00:00 Số lượt truy cập: 2985627

Kỹ thuật chăn nuôi gà thịt bán chăn thả “An toàn sinh học có sử dụng chế phẩm vi sinh 

Được đăng : 26/05/2019

 

Hỏi: Tôi là Vương ở Bình Phước, cho tôi hỏi Kỹ thuật chăn nuôi gà thịt bán chăn thả “An toàn sinh học có sử dụng chế phẩm vi sinh” như thế nào ạ?

Đáp: Kỹ thuật “Chăn nuôi gà thịt bán chăn thả An toàn sinh học có sử dụng chế phẩm vi sinh” mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được hộ nông dân Bích – Vũ tại tổ 4 Ấp Bình Phú xã An Phú huyện Hớn Quản tỉnh Bình Phước nuôi trong vườn hồ tiêu, anh Văn tại Yên Thế Bắc Giang nuôi trong vườn vải theo hướng dẫn của Trung tâm nghiên cứu chuyển giao và dịch vụ công nghệ sinh học hữu cơ (Bio-TCORTS) như sau:

I. Chuồng trại: Chọn xây dựng trong vườn hồ tiêu ở nơi cao ráo, thoáng mát, tương đối yên tĩnh, thuận tiện xe ra vào …

- Có thể xây dựng nhiều chuồng với diện tích mỗi chuồng 200-240m2 để nuôi khoảng 2000 con/chuồng. Nền chuồng láng xi - măng có đục lỗ thông đất với khoảng cách 15-20cm/ lỗ. Quanh chuồng nuôi: có bạt che để có thể cuộn lên hạ xuống dễ dàng; có rãnh thoát nước; có bố trí cửa để sáng thả, tối nhốt gà lại. Có nơi thay quần áo, giày dép và rửa tay,.. Có hố/khay sát trùng ở cổng trại và trước cửa mỗi ô chuồng,…Có nơi gom và xử lý chất thải, xác gà chết,.... Bãi thả dưới tán hồ tiêu, tán vải có quây lưới phân khu từng chuồng, cách xa nhau,…

- Bãi thả là vườn tiêu liền với chuồng nuôi, có lối thông với cửa chuồng, không bị đọng nước, dễ thoát nước sau mưa. có bóng mát nhưng không bị tán cây che kín hoàn toàn, 1/3 diện tích vườn tiêu phải có ánh nắng chiếu trực tiếp, có độ thông thoáng, gió thổi được qua mặt nền. Mặt khác trong vườn hồ tiêu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích ra hoa, đậu quả.

- Sau khi xuất bán hết gà, thực hiện vệ sinh chuồng trại bằng cách quét sạch chuồng từ trên nóc mái chuồng, bạt che xuống nền chuồng, quét từ trong ra ngoài. Phát dọn quanh chuồng, gom rác, phân gà lại rồi phun vi sinh loại dùng để ủ phân, đóng vào bao xếp ra khu riêng biệt với chuồng trại để thực hiện việc ủ phân (khu này có mái che nắng mưa). Sau đó dùng vòi cao áp xịt rửa sạch nền chuồng, lưới quây, cột,… bằng nước có pha xà phòng, sau đó đóng cửa chuồng lại để 19-20 ngày.

- Trước khi thả gà 1 ngày dùng chế phẩm vi sinh (VOH2) pha loãng phun trên nền và quanh chuồng nuôi, sau đó đưa đệm lót sinh học đã được xử lý vào chuồng

- Làm đệm lót: Trộn đều 70% mùn cưa với 30% đất (đất tơi nhuyễn đã mang phơi khô) dải trên nền độ dày 10cm; sau đó rãi muối hạt lên trên bề mặt mùn cưa và đất đã trộn theo tỉ lệ 1kg muối cho 50m2 nền; cuối cùng tưới đều sản phẩm vi sinh (VOH4) làm đệm lót đã pha (tỉ lệ 01 lít sản phẩm làm đệm lót với 06-10 lít nước cho 10m2 đệm lót).

Thực hiện xong ta chuẩn bị tiếp việc quây úm, nhiệt úm, máng ăn, uống, nước thức ăn,… sau đó ta thả gà vào.

- Quây úm: với 2000 gà ta cần 4 quây, mỗi quây 500 gà để tiện chăm sóc. Đường kính quây úm có thể mở rộng đến từ 3,0 m-3,5 m. Khung quây có thể hàn bằng khung sắt, xung quanh bao bằng bao đựng cám đã dùng xong để giữ nhiệt, chiều cao khung quây khoảng 0,5m.

- Chụp sưởi: Mỗi quây có 1 chụp sưởi dùng ga hoặc dùng bóng đèn điện. Trước khi thả gà con 2 giờ ta bật nhiệt dưới chụp sưởi đạt 34-350C, khi thả gà vào ta giảm xuống còn 330C. Trong 7 ngày đầu, cần nhiệt độ úm trong quây 30-330C, nếu để nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp (so với khoảng nhiệt độ trên) đều ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của gà: Nhiệt độ úm quá thấp gà con ăn ít, chậm tiêu lòng đỏ, gà phát triển yếu, dễ nhiễm bệnh, gà bị lạnh dễ có hiện tượng dồn đống lên nhau gây chết ngạt. Nếu nhiệt độ quá cao: gà con bị nóng, khát nước sẽ uống nước nhiều, ăn ít, chậm lớn,… Từ ngày tuổi thứ 8 trở đi, nhiệt độ úm được giảm dần, cho đến ngày tuổi thứ 14 giảm còn 280C, đến ngày 21 là 260C, đến ngày 42 còn 180C và duy trì đến xuất bán.

II. Giống: Mua giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chỉ tiêu năng suất, chất lượng, nên mua gà giống từ công ty giao thẳng tại trại thông qua các đại lý của công ty.

III. Thức ăn Chọn mua thức ăn của các công ty có uy tín, chất lượng tốt (không nên tham rẻ mua phải thức ăn kém chất lượng). Lấy thức ăn dự trữ đủ cho ăn trong 1-2 tuần lại lấy tiếp (để đảm bảo thức ăn luôn mới, thơm, ngon, chưa bị biến chất), cũng chở thẳng thức ăn từ công ty về thông qua đại lý.

-Trước khi cho gà ăn 24 giờ, thức ăn được ủ với chế phẩm lên men thức ăn (VOH5) với tỷ lệ 1 lít men pha 9 lít nước trộn đều với 100kg thức ăn sau đó lại đóng vào bao, cột kín xếp trên sàn gỗ cách mặt đất 15-20cm hoặc đưa vào thùng nhựa 100kg đậy kín, khi cho ăn mới mở ra.

- Chỉ sử dụng khay ăn cho gà con trong 2 tuần đầu. Thường xuyên sàng lọc, loại bỏ phân gà trong khay ăn và bổ sung thức ăn mới vào khay nhiều lần (6-8 lần/ngày đêm). Chậm nhất 3 ngày phải mang khay ăn ra rửa sạch, khử trùng, làm khô rồi mới sử dụng lại hoặc thay đổi luân phiên bằng khay ăn sạch mới.

- Máng ăn: Hàng ngày trước khi đổ thức ăn phải lau sạch máng bằng khăn khô. Sau 3 ngày phải thay rửa máng 1 lần và phơi máng khô dưới nắng.

- Cho ăn đúng giờ, thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh máng ăn treo ở độ cao phù hợp.

IV. Nước uống dùng nước giếng sạch, đã đi kiểm định chất lượng nước đạt chuẩn nước cho người dùng.

- Luôn cung cấp đầy đủ nước uống sạch cho gà; cho gà uống nước tự do.

- Thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh máng uống treo ở độ cao phù hợp;

V. Chăm sóc nuôi dưỡng

- Thực hiện nghiêm nội quy trại

1-Trước khi vào khu vực chăn nuôi tất cả mọi người phải mang đầy đủ bảo hộ lao động (quần áo, dép/ủng, mũ, khẩu trang), rửa tay bằng xà phòng;

2-Tất cả các phương tiện vận chuyển không được vào khu vực chăn nuôi nếu không được phép. Khi cần thiết phải vào khu vực chăn nuôi, thì phương tiện phải được khử trùng trước, sau khi vào và ra khu vực chăn nuôi;

3-Máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi trước khi đưa vào sử dụng phải được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng;

4-Dụng cụ thú y, máy cắt mỏ gà được vệ sinh, khử trùng trước, sau khi sử dụng;

5-Các dụng cụ, thiết bị dùng hàng ngày được vệ sinh sạch sẽ, định kỳ ít nhất 7 ngày phải khử trùng, phơi nắng 1 lần;

6-Không dùng lẫn lộn dụng cụ thiết bị dùng hàng ngày giữa các khu chuồng nuôi khác nhau và không dùng cho các mục đích khác.

- Chiếu sáng: Công suất chiếu sáng trong quây úm (cách đầu gà 2 m) là 6 w/m2 (đèn dây tóc vonfram); 2w/m2 (đèn huỳnh quang/compaq); 1,0w/m2 (đèn LED);

- Dụng cụ cần thiết:

1-Quây úm: 2000 gà con cần 4 quây, mỗi quây 500 gà để tiện chăm sóc; đường kính quây úm có thể mở rộng dần đến 4-5m tùy theo tuổi gà.

2-Chụp sưởi: Khi nhiệt độ môi trường thấp hơn nhiệt độ yêu cầu cho úm gà, cần sưởi để cấp nhiệt. Mỗi quây cần có 1 chụp sưởi dùng ga hoặc dùng điện.

3-Máng uống cho gà úm sử dụng loại 1,0-1,5 lít/máng. Với khoảng 2000 gà con cần 40 máng uống. Dùng máng uống tròn treo loại cho gà con để tập cho gà uống từ 10 ngày tuổi và thay hẳn máng uống tròn có đường kính vành máng là 40cm cho gà từ 15 ngày tuổi. Với  2000 gà cần 22-24 máng.

4-Khay ăn cho gà con dùng loại nhựa tròn, đường kính 35cm, 2000 gà con cần 40 khay ăn.

5- Máng ăn tròn treo dùng để tập cho gà ăn từ 10 ngày tuổi và thay hẳn khay ăn từ 15 ngày tuổi là máng tròn tiêu chuẩn thông dụng hiện nay có đường kính 40cm, số lượng máng ăn tròn cho 2000 gà là 44-48 máng.

- Thời gian úm gà phải cho ăn nhiều lần trong ngày, cho uống tự do.

- Hết thời gian úm cho thức ăn 2-3 lần trong ngày, thường vào sáng sớm lúc 5-6 giờ, trưa 12 giờ (ngày nắng nóng trưa không cho ăn), và chiều 17 giờ. Cho uống tự do.

- Nuôi trên nền đệm lót dày 20-25cm,không cần thay đệm lót trong suốt quá trình nuôi do nó có khả năng: Hút  ẩm từ phân gà, phân giải phân, diệt khuẩn nhờ quá trình lên men; điều hoà ẩm độ và nhiệt độ môi trường; đệm lót tốt có độ ẩm 25-30%; tơi xốp, khả năng hút ẩm tốt.

Nếu đệm lót bị ướt do máng uống: hót hết đệm lót ướt ra ngoài, san đệm lót cũ rồi bổ sung đệm lót mớiKhông thay hết để tiết kiệm vật tư, công lao động tận dụng các vi sinh vật có ích sẵn có trong đệm lót

- Những ngày nắng nóng gia đình nên áp dụng:

Tăng cường thông thoáng;

Dùng quạt đẩy gió nóng từ trong chuồng ra ngoài;

Cho gà ăn vào lúc mát; treo máng ăn lên cao để thoáng chuồng; 

Cung cấp nước uống sạch, mát, cho gà uống tự do;

Tăng cường vitamin và điện giải pha vào nước cho gà uống;

Hạn chế nắng chiếu xiên vào chuồng bằng cách dùng lưới đen che chắn chuồng, thả gà ra vườn;

Bơm nước phun mát toàn bộ mái chuồng;

Giảm độ dày đệm lót (nếu quá dầy và đệm lót sinh nhiệt);

Tách những cá thể yếu vào ô riêng để chăm sóc đặc biệt.

Sử dụng thức ăn có dinh dưỡng cao, gà ăn ít hơn vẫn đủ dinh dưỡng.

- Dùng vc xin:Theo khuyến cáo của Công ty giống và căn cứ vào tình hình dịch tễ tại vùng chăn nuôi (có thể áp dụng lịch sau):

Ngày tuổi

Vắc-xin phòng bệnh cho gà thịt xuất bán 42-49 ngày tuổi

Vắc-xin phòng bệnh cho gà thịt xuất bán sau 70 ngày tuổi

Cách dùng

Mới nở

Marek

Marek

Tiêm dưới da cổ

2-3

Cầu trùng

Cầu trùng

Pha huyễn dịch cho uống

5

Lasota phòng bệnh

Niu-cát-xơn (ND)

Lasota phòng bệnh

Niu-cát-xơn (ND)

Nhỏ mắt, mũi hoặc cho uống

 

Viêm phế quản truyền nhiễm (IB)

Viêm phế quản truyền nhiễm (IB)

Nhỏ mắt, mũi hoặc cho uống

7

Gum-bô-rô (IBD)

Gum-bô-rô (IBD)

Nhỏ mắt, mũi, hoặc cho uống

 

-

Đậu gà (Fox)

Chủng da cánh

14

Gum-bô-rô (IBD)

Gum-bô-rô (IBD)

Nhỏ mắt, mũi,
hoặc cho uống

15

Cúm gia cầm

Cúm gia cầm

Tiêm cổ

19

Lasota phòng bệnh

Niu-cát-xơn (ND)

Lasota phòng bệnh

Niu-cát-xơn (ND)

Nhỏ mắt, mũi, hoặc cho uống

 

Viêm phế quản truyền nhiễm (IB)

Viêm phế quản truyền nhiễm (IB)

Nhỏ mắt, mũi, hoặc cho uống

21

Gum-bô-rô (IBD)

Gum-bô-rô (IBD)

Pha nước cho uống

42

-

Niu-cát-xơn (ND)

Tiêm dưới da cánh hoặc da cổ

- Tại sao lại sử dụng chế phẩm vi sinh hữu ích trong chất độn chuồng? vì chất thải của gia cầm được vi sinh hữu ích trong chất độn phân giải, nhờ đó mùi hôi không còn, mầm bệnh bị tiêu diệt và không phải thay chất độn trong suốt quá trình nuôi. Phần chất độn thay ra có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng chất độn sinh học như sau:

Chỉ đưa vi sinh vật hữu ích (lợi khuẩn) vào chất độn khi chất độn đã có sẵn chất dinh dưỡng (phân gà) cho chúng phát triển.

Tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào chất độn chuồng, tránh mưa tạt, luôn giữ chất độn chuồng tơi, khô để lợi khuẩn hoạt động tốt, khi chất độn bị ướt thì hót bỏ phần chất độn ướt rồi san phẳng chất độn cũ.

Tránh phun thuốc khử trùng trực tiếp lên nền chất độn sinh học.

Khi chất độn có mùi hôi thối thì cần bổ sung thêm lợi khuẩn và đảo đều.

Định kỳ đảo, trộn chất độn và san phẳng.

Sử dụng đầy đủ vắc xin phòng bệnh theo lịch cho gà và thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học.

- Sử dụng các chế phẩm vi sinh hữu ích bổ sung vào thức ăn cho gà nhằm mục đích tăng cường tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, giúp gà sinh trưởng tốt hơn, tăng khả năng miễn dịch, giảm tỷ lệ mắc bệnh và góp phần hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà. Các chế phẩm vi sinh hữu ích (lợi khuẩn) ngoài các vi khuẩn có lợi còn men tiêu hóa.

Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh rằng khi bổ sung lợi khuẩn vào thức ăn sẽ làm giảm vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa, từ đó làm giảm các bệnh đường ruột; tăng chiều cao của nhung mao ruột (nơi hấp thu dưỡng chất), giúp tăng quá trình chuyển  hóa thức ăn. Do đó, các công ty thức ăn đang chuyển đổi dần từ thức ăn thông thường sang thức ăn có phối trộn lợi khuẩn.

Bổ sung lợi khuẩn thường xuyên vào thức ăn, nhất là trong những lúc thời tiết bất lợi, sau khi điều trị bệnh bằng kháng sinh.

Chỉ trộn lợi khuẩn vào thức ăn không chứa kháng sinh.

Trộn đều lợi khuẩn vào thức ăn trước 24 giờ và cho ăn hết trong một ngày.

Trong quá trình điều trị gà bệnh bằng kháng sinh thì tạm ngưng bổ sung lợi khuẩn vào thức ăn.

- Để phát hiện sớm đàn gà bị bệnh cần:Quan sát (nhìn) toàn đàn, phát hiện các thay đổi về: 

+        Trạng thái: mắt, mũi, mỏ, bộ lông, diều, lỗ huyệt;

+        Hoạt động: đi, đứng, nằm;

+        Lượng thức ăn và cách ăn: ăn có bình thường, có hết tiêu chuẩn, có biểu hiện ham ăn hoặc bỏ ăn không;

+        Lượng nước uống và cách uống: lượng nước tiêu thụ so với lượng thức ăn và nhiệt độ chuồng nuôi có phù hợp không; có hiện tượng uống nước rất nhiều trong một lần uống, đứng lâu cạnh máng uống, uống làm nước ướt lông cổ không;

+        Biểu hiện của phân như: phân nát không thành khuôn, ỉa chảy, màu xanh trắng, màu mắm tôm, thậm chí có lẫn  máu, v.v.

+  Mùi (ngửi) có bất thường không:  đàn gà có bệnh thường có mùi tanh, hôi, thối, khắm, v.v.

+  Âm thanh (nghe) có bất thường không: nếu bị hen, gà thở rít, kêu khẹc khẹc, v.v.

- Áp dụng đúng nguyên tắc sử dụng kháng sinh cho gà:

Chỉ sử dụng kháng sinh khi đã xác định được nguyên nhân gây ra là do vi khuẩn hoặc trong trường hợp có nguy cơ nhiễm khuẩn cao (chẩn đoán đúng bệnh).

Lựa chọn kháng sinh phù hợp với từng loại mầm bệnh (dùng đúng thuốc);

Dùng đúng liều lượng và liệu trình theo hướng dẫn của cán bộ trung tâm;

Ưu tiên lựa chọn kháng sinh đơn. Chỉ lựa chọn kháng sinh kết hợp khi vi khuẩn gây bệnh đã đề kháng với kháng sinh đơn. Phối hợp kháng sinh thì phải hiểu rõ nguyên tắc để tăng tác dụng hiệp đồng và tránh tác dụng đối kháng giữa các nhóm kháng sinh.

               Với quy trình như vậy gia đình anh chị Bích-Vũ (Bình Phước) nuôi giống gà Cao Khanh 100 ngày tuổi xuất bán, đạt khối lượng bình quân 2,2kg, tiêu tốn thức ăn 2,6-2,7kg thức ăn/kg khối lượng.

 

Ths. Mai Hương – Khoa Nông nghiệp, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam