00:00 Số lượt truy cập: 2983546

Kỹ thuật nuôi gà sao sinh sản 

Được đăng : 03/07/2021

Đặc điểm gà sao

Gà sao bắt nguồn từ gà rừng, theo cách phân loại gà sao thuộc lớp Aves, bộ Gallformes, họ Phasiani, giống Numidiae, loài Helmeted.

Về ngoại hình: Cả 3 dòng gà sao đều có ngoại hình đồng nhất. Ở 1 ngày tuổi gà sao có bộ lông màu cánh sẻ, có những đường kẻ sọc chạy dài từ đầu đến cuối thân, mỏ và chân màu hồng, chân có 4 ngón và có hai hàng vẩy.

Giai đoạn trưởng thành gà sao có bộ lông màu xám đen, trên phiến lông điểm nhiều những nốt chấm trắng tròn nhỏ. Thân hình thoi, lưng hơi gù, đuôi cúp. Đầu không có mào mà thay vào đó là mấu sừng, mấu sừng này tăng sinh qua các tuần tuổi, ở giai đoạn trưởng thành, mấu sừng cao khoảng 1,5- 2cm. Mào tích của gà sao màu trắng hồng và có 2 loại: một loại hình lá dẹt áp sát vào cổ, còn một loại hình lá hoa đá rủ xuống. Da mặt và cổ gà sao không có lông, lớp da trần này có màu xanh da trời, dưới cổ có yếm thịt mỏng. Chân khô, đặc biệt con trống không có cựa. Gà sao bay giỏi như chim. Chúng biết bay từ sáng sớm, 2 tuần tuổi gà sao đã có thể bay. Chúng có thể bay lên cao cách mặt đất từ 6- 12m. Chúng bay rất khoẻ nhất là khi hoảng loạn.

Gà sao cũng có nhu cầu tắm nắng, gà thường tập trung tắm nắng vào lúc 9-11h sáng và 3-4 giờ chiều. Khi tắm nắng gà thường bới một hố cát thật sâu rồi rúc mình xuống hố, cọ lông vào cát và nằm phơi dưới nắng.

 

 

ga-sao

 

 

Gà sao dễ nuôi, ít nhiễm dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp nên đã mang lại thu nhập cho nhiều người nuôi. Tuy nhiên, gà sao không đẻ quanh năm mà chỉ đẻ theo chu kỳ vì vậy việc chăm sóc gà sao sinh sản cần phải đạt đúng các quy trình kỹ thuật.

II. Kỹ thuật nuôi

1. Chuồng nuôi

Chuồng nuôi gà sinh sản thường là hướng Nam, hoặc Đông Nam. Chuồng nuôi thiết kế theo kiểu bán chăn thả, nửa ngoài không cần mái che nhưng phải được quây kín bằng lưới tránh gà bay mất. Ngoài ra còn phải có hệ thống sào đậu cho gà vì chúng rất thích bay nhảy lên cao nơi hẻo lánh, đồng thời giúp cho gà sao có thêm không gian sống, mặt khác còn là chỗ để cho gà sao tránh kẻ thù. Chuồng nuôi còn phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và phải lắp hệ thống chiếu sáng cho gà. Nền chuồng thiết kế đúng kỹ thuật, chắc chắn.

2. Chọn gà giống

Gà 1 ngày tuổi chọn những gà nhanh nhẹn, mắt sáng, bông lông, bụng gọn, chân mập, cứng cáp không dị tật đi lại bình thường, mỏ khép kín. Có màu lông đặc trưng của giống và khối lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn giống. Tránh chọn nuôi những gà khô chân, vẹo mỏ, khoèo chân, hở rốn, xệ bụng, lỗ huyệt bết lông.

3. Dụng cụ chăn nuôi

Rèm che: Dùng vải bạt, cót ép hoặc phên liếp che xung quanh chuồng nuôi để giữ nhiệt, tránh gió lùa và mưa bão.

Quây úm: Bằng cót. Chiều dài 4 m, chiều rộng 0,5 m.

Máng ăn: Giai đoạn gà con có thể dùng mẹt hoặc khay tôn. Khay bằng tôn có kích thước 80 x 100 (cm) sử dụng cho 100 con gà. Sau đó chuyển dùng máng bằng tôn dài hoặc tròn.

 Máng tôn tròn sử dụng cho 15 con/máng. Máng dài 3 m, cao 5 - 7 cm, sử dụng cho 60 con. Máng uống: Giai đoạn gà con dùng máng gallon 1,5 lít. Chuyển giai đoạn dò, hậu bị và sinh sản dùng máng gallon 4 lít.

Thiết bị sưởi ấm: Có thể dùng bóng hồng ngoại, bóng đèn điện tròn, chụp sưởi, hoặc ở vùng sâu vùng xa có thể dùng bếp than, lò ủ trấu… Khi sử dụng than chú ý thiết kế sao cho khí thải của than phải được đưa ra khỏi chuồng.

Gà đẻ dùng bằng tôn hoặc gỗ: Ổ đẻ chiều dài 1,8 m; chiều rộng 0,33 m; chiều cao mặt sau 0,6 m; chiều cao mặt trước 0,4 m; chiều ngang mỗi ô của ổ đẻ 0,28 m. Mỗi ổ đẻ có 6 ô. Mỗi ô của ổ đẻ sử dụng cho 8 con gà mái đẻ.

4. Mật độ nuôi

Mật độ nuôi tính chung cho cả gà trống và gà mái: 3 - 3,5 con/m2. Các giống gà khác ghép trống mái theo tỷ lệ 1/10 hoặc 1/12, nhưng gà sao chỉ ghép được theo tỷ lệ 1 trống/5 - 6 mái. Thời điểm ghép lúc 24 - 25 tuần tuổi. Nên chia gà sao thành các ô nhỏ. Điều này sẽ tránh gà bị đè chết khi bị stress do ngoại cảnh gây nên.

5. Chăm sóc

Thức ăn phải đảm bảo chất lượng tốt, cân đối đủ mức đạm, năng lượng và cần bổ sung bột đá, bột vỏ sò nhiều gấp 3 - 4 lần so với các giai đoạn trước để gà tạo vỏ trứng. Nước uống và cho uống: Phải đảm bảo sạch, mát. Thay nước 1 - 2 lần trong ngày để nước sạch mát hơn.

Chế độ chiếu sáng: Sử dụng ánh sáng 24/24 giờ. Ban ngày sử dụng ánh sáng tự nhiên, buổi tối thắp bóng điện. Cường độ chiếu sáng: 3 - 3,5 w/m2 nền chuồng.

Thu trứng và bảo quản trứng giống: Ổ đẻ phải có lớp lót dày và sạch tránh làm dập và bẩn trứng. Lấy trứng để ấp sau khi gà đẻ được 4 tuần. Trứng được thu 3 - 4 lần trong ngày, để tránh bị dập vỡ và bẩn. Bảo quản trứng ở nơi thoáng mát, sạch sẽ. Điều kiện bảo quản tốt nhất 15 - 170C, ẩm độ 72 - 75%. Do vỏ trứng gà sao rất dày cho nên có thể bảo quản trứng ở nhiệt độ thường từ 7 - 10 ngày đối với mùa đông, 5 - 7 ngày đối với mùa hè. 

6. Phòng bệnh

Sau mỗi lứa gà: Phải phun sát trùng ngay lớp độn chuồng bằng thuốc sát trùng phổ rộng. Nếu thấy các loại ký sinh trùng thì phải trộn thêm thuốc diệt côn trùng;

Đưa toàn bộ lớp độn và phân đến vị trí quy định để xử lý, sau đó quét dọn sạch toàn bộ nền chuồng;

Rửa sạch trần, nền và tường chuồng bằng máy phun cao áp;

Sát trùng chuồng: phun thuốc sát trùng phổ rộng;

Quét vôi toàn bộ nền, tường chuồng;

Quét dọn khu vực xung quanh chuồng gà và phun thuốc sát trùng;

Đặt thuốc diệt loài gậm nhấm vào nơi chúng hay xuất hiện trong khu vực nuôi gà;

Sau khi làm xong các bước trên, để trống chuồng 2 - 3 tuần. Trong thời gian trống chuồng, cần đóng kín các cửa để các loài động vật, côn trùng không xâm nhập vào được, đồng thời bảo dưỡng chuồng trại và sửa chữa trang thiết bị. Đối với bãi chăn thả cần để trống 8 tuần.

Bà con lưu ý: Nuôi gà sao cần hiểu rõ đặc tính hoang dã của chúng. Nhược điểm là nhút nhát, kêu và bay nhảy suốt ngày. Khắc phục bằng cách nuôi mật độ thưa, nuôi bán chăn thả, có lưới bao quanh để tránh gà bay ra ngoài. Gà sao tự đẻ theo mùa (đầu và đến cuối mùa mưa) và ấp trứng nhưng hiệu quả không cao do gà sao không biết chăm sóc con như gà ta. Nên sử dụng tủ ấp, sau 26 - 28 ngày gà nở, sau đó cho vào lồng úm nhiệt 35 – 370C, giảm dần giờ úm khi gà lớn.

Gà sao rất dễ nuôi, chịu được những điều kiện nuôi thất thường, có thể sử dụng thức ăn công nghiệp, bổ sung phụ phẩm nông nghiệp như bắp, lúa, tấm, cám… Đặc biệt gà sao thích ăn rau xanh như: rau muống, cỏ… Tỷ lệ tiêu tốn thức ăn là 2,8 kg/kg thịt. Cho gà uống nước sạch hoặc qua lắng lọc, có thể pha thêm chất điện giải, vitamin C, A, D, E, B comlex... để tăng sức đề kháng, chống stress cho gà khi thời tiết thay đổi hay chuyển chuồng.

 

                                                                                Ths Phạm Văn Đức