00:00 Số lượt truy cập: 2981502

KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC CÂY NA CHO NĂNG SUẤT CAO VÀ HẠN CHẾ SÂU BỆNH HẠI 

Được đăng : 22/05/2024

 

na12



Na là một loại cây ăn quả khá phổ biến và được ưa chuộng tại các tỉnh phía Bắc. Gần đây, loại quả này đã trở thành một mặt hàng có tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Na ưa đất thoáng, không nên trồng ở đất thấp úng. Tuy chịu được đất cát xấu nhưng chỉ phát huy được ưu điểm nếu đất nhiều màu và không bón phân thì chóng già cỗi, nhiều hạt, ít thịt. Na chống úng kém nhưng chống hạn tốt. Na tương đối chịu rét. Mùa đông ngừng sinh trưởng, rụng hết lá mùa xuân ấm áp lại ra đợt lá mới.

Việc nắm bắt cách trồng cây na chính xác là yếu tố bắt buộc nếu muốn cho ra sản lượng cao. Người dân cần phải chú ý trong từng giai đoạn để chăm sóc và xử lý kịp thời. 

Chọn giống

Hiện nay, tại nước ta có 3 giống phổ biến, mỗi loại có những đặc điểm riêng: 

- Na bở: Da đẹp, trái to và nhiều thịt nhưng có vị hơi bở khi ăn. Giống này có sức sống cao, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên được trồng ở nhiều địa phương. 

- Na dai: Vỏ mỏng, thịt trắng, mùi thơm và vị ngọt thanh nên rất được yêu thích. Có thể trồng trên các nền đất xấu nhưng cần cung cấp đủ dinh dưỡng. Cây sinh trưởng được với thời tiết khô hạn, tuy nhiên trong thời kỳ ra quả nên tưới đủ nước.  

- Na Thái Lan: Quả có kích thước lớn từ 0.5 – 0.7kg, ít hạt, năng suất cao. Có khả năng chịu hạn cao, phù hợp với khí hậu miền Bắc nước ta. Nên trồng ở nền đất cao, thoáng, tránh bị ngập úng.

Chuẩn bị đất

Cây Na được trồng trên nhiều loại đất nhưng thích hợp nhất là đất đồi, đất có PH từ 5,5 - 7 vì cây na chịu hạn tốt. Bà con nông dân nên lựa chọn nơi có nền đất cao và thoát nước tốt để trồng na. Trước khi trồng 1 tháng cần đào hố và bón lót cho đất. Hố đào cần được có kích thước tối thiểu khoảng 50x50x50cm và tiến hành bón lót 15-20 kg phân chuồng hoai, 0,5 kg  supe lân, 0,2 kg sufat kali lấp đất đầy hố. Trồng xong cần vun đất cao ở gốc và cắm thêm cọc để tránh bị đổ câu. Ngay sau đó nên tưới nước vừa phải nhằm giữ độ ẩm cho đất. 

Khoảng cách và mật độ trồng thích hợp nhất là 4 x 4m, vì sau 10 năm cây không che khuất lẫn nhau, dễ chăm sóc. Nếu muốn khai thác nhanh để đạt sản lượng cao thì có thể trồng theo khoảng cách 3 x 3 m.

Thời vụ thích hợp để trồng Na là vụ Xuân vào tháng 2-3 trước khi nẩy lộc là thời vụ trồng tốt nhất đối với các tỉnh miền Bắc.

Tưới nước và bón phân

Cây na không quá ưa nước nên chỉ cần tưới mỗi tuần 1 lần. Tuỳ vào tình hình thời tiết có thể tăng thêm 2 đến 3 lần để cây giữ được độ xanh. Tuy nhiên, không tưới quá nhiều làm ngập úng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển. 

Trong vườn na có thể làm cỏ xới xáo 3 lần vào các tháng 2-3, tháng 7-8 và tháng 11-12. Thời gian ra hoa đậu quả và phát triển không nên cày xới để tránh rụng quả.

Để cây na sớm cho quả và có năng suất cao có thể kết hợp bón phân hữu cơ và phân vô cơ đủ số lượng và đáp ứng yêu cầu của cây ở các thời kỳ sinh trưởng, ra hoa kết quả trong năm. Bà con có thể kết hợp 10kg phân chuồng hoai mục, 1kg phân NPK và vôi bột khoảng 2 tháng 1 lần trong 3 năm đầu trồng cây. Khi cây đã cho thu hoạch cần tăng thêm lượng phân bón để bù lại lượng dinh dưỡng trong đất. Khi bón cần cuốc hố hoặc đào rãnh xung quanh tán, không bón trực tiếp vào gốc. Bón xong cần lấp kín đất và tưới nước để cây hấp thụ tốt hơn.  

Cắt tỉa tạo tán

Cây Na trồng sau 2-3 năm cho quả. Nếu được chăm sóc tốt năng suất ngày càng cao và sẽ kéo dài thời gian cho quả, cùng với việc bón phân tưới nước đầy đủ, cắt tỉa là biện pháp kỹ thuật để góp phần khắc phục hiện tượng chóng tàn của cây làm cho cây khoẻ, trẻ, hạn chế được sâu bệnh hại, sai quả, quả to, phẩm chất thơm ngon, tạo tán cây không cao dễ chăm sóc thu hoạch. Hàng năm cần tiến hành cắt tỉa cho đến khi cây già không thể cho quả được nữa mới chặt bỏ và trồng mới.

Với cây chưa cho quả: chủ yếu là tạo hình cho khung cành vững chắc, cân đối hấp thụ được nhiều ánh sáng. Khung tán cấu tạo và cắt tỉa theo hình tháp, hay theo hình bán cầu. Tạo hình làm sao cho khung tán thấp dễ chăm sóc và thu hái.

Với cây đang thời kỳ cho quả và cho năng suất cao: tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành mọc yếu, cắt cành vượt, tạo cho cây thông thoáng.

Với cây đã già: Có thể làm trẻ hóa cây bằng cách cưa gốc, trừ lại cách mặt đất khoảng 50-60 cm. Sau đó bón phân tưới nước để cho cây mọc cành mới. Trong số những cành mới mọc chỉ nên giữ lại 2-3 cành chính để sau này phát triển thành khung tán mới của cây. 

 Một số đối tượng sâu bệnh cần chú ý trên cây na:

 (1) Rệp sáp

 *) Đặc điểm hình thái và gây hại

 - Trưởng thành cơ thể phủ đầy chất sáp màu trắng. Con cái bám chặt vào bộ phận non của cây hút nhựa và đẻ hàng trăm trứng li ti ở bụng. Khi mới nở sâu non bám dính ở một chỗ (mặt dưới của những lá non) để chúng hút nhựa cây cho đến khi trưởng thành.

 - Rệp gây hại  cả trên lá và quả na, làm cho lá bị quăn, quả bị chai không phát triển được. Nếu rệp có mật độ cao, chúng bao phủ cả bề mặt của quả làm cho quả non bị rụng hoặc bị khô tóp lại đeo bám trên cây. Nếu bị nhẹ quả vẫn phát triển, khi chín thịt quả nhạt, có mùi hôi, phẩm chất kém. Khi chích hút quả na, rệp sáp tiết ra chất mật ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm giảm mẫu mã quả. Rệp sáp phấn xuất hiện quanh năm trên các vườn na, gây hại nặng vào mùa nắng. 

+ Sau khi thu hoạch, tỉa xén cành làm cho vườn thật thông thoáng đồng thời loại bỏ cành đã bị nhiễm rệp sáp.

 + Thường xuyên thăm vườn, chú ý quan sát kỹ các chồi, búp và quả để phát hiện rệp sáp sớm. Khi xuất hiện 3-5 con/chồi hoặc  trên quả sử dụng các thuốc có hoạt chất Amamectin benzoate (Tungmectin 5EC)  hoặc có thể sử dụng các thuốc có hoạt chất Imidacloprid (Confidor 200 SL), Spirotetramat (Movento 150 OD) theo khuyến cáo ghi trên bao bì và phun ướt đều tán cây. Chú ý đảm bảo thời gian cách ly.

+ Có thể các loại thuốc trên cộng với dầu khoáng để phun trừ, có tác dụng vít các lỗ khí thở, tăng khả năng hô hấp và thuốc dễ xâm nhập vào cơ thể côn trùng.

 (2). Giòi (Ruồi) hại quả na

 *) Đặc điểm hình thái và gây hại

 - Giòi màu trắng, không chân, có hình nón thon dài. Miệng ở phần cuối nhọn của cơ thể. Sau khi nở gời đục và gây hại trong quả na.

 - Trưởng thành: mầu sắc của ruồi rất thay đổi nhưng chủ yếu là màu vàng với vết sẫm màu trên ngực và bụng. 

        *) Biện pháp phòng trừ

 - Chăm sóc đúng kỹ thuật, không sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh thuốc trừ cỏ hóa học. Giảm sử dụng phân vô cơ, tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ đã qua xử lý. Sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh thảo mộc, sinh học. Bảo vệ các loài thiên địch...

 - Vệ sinh đồng ruộng, cắt tỉa, loại bỏ cây, cành, lá bị nhiễm sâu bệnh đem đốt để tránh sự lây lan.

 - Dùng bẫy pheromon, bẫy dính vàng: Khoảng tháng 5-6, treo bẫy dẫn dụ để diệt ruồi trưởng thành. Dùng bẫy dẫn dụ có chứa Methyl Eugenol 75% + 25% (Vizubon D, hộp chứa 2 chai thuốc  gồm 1 chai chất dẫn dụ và 1 chaai chất diệt ruồi). Khi sử dụng mở nắp 2 chai thuốc , đổ hết thuốc diệt ruồi vào chai chất dẫn dụ, đậy nắp kín, lắc đều. Sau đó tẩm khoảng 1-2ml hỗn hợp thuốc trộn vào bẫy, treo lên cây. Treo từ 3-4 bẫy cho 1.000m2, sau 10 ngày treo, đổ hết xác ruồi chết, tẩm thuốc mới vào bẫy, tiếp tục treo lên cây.

 - Khi quả na to đường kính 4-5 cm vào cuối tháng 6, đầu  tháng 7 tiến hành bọc quả bằng túi vải không dệt để phòng giòi (ruồi) đục quả và rệp sáp. 

 (3). Bệnh thán thư

 *) Triệu chứng bệnh

 Vết bệnh trên lá là những đốm màu nâu đến nâu đậm, hơi lõm, các vết bệnh có thể riêng lẻ hoặc liên kết làm cho lá bị cháy và rụng. Trên hoa và quả: vết bệnh là những đốm nhỏ, không đều, màu đen ở trên cả trục và cánh hoa, quả. Vết bệnh ban đầu là vết đốm đen nhỏ sau lan rộng thành các vết bệnh lớn, hình dạng không đều, màu nâu đậm tới màu đen, mô bệnh không có ranh giới rõ rệt với mô khỏe. Hoa, quả non bị bệnh bị khô đen và rụng, quả lớn bị khô đen một phần. 

*) Nguyên nhân gây bệnh: nấm gây bệnh thán thư là Colltotrichum sp gây hại trên lộc, lá, hoa cà quả tương ứng từ tháng 3 đến tháng 7-8. Nấm gây hại nặng trong mùa mưa. Nấm gây bệnh phát tán và lan truyền theo nước mưa và dụng cụ chăm sóc.

 *) Biện pháp phòng trừ

 - Cắt lá, tỉa cành tạo cho vườn na thông thoáng nhằm hạn chế sự phát triển và lây lan của bệnh

 - Sau khi thu hoạch na cần dọn sạch tàn dư thực vật trong vườn, trong điều kiện thời tiết ẩm ướt đặc biệt tránh gây tổn thương đến cây.

 Phun ngừa khi quả còn non đến trước thu hoạch 15 ngày. Phun định kỳ 1 tháng 1 lần, có thể sử dụng các loại thuốc như: Amistar 250 SC, Score 250EC, Ridomil Gold  68WG, ...

Để na đảm bảo cả về năng suất, chất lượng, bà con nông dân có thể tham khảo giải pháp kỹ thuật bao quả sau đây:

- Chọn túi bao quả có kích thước phù hợp (18 x 20 cm). Chất liệu dạng túi vải cotton sáng màu, vừa tạo được môi trường thông thoáng cho quả, không làm quả bị hấp hơi nước, quả vẫn có thể tiếp xúc được với ánh ánh mặt trời; vừa hạn chế tác động của rét, sương muối đến vỏ quả, ngăn ngừa sâu bệnh phá hoại quả đến khi thu hoạch. Ngoài ra túi bọc còn có thể tái sử dụng.

- Xác định thời điểm bao quả: Bao quả sớm, khi quả na có đường kính quả khoảng 1,5 - 2 cm.

- Cách bao quả: Dùng túi luồn từ dưới lên bao trọn quả và rút dây rút trên bao để siết miệng túi vừa với cuống quả.

- Thời điểm tháo túi bao quả: Trước khi thu hoạch 10-15 ngày, tháo túi bao để quả na hấp thu ánh sáng mặt trời tự nhiên, đảm bảo màu sắc bắt mắt, hương thơm và vị ngọt đặc trưng của quả na. Những túi bao quả nào còn sử dụng được nên giữ lại để tái sử dụng ở vụ sau.

Giải pháp bao quả đã hạn chế được tình trạng quả na bị rám đen do tác động của thời tiết (rét, sương muối); hạn chế sâu hại trên đồng ruộng, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thiết lập hệ cân bằng sinh thái.

Cách thu hoạch và bảo quản quả na 

Khi quả bắt đầu mở mắt và toả ra mùi hương đặc trưng là đã đến thời điểm thích hợp để thu hoạch. Bà con nên chọn những ngày nắng ráo, dùng kéo chuyên dụng để cắt cuống quả và đựng trong các thùng xốp để vận chuyển đến nơi tiêu thụ./.

 

Thu Hà