00:00 Số lượt truy cập: 2983570

Kỹ thuật trồng đậu tương Giống ĐTDH.01 

Được đăng : 11/03/2022

tai-xuong12345678910

Giống đậu tương ĐTDH.10

 

Giống ĐTDH.01 do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ (thuộc Viện Cây Lương thực và cây thực phẩm) chọn lọc được dòng số 1 từ tổ hợp lai VX.93 X DT.96.

1. Đặc điểm.

Giống đậu tương ĐTDH.01 thuộc kiểu hình thấp cây, sinh trưởng hữu hạn, quả chùm, tỷ lệ quả 2 hạt và 3 hạt chiếm trên 85% so với tổng số quả chắt/cây, thân nhặt đốt và số đốt/cây từ 12 - 13 đốt, chiều cao cây trung bình từ 46 – 62 cm, khối lượng 1.000 hạt thuộc loại trung bình và biến động từ 159 – 172 gram, thời gian sinh trưởng từ 85- 90 ngày ở điều kiện vùng DHNTB&TN, hạt vàng sáng và rốn hạt màu nâu nên thích nghi với thị hiếu của thị trường tiêu dùng.

2.     Thời vụ

- Vụ xuân hè: Gieo giống trong khoảng tháng 2 -3 dương lịch và thu hoạch vào tháng 5-6 dương lịch.

- Vụ hè thu: Gieo giống trong khoảng tháng 4-5 dương dịch và thu hoạch vào tháng 7-8 dương lịch.

- Nên luân canh, xen canh đậu tương với cây trồng khác họ, hoặc trồng luân canh với cây trồng nước là tốt nhất.

Đất trồng:

Đậu tương ĐTDH.01 là cây không kén đất, nhưng để có năng suất cao nên ưu tiên đất đất thịt nhẹ, đất cát pha, phù sa ven sông,...; đất không bị ngập úng khi gặp mưa to kéo dài, đất không bị nhiễm độc, có nguồn nước sạch để tưới chủ động.

Làm đất: Cày phơi ải, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, bón vôi bột, san phẳng, làm rạch sâu 15 cm, khoảng cách 60 cm 1 rạch, bón lót 400 kg phân chuồng hoai mục + 10 kg lân theo rạch và lấp đất. Hoặc lên luống rộng 1,0-1,2 m, cao 20 cm, rãnh rộng 25cm tạo rãnh thoát nước kịp thời khi mưa to.

 

 Đất có độ dốc nhỏ, tiến hành cày phơi ải, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, bón vôi bột, san phẳng, làm rạch sâu 15 cm, khoảng cách 60 cm 1 rạch, phải làm rạch theo đường đồng mức chống sói mòn.

3. Mật độ, khoảng cách trồng

- Lượng giống gieo/ sào (360m2): Đậu tương 2,0 - 2,2kg.

- Khoảng cách gieo: Hàng cách hàng 60 cm. Cây cách cây 15cm. Mật độ 3.600 - 4.000 khóm/sào.

- Cách gieo: Chọc lỗ sâu 1,5 - 2cm, bỏ hạt, lấp đất; gieo 2 hạt/hốc.

Trong trường hợp canh tác trên diện rộng nên áp dụng gieo, mật độ gieo 3kg/sào.

          Không gieo hạt vào những ngày mưa to, hạt bị trương nước làm giảm sức nảy mầm; Nên phơi lại hạt giống trước khi gieo, dưới nắng nhẹ để kích thích nảy mầm.

4.                 Chăm sóc

- Khi cây có 1 - 2 lá thật, kiểm tra tỉa bỏ các cây còi cọc, cây sâu bệnh… chỉ để lại 1 - 2 cây đậu khỏe/khóm.

* Bón phân:

Bón đủ phân hữu cơ hoai mục, nếu không có phân chuồng hoai mục có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh, hoặc phân NPK: 10-10-10.

Toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, vôi bột bón lót toàn bộ trước khi trồng.

Trường hợp đất cằn cỗi cây sinh trưởng kém khi đậu tương từ 4 - 5 lá thật có thể bón thúc 2 kg phân đạm u rê/sào để kích thích cây lớn nhanh.

- Có thể phun bón lá kết hợp với chế phẩm kích thích ra hoa đậu quả như: Atonik 1.8 DD, Grow more, Agriseed-Mg, thuốc đậu quả Bo TRS-108…Phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tưới nước.

Cần thường xuyên tưới đủ ẩm cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là thời kỳ cây con và khi cây ra hoa, đậu quả.

Nếu trồng theo rạch, cần xới xáo, diệt cỏ dại, làm đất tơi xốp, có thể vun nhẹ để cây không vị đổ.

5. Phòng trừ sâu bệnh.

Phòng trừ dòi đục thân, sâu khoang, sâu xám…bằng cách rắc Regent 3G trên mặt luống  trướckhi gieo đậu và sau cây mọc 5 - 7 ngày. 

Phòng trừ sâu cuốn lá, đục quả: Sử dụng thuốc Sherpa 2%, Motox 5 EC… Phun 3 lần.

Phun phòng trước ra hoa 7 ngày, trong giai đoạn cây ra hoa, sau khi đậu quả phun thuốc diệt sâu hại phát sinh.

-                     Phòng trừ bệnh nấm

Nấm là bệnh thường gặp nhất ở đậu tương, nhất là ở những vùng nóng ẩm.

Cần xử lý hạt giống bằng thuốc diệt trừ nấm. Khi cây đã phát triển dùng thuốc diệt nấm lá, nhất là khi đậu ra hoa. Sử dụng Anthracnose benomyl, chlorothalonil để phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Đồng thời gieo đậu tương đúng kỹ thuật, không nên gieo quá dày để hạn chế gây bệnh.

-                      Bệnh thối thân

Nên luân phiên từ đậu tương sang trồng các cây trồng khác họ, hoặc luân canh với cây trồng nước khi có điều kiện thuận lợi.

-                      Bệnh tàn lụi vi khuẩn

Cần chọn mua giống ở những đại chỉ tin cậy để có chất lượng hạt giống tốt, xử lý hạt giống trước khi gieo.

Không nên gieo trồng ở những nơi đã bị mắc bệnh mà chưa có giải pháp xử lý đất trồng.

 Dùng các chất chống nấm gốc đồng, để phun cho đậu tương.

Bệnh đốm lá

Nên áp dụng kỹ thuật canh tác tốt, trồng đúng mật độ, không trồng quá dầy. Khi cây ra hoa không tưới dội từ trên xuống, hạn chế bón  nhiều phân để hạn chế tình trạng thừa đạm.  Khi cây bị bệnh dùng thuốc diệt nấm như Dupronin, Alvin, pamistin,... Nên phun thuốc phòng bệnh sau khi gieo hạt từ 20-30 ngày.

6.                 Thu hoạch.

Thu hoạch sau trồng 85 - 90 ngày, khi bộ lá chuyển màu vàng và rụng dần từ dưới lên, có 2/3 số quả trên cây chín, chọn ngày thời tiết nắng ráo để thu hoạch, vận chuyển và phơi. Không thu hoạch vào ngày mưa, hạt dễ bị thối, mốc.

Dùng dụng cụ, máy móc cắt cây rải phơi phơi khô tuốt lấy hạt làm sạch, phân loại, phơi khô đống bao, bảo quản đem tiêu thụ.

Nếu bảo quản dài ngày, cần phơi khô hạt đảm bảo độ ẩm dưới 14%. Không phơi hạt trực tiếp trên nền xi măng, nền gạch. Gom lại hạt đậu, để nơi thoáng mát 4 - 6 giờ cho nguội, đóng bao bì, bảo quản nơi khô ráo.

Lê Khôi