00:00 Số lượt truy cập: 2940886

Kỹ thuật nuôi hươu sinh sản và lấy nhung 

Được đăng : 21/06/2021
Trong những năm gần đây, nghề nuôi hươu đang có chiều hướng phát triển và là vật nuôi có khả năng xóa đói giảm nghèo mô hình nuôi hươu ở Việt Nam đang được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nông dân, chủ trang trại. Tuy nhiên, để nhân rộng quy mô, giảm tỷ lệ hao hụt giai đoạn đầu và mang lại cho năng suất cao nhất, bà con cần nắm được kỹ thuật nuôi hươu từ các khâu làm chuồng trại, thức ăn chăn nuôi đến công tác phòng bệnh.

 

huou1

 

1. Về chuồng trại

Bà con cần bố trí chuồng trại phù hợp với các đặc tính sinh lý của hươu. Có độ bền vững, chắc chắn không cho hươu thoát ra ngoài và đi mất. Phải tiết kiệm nguyên vật liệu, vật liệu làm chuồng không ảnh hưởng tới sức khoẻ của hươu.

Vị trí xây chuồng: Phải cách nhà một khoảng hợp lý tránh ô nhiễm và tiếng động, mùi vị ô nhiểm, phải là nơi cao ráo nhưng phải là vị trí mà mùa đông thì ấm áp mùa hè thoáng mát.

Hướng chuồng: Tốt nhất là xây dựng chuồng hướng nam hoặc đông nam để điều hoà được tiểu khí hậu của chuồng nuôi.

Nền chuồng: Phải có độ dốc từ 1 – 20 và phải cao hơn vùng đất xung quanh 10 - 15 cm nền chồng có thể làm bằng xi măng láng nhám hoặc bằng đất nện chặt đều được.

Diện tích chuồng:  Hươu đực phải đạt mỗi con trên 6 m2 trở lên. Hươu cái có thể lớn hơn một chút để có thể giao phối ngay trong chuồng. Nhưng hiện nay thường làm chồng hai ngăn để tiện vệ sinh và phối giống. Chuồng hai ngăn này thường rộng khoảng là 12 m2 trở lên.

Trong cách nuôi hươu lấy nhung, máng ăn, máng uống là hai dụng cụ chăn nuôi quan trọng giúp hươu ăn nhiều, ít hao hụt. 

Nên tận dụng làm máng bằng cao su để tránh bị vỡ. Bố trí máng ăn máng uống hợp lý, ngang tầm hươu ăn. 

2. Về cách chọn hươu giống 

Vì giá thành giống hươu khá đắt nên bà con cần mua hươu sao giống ở những địa chỉ bán giống uy tín, có giấy chứng nhận. 

Chọn con giống theo lý lịch, yêu cầu bố mẹ khỏe mạnh, không bị bệnh, số nhung của cặp bố mẹ lớn, đạt từ trên 800gr trở lên. 

Chọn con giống khỏe mạnh, sạch bệnh, tinh nhanh, tai lúc nào cũng vểnh lên, bụng thon, lưng thẳng, 4 chân đều, đứng và đi lại không bị dị tật. 

3. Về thức ăn, nước uống

- Nguồn thức ăn cho hươu

Nuôi hươu sao lấy nhung khá đơn giản vì nguồn thức ăn phong phú, chúng lại phàm ăn, rất ít kén chọn. Do đó, bà con có thể tận dụng thức ăn sẵn có ở địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu ở từng vùng miền.  

+ Thức ăn xanh tươi:

Nguồn thức ăn xanh có chứa từ 60 - 80% nước, từ 2 - 5% protein là một lượng chất khoáng gồm các loại cỏ, nụ hoa, mầm đậu, cây mục túc, cây trong vườn, củ quả, phụ phẩm nông nghiệp…

Thức ăn củ quả có chứa nhiều đường và kali như cà rốt, củ cải, khoai lang… đặc biệt trong cà rốt có chứa nhiều caroten bổ sung vitamin trong mùa đông và mùa xuân nên hươu rất thích ăn.

+ Thức ăn phơi khô:

Thức ăn phơi khô bao gồm phụ phẩm nông nghiệp, các loại cây cỏ, rơm phơi khô hoặc đem ủ chua để làm thức ăn dự trữ cho hươu trong mùa khan hiếm thức ăn. 

+ Thức ăn hạt:

Bao gồm các loại hạt ngũ cốc như ngô, gạo, tiểu mạch, cao lương, các loại hạt họ đậu… Nguồn thức ăn này cần được điều chỉnh theo từng giai đoạn chăm sóc hươu. 

+ Thức ăn từ các loại khô dầu 

Bao gồm khô dầu đậu tương, khô dầu lạc, khô dầu cám… chứa nhiều protein giúp hươu phát triển nhanh. 

+ Khoáng chất: 

Bên cạnh đó, khi nuôi hươu lấy nhung, các trang trại cần bổ sung thêm khoáng chất như bột đá vôi, bột vỏ trứng, bột xương, muối ăn

Để hươu ăn nhiều, dễ ăn, hạn chế hao hụt thức ăn bà con nên sơ chế nguyên liệu:

- Đối với thức ăn xanh tươi, thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, rau củ quả có thể sử dụng các loại máy băm cỏ cho bò hoặc máy băm cỏ, băm rau củ để băm nhỏ thành từng đoạn từ 5 - 7cm. Nguồn thức ăn này sau khi băm nhỏ có thể cho hươu ăn trực tiếp hoặc đem ủ chua làm thức ăn dự trữ. 

- Đối với các loại hạt ngũ cốc: tốt nhất nên nghiền nhỏ, phối trộn với nhau để tăng giá trị dinh dưỡng hoặc đem ép thành cám viên cho hươu ăn tiết kiệm được nhiều chi phí chăn nuôi, thu lợi lớn. 

- Nguồn nước nuôi hươu:

- Nước uống cung cấp cho hươu cần phải sạch sẽ, có thể pha thêm một chút muối (vì hươu sao thích uống nước mặn). Nhu cầu nước của hươu sao tính theo mùa, vào mùa hè cần từ 6 - 8 lít/ngày, vào mùa đông cần từ 4 - 6 lít/ngày. 

- Thay rửa máng nước uống hàng ngày để tránh vi khuẩn, mầm bệnh. 

Bà con lưu ý: Những giai đoạn cần bồi dưỡng cho hươu đực lấy nhung là:   - Trước trước mùa động dục, hươu đực ăn nhiều để bồi dưỡng sức khỏe, nhưng trong thời kỳ phát dục lại biếng ăn, biếng ngủ. 

- Sau mùa thay lông: Giai đoạn thay lông, hươu cũng yếu, khi có bộ lông mới, hươu mới chịu ăn.

- Trước và trong thời kỳ phát triển lộc nhung: thời kỳ phát triển nhung thì mọi tính lực của hươu sẽ dồn về đôi nhung, do đó cần bồi bổ để tránh giảm sút thể trọng của nhung.

 

Ths Phạm Văn Đức