Đông Tảo tại huyện Núi Thành” được Hội đồng khoa học huyện Núi Thành chấp thuận và đánh giá cao.
Với kết quả đạt được trong thời gian qua, anh được các cấp Hội Nông dân bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2011-2013 và 2014 – 2019; UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen năm 2014, 2019; TW Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng bằng khen năm 2006, 2012, đạt giải thưởng Lương Đình Của năm 2010; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2015.
(Chung Anh)