Thời gian mía chín từ 328 – 345 ngày riêng mía gốc là 315 . Là giống mía đẻ nhánh rất khoẻ, tái sinh gốc tốt; lóng dài từ 10 – 12 cm, có 31 – 32 lóng/thân. Cây cao từ 310 – 350 cm, chiều cao nguyên liệu 282 – 320 cm. Năng suất mía cây từ 100 – 120 tấn/ha; hàm lượng đường CCS từ 12 – 16%. Chịu hạn tốt, cứng cây, ít nhiễm bệnh thối đỏ ngọn… thích ứng rộng trên nhiều loại đất khác nhau đất cát pha, phù sa, đất đỏ vàng, đất đen, đất thịt nhẹ….
1. Thời vụ.
Miền Bắc trồng vụ xuân (tháng 1), thu hoạch tháng 12
Miền Nam trồng mùa mưa, thu hoạch sau 11 tháng trồng.
2. Làm đất.
Chọn đất xa khu đô thị, khu công nghiệp, đất sạch không bị ô nhiễm môi trường; nên chọn đất cát pha, thịt nhẹ, chủ động tưới, tiêu nước, có độ PH trung tính. Tiến hành cày bừa kỹ sâu 30 cm phơi ải, bón vôi bột, bừa trộn, san phẳng nhặt cỏ dại trước khi lên luống. Làm luống rộng 1,2m. Rạch hàng giữa hai luống sâu 25cm, rộng 20 cm.
3. Chuẩn bị giống.
- Ruộng lấy làm giống phải đảm bảo độ thuần, hom giống sạch bệnh trước khi trồng.
- Ruộng mía để làm giống có khoảng 8-10 tháng tuổi. Nếu trên 10 tháng tuổi cần chặt ngọn trước khi lấy làm giống 1 tuần để kích thích các mắt mía phát triển.
- Nên chặt mía ra thành từng hom khoảng 3 - 4 mắt.
4. Mật độ khoảng cách.
- Hàng cách hàng 1m - 1,2m.
- Các hom đặt nối đuôi nhau trên hàng.
- Lượng giống cần cho 1ha khoảng 30.000- 35.000 hom, hoặc 6-7 tấn mía cây.
5. Phân bón.
Đây là giống mía cao sản nên cần dùng các loại phân với số lượng lớn.
Lượng phân bón cho 1 ha như sau:
Phân chuồng 30 tấn.
Phân đạm: 450 kg urê
Phân lân: 1000 kg lân Văn Điển
Phân Kali: 400 kg kali Clorua
Vôi bột : 1000 kg
Thuốc trừ sâu bột hạt loại Basudin 10H hoặc Padan 3H dùng 30 kg.
Cách bón
+ Bón lót: Bón lót toàn bộ phân chuồng + phân lân + toàn bộ lượng thuốc sâu bột hạt cần bón và một nửa lượng phân Kali với 1/3 lượng phân đạm. Đối với phân chuồng và phân lân, phân đạm, phân Kali và thuốc trừ sâu bón sau khi rạch hàng, bón xong lấp kín đất mỏng.
+ Bón thúc:
- Bón thúc lần 1: Khi cây mía đẻ nhánh bón 1/3 lượng phân đạm cần bón. Bón cách gốc 5cm kết hợp với xới xáo và vun gốc.
- Bón thúc lần 2: Khi cây mía khoảng 4 tháng, bón lượng phân đạm và Kali còn lại cách bón như bón lần 1.
6. Chăm sóc.
Dặm mía: Sau trồng 30 ngày trồng lại các cây không mọc .
- Làm cỏ sạch và sớm.
- Bón phân theo tỷ lệ ở trên nhưng kết hợp với xới xáo làm cỏ vun gốc.
- Sau khi thu hoạch, chặt các gốc còn cao chỉ để lại 3 mắt sát mặt đất. Khi có mưa cày đất sát gốc để chăm sóc và bón phân theo liều lượng như sau:
Tưới nước:
-Thời kỳ mía nảy mầm, đẻ nhánh: Tưới 4 lần/ tháng.
-Thời kỳ đẻ nhánh làm lóng: 3 lần/tháng.
-Mía làm lóng: 2 lần/tháng.
Mía sắp thu hoạch dừng tưới nước 20 ngày.
7. Phòng trừ sâu cho cây mía.
Cây mía hay bị các loại côn trùng phà hoại như:
Sâu đục thân;
Rệp bông trắng;
- Rệp sáp;
- Phòng trừ:
- Nuôi ong mắt đỏ.
- Dùng thuốc hoá học: Đối với sâu đục thân dùng thuốc Padan 4h rắc vào luống trước khi trồng trường hợp bệnh nặng sử dụng một số loại thuốc trừ sâu bệnh trên thị trường và theo hướng dẫn trên bao bì.
8. Thu hoạch.
Sau trồng từ 11 đến 12 thàng tiến hành thu hoạch. Dùng dao thật sắc đốn sát gốc tất cả các cây. Thu hoạch đến đâu, bó thành từng bó vận chuyển đến nơi tiêu thụ, không nên để lâu lượng đường trong mía sẽ giảm.
T. Khuyên