00:00 Số lượt truy cập: 2983545

Kỹ thuật nuôi đà điểu thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp 

Được đăng : 02/07/2021
Trong những năm gần đây, mô hình nuôi chim đà điểu ở Việt Nam đang được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nông dân, chủ trang trại. Tuy nhiên, để nhân rộng quy mô, giảm tỷ lệ hao hụt giai đoạn đầu và mang lại cho năng suất cao nhất, bà con cần nắm được kỹ thuật nuôi đà điểu từ các khâu làm chuồng trại, thức ăn chăn nuôi đến công tác phòng bệnh.

          1. Về chuồng trại

          Khu chuồng nuôi đà điểu thịt cần diện tích có mái che vừa phải (3x5m) để bố trí máng ăn và là nơi đà điểu tạm trú khi mưa nắng. Còn lại chủ yếu là sân chơi rộng với kích thước 5 x 60 – 100m. Tuỳ theo điều kiện với diện tích trên có thể nuôi bán thâm canh từ 12 – 15 con.

          Sân chơi phải tương đối bằng phẳng, vệ sinh sạch sẽ các vật nhọn sắc, gạch đá…. Thói quen của đà điểu sống ở sa mạc là thường xuyên tắm cát để làm sạch lông và loại bò ký sinh trùng ngoài da. Đà điểu cũng rất thích tắm mưa, nếu sân không đổ cát nước mưa sẽ làm sân lầy bùn và bộ lông đà điều bẩn dễ gây bệnh tật. Sân chơi nên trồng cây tạo bóng mát cho đà điểu trú nắng. Trong sân chơi cần bố trí máng nước uống để đà điểu uống thuận tiện nhưng không cản trở việc đi lại.

da-dieu               

          2. Về máng ăn, máng uống

          Đà điểu có cơ thể to lớn vì vậy phải sử dụng máng ăn được đóng bằng gỗ hoặc các vật liệu khác với kích thước 0,3 X 0,25 X 1,0m. Máng ăn được cố định ở độ cao 0,7 – 0,8m để đà điểu không dẫm chân lên và ăn dễ dàng. Đảm bảo 1 máng ăn cho 4 – 5 đà điểu. Có thề xây máng ăn bằng gạch bên ngoài rào chắn và được trát nhẵn để dễ dàng vệ sinh.

          Sử dụng bồn cao su đựng nước cho đà điểu uống. Trong máng luôn có đủ nước để đà điểu uống tự do, mỗi ngày thay nước và rửa sạch máng 1 lần. Máng nước nên bố trí chỗ mát, tránh bị ánh nắng mặt trời chiếu làm nước bị nóng, đà điểu không uống được.

          3. Thức ăn dinh dưỡng

          Hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của đà điểu:

               Tháng tuổi

 

Chỉ tiêu

4-6

7-9

10 – 12

Protein (%)

18

16

14

ME (kcal)

2700

2500

2400

          Đặc biệt đà điểu ở giai đoạn 4- 6 tháng tuồi cần phải đáp ứng đủ nhu cầu về chất đạm và các vitamin để đảm bảo cho sự phát triển. Tăng trọng tuyệt đối ở cuối giai đoạn này đạt rất cao từ 12 – 13 kg/tháng.

          Đà điểu có hệ vi sinh vật ở manh tràng phát triển giúp chúng tiêu hoá xơ thô tới 60%. Vì vậy phải bổ sung rau, cỏ xanh tự do để giảm giá thành, rau cỏ non được băm nhỏ 1 – 2 cm để dễ ăn. Có thể cho ăn thức ăn xanh bằng máng riêng hoặc trộn lẫn với thức ăn tinh. Chú ý khi trộn rau xanh vào thức ăn tinh có thể bổ sung thêm nước để thức ăn tinh được dính kết với thức ăn xanh giúp đà điểu ăn dễ dàng. Trộn một lượng vừa phải để đà điểu ăn nhanh hết, thức ăn không bị thừa, ôi chua, khi đà điểu ăn hết lại trộn mẻ mới.

          Rất nhiều thức ăn xanh cỏ sẵn ở các địa phương như: lá bắp cải già, cỏ ghi nê, cỏ voi non, rau muống, rau lấp, bèo tây có thể đưa vào chăn nuôi đà điểu thịt.

4. Phòng bệnh cho đà điểu

Đà điểu có thể bị nhiễm một số bệnh như trên gà, vịt, thêm nữa nghề nuôi đà điểu còn khá mới nên công nghệ chăn nuôi phòng bệnh còn tồn tại nhiều hạn chế. Do đó bà con cần chủ động phòng bệnh. 

- Thường xuyên theo dõi, quan sát những biểu hiện bên ngoài, cách ăn uống, đi đứng, chất thải, mắt, màu sắc và độ óng mượt của bộ lông.

- Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khử trùng xung quanh chuồng nuôi.

          - Nguồn thức ăn cần tươi ngon, không bị nhiễm độc, không chứa chất bảo quản có hại. 

- Nếu đà điểu bị ốm, chúng sẽ có một số biểu hiện: 

+ Dáng vẻ chậm chạp, buồn bã, đầu và cổ gục xuống 

+ Chán ăn, bỏ ăn 

+ Đi lại uể oải, mệt mỏi, lờ đờ, dáng đi xiêu vẹo, không vững chắc. 

+ Đứng không cân đối, xương và cổ bị lệch.

+ Tách đàn.

+ Thở không bình thường

+ Bụng thon nhỏ lại, lưng có đỉnh nhọn.

+ Phân cứng, màu nhợt, có chất nhầy, nước tiểu đổi màu. 

Khi có những biểu hiện trên, bà con phát hiện, chăm sóc hoặc gọi bác sĩ thú y càng sớm càng tốt, tránh rủi ro.

* Một số lưu ý khác:

          (1) Hệ thần kinh của đà điểu rất nhạy cảm, dễ phát sự kinh động khi có tiếng động lớn, đột ngột hoặc khi có người lạ mặt. Vì vậy nên bố trí chuồng nuôi đà điểu ở nơi yên tĩnh.

          (2) Vì đà điểu là loại ăn tạp nên trong khu vực nuôi cần phải dọn sạch các vật như gạch, đá, mảnh thủy tinh, túi bóng hay các vật nhỏ nhọn sắc để tránh cho chúng ăn phải các thứ này, dễ gây tổn thương đường tiêu hoá.

          (3) Tuỳ diện tích chuồng nuôi có thể phân nhóm theo trọng lượng hay lứa tuổi, mỗi nhóm 15-20 con, mật độ nuôi đảm bảo 1 – 2m2 nền chuồng/con và 40m2 sân chơi/con. Mỗi nhóm đà điểu nên cố định thành phần để chúng làm quen nhau. Tránh sáo trộn đàn dẫn đến hiện tượng đánh nhau gây thương tích, tai nạn, giảm hiệu quả nuôi đà điểu thịt.

                                                                                         

Ths Phạm Văn Đức