Mỗi giờ máy có thể cấy được từ 1000 - 1500m² ruộng
Anh Trần Đại Nghĩa, sinh ra và lớn lên trên quê lúa Thái Bình(xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải), từ nhỏ lớn lên đã gắn bó với ruộng đồng, nên anh hiểu rất rõ những vất vả, nhọc nhằn của bà con nông dân trong nghề trồng lúa. Chính vì vậy, trong anh luôn luôn có ý tưởng tự mình nghiên cứu chế tạo máy cấy lúa cho gia đình mình và bà con nông dân quê nơi đây, để giúp họ phần nào công việc vất vả trong việc một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời này.
Anh Nghĩa cho biết: “Theo cách cấy lúa bằng tay thì thời gian cấy chiếm khoảng 1/3 quá trình canh tác lúa và rất tốn nhân lực, năng suất lao động lại không cao. Trong thời kỳ hiện nay, ruộng đất thì vẫn còn manh mún, không tập trung, gây trở ngại lớn cho việc cơ giới hóa nông nghiệp, canh tác lớn bằng máy móc. Nông dân, nhất là lớp trẻ không còn thiết tha với đồng ruộng, không còn muốn chân lấm tay bùn mà cũng chẳng đủ ăn. Họ tìm đến các thành phố, đô thị, khu công nghiệp làm việc cho các nhà máy, xí nghiệp để mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình. Lực lượng lao động còn lại cho các vùng nông thôn là những người trung và cao tuổi, cho nên ngành sản xuất nông nghiệp đang bị thiếu lao động trầm trọng, nhiều nơi ruộng bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất, dẫn đến nguy cơ về an ninh lương thực. Ruộng vườn của bà con thì lại manh mún, nhỏ lẻ, nhiều bờ ngăn nên việc cơ giới hóa khâu cấy là cực kỳ khó khăn, việc cấy lại mang tính thời vụ nên lại càng khó hơn cho những loại máy cấy lớn”.
Từ những suy nghĩ, trăn trở của bản thân, anh bắt đầu công việc bằng cách tích cực tự học hỏi, tự mày mò nghiên cứu, từng bước cải tiến, sáng chế máy nông cụ rồi đưa vào phục vụ canh tác. Anh đã tự bỏ vốn mua nhiều máy canh tác cũ, mới trên thị trường về để phục vụ cho việc nghiên cứu, cải tiến tính năng phù hợp với thục tế sản xuất của địa phương. Yêu cầu và mục tiêu đặt ra là sản phẩm phải có tính mới, phù hợp với tình hình thực tế đồng ruộng của nước ta, phù hợp với khả năng tài chính của bà con, phù hợp cho nhiều đối tượng lao động trong độ tuổi. Phương pháp sử dụng máy cũng dễ dàng với nhiều đối tượng lao động kể cả người trung và cao tuổi, phù hợp với xu hướng của thế giới, hiện đại hóa, tự động hóa và thân thiện với môi trường.
Máy cấy lúa đơn giản thao tác bằng tay của anh Nghĩa
Năm 2014, được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Đông Hoàng, anh chính thức bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy cấy lúa, mẫu máy cấy đầu tiên của anh là loại máy cấy lúa không dùng động cơ, loại máy này có thể áp dụng cấy được ở nhiều loại địa hình khác nhau, giúp người lao động không còn đau lưng, mỏi gối như trước kia nữa, giúp tăng năng suất lao động, mỗi giờ máy có thể cấy được từ 600 đến 1000 m² ruộng, giá máy cũng thấp hơn rất nhiều so với máy cấy nhập ngoại.
Không dừng lại ở đây, năm 2016 anh tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời mẫu máy cấy lúa chạy bằng điện, với nguyên lý hoạt động đơn giản, mỗi giờ máy có thể cấy được từ 1000 - 1500m² ruộng. Người vận hành máy cũng nhàn hơn rất nhiều, chỉ việc lái và kéo máy bằng một tay cho máy đi thẳng hàng, còn việc cấy sẽ do hệ thống tự động chạy điện trên máy làm việc. Anh sản xuất nhiều kích thước máy khác nhau để phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng khách hàng, phù hợp với chất đất của từng vùng miền, số hàng cấy có nhiều loại để phù hợp với từng hộ gia đình cấy nhiều ruộng hay ít ruộng, có loại máy 4 hàng cấy, 5 hàng cấy, 6 hàng cấy.
Tất cả các loại máy của anh sản xuất khi hoạt động không sinh ra khí thải, vì vậy rất thân thiện với môi trường, đúng theo với tiêu chuẩn và xu hướng của thời đại, xây dựng nền nông nghiệp sạch mà nhiều nước trên thế giới đã và đang hướng tới. Máy cấy của anh sản xuất đều đáp ứng được với các yêu cầu đặt ra của bà con trên đồng ruộng của họ, ruộng lầy thụt, ruộng bậc thang, đồng bằng, đồi núi ô trũng máy đều cấy được và mang lại hiệu quả rõ rệt. Máy dễ sử dụng, dễ sửa chữa, bảo trì, ai cũng có thể vận hành được, giá máy cũng phù hợp với nguồn tài chính của bà con nông dân, vì vậy mỗi hộ gia đình nông dân đều có thể mua được một máy chủ động cho việc cấy mang tính thời vụ, giúp các hộ gia đình nông dân không phải lo việc thuê khoán lao động cho việc cấy như trước nữa.
Từ khi máy cấy lúa của anh ra đời, đã góp phần cùng bà con nông dân trở lại làm giàu trên chính mảnh ruộng của quê hương mình. Anh thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo hướng dẫn cách sử dụng máy cho bà con tại xưởng sản xuất của anh. Ở các tỉnh xa, anh kết hợp với Phòng NN&PTNT, Hội Nông dân của các huyện tổ chức hội thảo hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật sử dụng máy cấy cho bà con. Anh cũng kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Bộ NN&PTNT thực hiện chương trình làm lúa sạch ở các tỉnh vùng cao theo phương pháp cấy bằng máy của anh cho bà con nông dân tại các tỉnh miền núi.
Hiệu quả mang lại của máy cho bà con nông dân là thiết thực, nên máy cấy lúa của anh Nghĩa đã nhanh chóng được bà con nông dân trong và ngoài nước đón nhận. Từ cách làm sáng tạo đó đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định, giúp cho bà con nông dân trồng lúa nâng cao hiệu quả, lợi nhuận hơn rất nhiều. Năm 2016, anh đã thành lập công ty, tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động tại địa phương, mức thu nhập ổn định từ 6 đến 7 triệu đồng mỗi tháng. Trừ các khoản chi phí đi, thu nhập của gia đình anh đạt trung bình hàng năm từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng. Số tiền này một phần anh lại tiếp tục đầu tư thuê thêm đất để mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc thiết bị, tăng cao năng suất phục vụ kịp thời cho bà con, một phần anh đầu từ cho nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm mới, hữu ích cho cộng đồng.
Cùng với việc phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu, tiếp tục nghiên cứu, sáng chế hướng tới loại máy canh tác nhiều công năng hơn nữa, bản thân anh và gia đình rất quan tâm đến công tác xã hội. Hàng năm, gia đình anh thường trích từ 40 đến 50 triệu đồng ủng hộ các phong trào của địa phương, của Hội Nông dân xã.
Sáng tạo của anh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Năm 2018, doanh nghiệp của anh được Sở KH&CN tỉnh Thái Bình cấp chứng nhận là doanh nghiệp Khoa học công nghệ. Năm 2019, anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Bộ NN&PTNT - Bộ KH&CN - Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nhà khoa học của Nhà nông" năm 2019.
Trường Giang