00:00 Số lượt truy cập: 2984453

Kỹ thuật nuôi lươn sinh sản trong bể xi măng 

Được đăng : 18/08/2021

Kỹ thuật nuôi lươn sinh sản trong bể xi măng

Hiện nay, nghề nuôi lươn đã không còn phụ thuộc vào con giống tự nhiên và thức ăn là cá tạp xay do quy trình sản xuất lươn giống ngày càng được hoàn thiện, việc nuôi lươn sinh sản không phức tạp lắm nhưng mang lại hiệu quả cao, bà con hoàn toàn có thể tự nuôi lươn sinh sản để có thể chủ động tạo cho mình nguồn lươn giống với chất lượng cao để nuôi lươn thịt hoặc xuất bán lươn giống chính là giải pháp tốt, nhằm chủ động sản xuất được con giống cho người nuôi đạt năng suất để phát triển kinh tế.

I. Chuẩn bị bể nuôi lươn sinh sản

1. Địa điểm: nên chọn nơi yên tĩnh, có bóng râm, có nguồn nước tốt không bị ô nhiễm để làm bể cho lươn sinh sản

2. Thiết kế bể đẻ: lươn sinh sản có thể được nuôi trong bể xây có dạng hình chữ nhật, xung quanh xây gạch xi măng, tường tô bóng nhẵn, đáy tráng xi măng và đặt những ống để cấp thoát nước. Diện tích mỗi bể từ 20m2 trở lên, bể có chiều cao 1m, chiều rộng 2m – 4m, dài 10 m hoặc lớn hơn, mực nước duy trì 0,3m.

Cho đất vào bể, đất cho vào có độ cao 0,4m, rộng 0,5 – 0,8m tùy theo chiều rộng của bể. Có thể trồng cỏ xung quanh rìa để giữ đất cũng như tạo môi trường giống ngoài tự nhiên cho lươn sống. Hoặc nếu sử dụng bể xi măng không đắp mô đất thì phải tạo giá thể bằng dây nylon cột thành chùm treo trong bể để lươn trú ẩn.

luon-duc

 

 

II. Kỹ thuật nuôi

1.Chọn lươn bố mẹ

Chọn lươn bố mẹ có thời gian nuôi từ 10 – 12 tháng tuổi. Chọn những lươn khoảng 150- 200g, khỏe mạnh, không bị xây xát. Lươn có chiều dài nhỏ hơn 30cm đa số là lươn cái, lươn có chiều dài lớn hơn 50 cm đa số là lươn đực. Tỷ lệ phối giống thích hợp nhất là 1 lươn đực/1,5 lươn cái

Khi mua lươn giống nên chọn mua từ nhiều nguồn khác nhau (ít nhất là 2 nguồn) để tránh đồng huyết và nên mua ở những nơi uy tín.

Thời điểm mang lươn về thả tốt nhất là vào buổi chiều tối. Sau khi mang về đến nhà thì cho lươn vào một thau nước khoảng 2 tiếng rồi cho lươn tắm nước muối loãng 5%o khoảng 15 phút.

2. Mật độ thả:  thả với mật độ tùy theo khối lượng, thấp nhất 15 con/m2, nhiều nhất 20 con/m2.

3.Cách chăm sóc nuôi vỗ lươn bố mẹ

Sau khi cho lươn tắm nước muối loãng, thả lươn vào bể. Do lươn rất nhạy cảm và nhút nhát nên khi thả phải nhẹ tay. Ngày thứ nhất sau khi thả không cho lươn ăn để lươn thích nghi với môi trường. Những ngày sau đó bắt đầu giai đoạn nuôi vỗ. Mỗi ngày chỉ nên cho ăn 1 lần vào buổi chiều tối, lượng thức ăn cho ăn mỗi lần khoảng 3-5% khối lượng thân.  Sau khi cho ăn 2 giờ phải vớt bỏ thức ăn thừa để tránh ô nhiễm nước.

Theo dõi chất lượng nước của bể để thay cho phù hợp. Tốt nhất là thay nước 3- 4 ngày/lần.

Nuôi vỗ lươn trong vòng 3 tháng là lươn đã có thể đẻ trứng không cần sự tác động của người nuôi.

Khi thấy có tổ bọt xuất hiện trên miệng hang hoặc trên mặt nước và tổ bọt lớn dần vào chiều tối, sáng hôm sau thì lươn đã đẻ. Trứng bám vào tổ bọt và có màu vàng nhạt, trong suốt.

Số lượng trứng thu được rất khác nhau, dao động từ vài chục đến vài trăm trứng trên ổ trứng. Đường kính trứng mới đẻ trung bình khoảng 3,5 mm.

4. Ấp trứng

Có thể sử dụng bể ấp hoặc các dụng cụ thông thường như xô, thau nhựa để ấp trứng lươn.

Dùng vợt chuẩn bị sẵn, vớt nhẹ ổ bọt mang lên rửa sạch và cho vào bể ấp hoặc các thau nước sạch, sục khí liên tục.

Giữ nhiệt độ trong chậu khoảng 28 – 30C, độ pH khoảng 6 – 8. Thay nước 1 lần/ngày. Trong vòng 10 ngày toàn bộ số trứng sẽ nở. Lươn con mới nở thân rất nhỏ, dưới bụng mang noãn hoàng rất to, chiều dài tối đa 2 cm ít cử động, chỉ nằm im dưới đáy bể. Thả vào bể hoặc thau ấp một số chùm tua nylon làm nơi trú ẩn cho lươn con khi nở. Sau 7 – 10 ngày tiêu hết noãn hoàng chuyển sang bể ương.

5. Ương giống lươn

Trong bể ương cũng cần bố trí giá thể bằng tơ dứa hay nilon cho lươn con trú. Lươn nở được 5 ngày bắt đầu cho ăn trùn chỉ, lăng quăng. Sau 10 ngày cho ăn trùn quế băm nhỏ, 15 ngày tuổi bắt đầu cho ăn các loại cá tạp, nhuyễn thể xay nhuyễn.

Sau 1 tháng là đã có thể cho ăn như khẩu phần của lươn trưởng thành.  Sau 3 tháng ương nuôi lươn có thể đạt khối lượng 400 – 600 con/kg thì xuất bán hoặc chuyển sang bể nuôi thịt, nếu tiếp tục ương lên cỡ lươn lớn 40 – 60 con/kg cần phải được nuôi mật độ thưa hơn.

6. Thức ăn nuôi lươn sinh sản

Thức ăn cho lươn sinh sản chủ yếu là thức ăn tươi sống có nguồn gốc động vật như cá tạp, tôm con, ốc bươu vàng, ếch nhái, trùn quế, dòi… hoặc các loại thức ăn bằng thực vật như: rau muống, bèo tấm ủ chua trộn với cám, bã đậu (lươn không ưa thích thức ăn thực vật bằng thức ăn động vật). Có thể phối trộn với thức ăn công nghiệp 26 -30% đạm với tỷ lệ 70% thức ăn tươi sống và 30% thức ăn công nghiệp để cho lươn ăn.

Thức ăn cho lươn phải tươi, không cho ăn thức ăn cũ, ôi thiu.  Thức ăn tươi được băm nhỏ vừa với cỡ miệng của lươn.

          Bà con cần lưu ý: Trong giai đoạn lươn chuyển thức ăn từ trùn chỉ sang loại thức ăn công nghiệp nên bổ sung thêm khoáng, vitamin và men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng; khi thay nước không để nhiệt độ nước chênh lệch quá 3oC. Sau 2- 3 tháng ương, lươn đạt cỡ từ 100 – 200 con/kg, dài 10 – 15 cm/con thì có thể xuất bán lươn giống hoặc chuyển qua nuôi thương phẩm.

 

                                                                                Ths Phạm Văn Đức