00:00 Số lượt truy cập: 2983953

Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng heo đực giống 

Được đăng : 21/07/2021

 

          Một con heo đực giống tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một con nái tốt, nhất là trong điều kiện hiện nay đang áp dụng phổ biến kỹ thuật gieo tinh nhân tạo.

1. Chọn giống heo

Việc chọn giống phụ thuộc vào những yếu tố sau:

Chất lượng của giống: cần chọn giống heo năng suất vượt trội so với những giống heo trước.

 Thị hiếu của người chăn nuôi heo nái trong khu vực bao gồm màu sắc da lông của đực giống, tính chất phù hợp của giống có phù hợp không, khả năng đáp ứng nhu cầu cải tiến.

Hiểu rõ nguồn gốc của đàn heo nái trong khu vực để có chương trình phối giống hoặc gieo tinh cho phù hợp, phòng ngừa xảy ra hiện tượng đồng huyết hoặc cận huyết làm ảnh hưởng xấu đến năng suất của đàn heo.

2. Chọn heo giống

Chọn heo giống cần dựa vào đặc điểm ngoại hình, khả năng sinh trưởng, phát dục, năng suất, lý lịch và qui trình nuôi.

 Căn cứ vào ngoại hình, thể chất: Chọn con khoẻ mạnh và tốt nhất trong đàn. Hình dáng màu sắc đúng với giống cần chọn. Cơ thể cân đối, vai lưng rộng, mông nở, chân cao thẳng, to khỏe, rắn chắc. Tuyệt đối không chọn những con đực đi xiêu vẹo, dị dạng khác thường. Chọn heo đực có vú đều và cách xa nhau, có ít nhất 6 cặp vú trở lên, tinh hoàn phát triển đều hai bên, bộ phận sinh dục không dị tật.

 Căn cứ vào khả năng sinh trưởng, phát dục: Đảm bảo tiêu chuẩn của giống theo từng giai đoạn nhất định.

Căn cứ vào năng suất: Dựa vào các chỉ tiêu sau:Tốc độ tăng trọng, tiêu tốn thức ăn , tỷ lệ nạc, thành phần thịt, chất lượng thịt: màu sắc, mùi vị, cảm quan..

Căn cứ vào lý lịch: Việc xem lý lịch ông bà, cha mẹ rất cần thiết. Những quy định tiêu chuẩn cho dòng cha mẹ giống tốt là nhiều nạc, ít mỡ, độ dày mỡ lưng mỏng than dài, đùi và mông to, tỉ lệ thịt xẻ trên 55%. Chọn từ đàn có heo mẹ đẻ sai từ 12 – 14 con/lứa, trọng lượng sau cai sữa đạt 15 kg trở lên ở 45 ngày tuổi, thức ăn tiêu tốn ít từ 3,2 – 3,5 kg thức ăn/kg tăng trọng, phàm ăn, chịu đựng tốt với khí hậu nóng, ẩm ở địa phương. Lượng tinh dịch mỗi lần xuất 15 đến 50cc.

Căn cứ vào qui trình nuôi: Heo giống phải được nuôi theo qui trình kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh lây lan trong khu vực như dịch tả, thương hàn, suyễn, sảy thai truyền nhiễm...

+ Giai đoạn 1: Khi heo bắt đầu phát dục: Khoảng 3,5 – 4 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 40 – 60 kg, tùy theo giống ngoại hay lai. Tiến hành kiểm tra ngoại hình, tốc độ tăng trưởng, bệnh tật..

+ Giai đoạn 2: Khi heo bắt đầu phối giống: tiến hành kiểm tra ngoại hình, tinh hoàn, tính dục, tính tình...

3. Dinh dưỡng cho đực giống

a. Giai đoạn 1: (từ 30 – 50 kg)

Giai đoạn này cần cho heo đực lớn nhanh, phát triển tốt khung xương và các cơ quan sinh dục. Vì vậy đòi hỏi thức ăn phải có chất lượng cao, cho ăn tự do. Giai đoạn này cần chú ý đến nhiều các khoáng chất của thức ăn như: selen, kẽm, mangan, iot.

b. Giai đoạn 2: (từ 50 kg đến khi phối giống)

Giai đoạn này heo đực giống phát triển nhanh các mô mỡ gây nhiều bất lợi trong quá trình sử dụng đực giống như: sự di chuyển để phối giống hoặc lấy tinh gặp khó khăn, mỡ dư sẽ tích tụ quanh các cơ quan nội tạng dẫn đến quá trình tiêu hóa và sử dụng thức ăn kém gây thiếu dưỡng chất cho quá trình hình thành tinh dịch và sản sinh tinh trùng, và mỡ dư này cũng sẽ tích tụ quanh các tuyến nội tiết, trong đó có tuyến não thùy và tuyến thượng thận, mỡ ức chế hoạt động của các tuyến này, gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc của đực giống. Vì vậy ở giai đoạn này cần phải cho ăn định lượng, bên cạnh đó cũng cần chú ý nhiều đến hàm lượng và chất lượng của đạm và các acid amin.

 c. Giai đoạn 3: (giai đoạn khai thác)

Việc định mức lượng protein thô và năng lượng ăn vào là rất cần thiết. Ở giai đoạn này cũng cần chú ý đến kết quả của các lần phối giống để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng thích hợp. Ngoài ra nên định kỳ bổ sung premix vitamin E cho đực giống.

4. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng Đực giống

 Chuồng trại phải thật khô ráo, sạch sẽ, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, được xây dựng ở một khu riêng biệt, xa chuồng heo nái. Chuồng có thể làm 1 dãy hoặc 2 dãy, diện tích bình quân khoảng 7m2/1 heo đực giống.

Nên cho heo đực vận động thường xuyên để có thân thể chắc khỏe và khả năng nhảy giá tốt, nâng cao phẩm chất tinh dịch, tăng tính hăng, tăng quá trình trao đổi chất, bụng gọn, chân khỏe, tránh béo phì. Cần có chế độ vận động thích hợp tùy theo điều kiện khí hậu thời tiết. Trước mùa chuẩn bị giao phối nên cho đực giống tăng cường vận động, trong mùa sử dụng giao phối nên cho heo vận động vừa phải.

Việc vệ sinh cho heo đực sẽ làm tăng quá trình bài tiết, trao đổi chất, tăng cường các hoạt động về tính dục, tính thèm ăn, tránh được một số bệnh ngoài da, đồng thời qua đó dễ làm quen với heo, tạo điều kiện thuận lợi trong việc huấn luyện và sử dụng. Cần tiêm phòng cho heo đực giống theo quy định bắt buộc.

Định kỳ kiểm tra phẩm chất tinh dịch, thể trạng và tình trạng sức khỏe của đực giống, từ đó có thể điều chỉnh chế độ nuôi dưỡng chăm sóc cho hợp lý. Đối với những đực giống đã trưởng thành thì trọng lượng qua các tháng không thay đổi nhiều, nhưng với heo đực còn non thì yêu cầu trọng lượng tăng dần ở các tháng đồng thời cơ thể phải rắn chắc, khỏe mạnh không được quá béo, quá gầy.

Cần kiểm tra sự phát triển của dịch hoàn trong suốt thời kỳ sử dụng đực, nếu dịch hoàn không đều nhau, hoặc một trong hai phát triển to hơn, hoặc teo nhỏ thì phải nuôi nhốt riêng để theo dõi.

P.Loan