Đặc điểm: Cây na (mãng cầu) cao khoảng 2 - 5 mét, lá mọc xen ở hai hàng, hoa xanh, quả tròn có nhiều múi (thực ra mỗi múi là một quả), hạt vỏ ngoài có màu nâu sậm, đen; hạt có chứa độc tố, có tính làm bỏng da và có thể dùng để phòng trừ sâu bọ, chấy, rận.
Cây na trồng từ 4 - 5 năm mới cho quả, nên mới có thành ngữ “Trẻ trồng na, già trồng chuối”.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Tất cả các loại na đều có thể trồng được trên các loại đất, kể cả đất xấu; chịu được hạn, nhưng không chịu úng.
Cây na trồng với khoảng cách 5 - 7m; có thể thời gian đầu trồng dày, sau đó khi cho quả ổn định thì tỉa dần; thời gian 3 - 4 năm, cây cho quả, quả nhỏ hơn mãng cầu xiêm nhưng đậu quả nhiều, trung bình mỗi cây cho 50 quả một năm, cá biệt có cây cho cả trăm quả; thường quả không chín cùng một lúc trên cây. Trái mãng cầu có độ ngọt cao và dai hơn, vị chua nên không nhạt, lại có hương thơm của hoa hồng nên được nhiều người ưa chuộng, thời gian ra quả nhanh hơn, do đó nhanh thu hồi vốn đối với các nhà vườn.
Mãng cầu xiêm trồng với khoảng cách 3,5m; sau 2 năm cho quả, quả to hơn mãng cầu ta nhưng tỷ lệ đậu quả thấp, quả nhiều nước nhưng hàm lượng đường ít, chứa nhiều acid, giá trị calo cũng ít hơn mãng cầu ta.
1. Chuẩn bị đất trồng
- Chọn đất đồi dốc dưới 150, tầng đất đáy dưới 1m, tốt nhất là đất đá vôi, na ưa độ Ph trung tính; đất chua cần bón 30kg vôi bột/sào Bắc bộ/năm (1 sào Bắc bộ = 360m2).
- Hố trồng được chuẩn bị trước từ 2 đến 3 tháng: sâu 0,5m; rộng 0,5m, hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tròn.
- Mỗi hố bón 20 - 30 kg phân chuồng hoai mục + 0,2 kg supe lân được trộn đều với đất, ủ trước 2 - 3 tháng.
2. Thời vụ trồng
Vụ Xuân trồng từ tháng 2 đến tháng 4; vụ Thu trồng từ tháng 8 đến tháng 10; riêng na dai nên trồng với mật độ cao, mỗi cây chiếm diện tích 2 x 3 m. Cây trồng giữa hố đã được chuẩn bị trước (như trên); đặt bầu ngang với mặt đất (không trồng sâu gây nghẹt rễ làm cây sinh trưởng phát triển kém), tưới nước, ấn cho chặt đất, duy trì độ ẩm 70 - 80%.
3. Chăm sóc
3.1. Thời kỳ kiến thiết cơ bản
Trong 3 năm đầu cần bón nhiều đạm để cây sinh trưởng phát triển thân, lá tốt; bón NPK tỷ lệ 2:1:1; cứ 1 - 2 tháng bón một lần khi thời tiết mưa ẩm; mỗi cây bón 0,1 - 0,2 kg ure + 0,05 - 0,1kg kali + 0,2 - 0,5kg supe lân, cách gốc 30 - 50cm; phân chuồng bón 30 - 50kg, bón cách gốc 50 - 60cm vào hai hốc đối xứng.
Nhất thiết phải tưới đẫm nước khi vừa trồng, dù là cây ương trong bầu hay là cây đánh đi trồng cho đến khi cây xanh trở lại, phải tưới nếu nắng hạn. Sau này khi cây đã ra quả, tưới bổ sung khi trời nắng hạn kéo dài.
3.2. Thời kỳ kinh doanh: Bón làm 3 đợt trong năm:
- Đợt 1 bón vào khoảng tháng 2; tỷ lệ NPK là 1:1:1
- Đợt 2 bón vào tháng 6, tỷ lệ NPK là 1:1:2
- Đợt 3 sau khi thu hoạch quả tháng 9, tỷ lệ NPK là 2:1:1.
Lượng phân bón nhiều hay ít tuỳ vào cây lớn hay nhỏ; trung bình mỗi cây bón 0,5 - 1,0 kg ure; 0,5 - 1,0 kg kali; 2 - 4 kg sufe lân; 30 - 50 kg phân chuồng hoai mục/năm. Bón theo tán cây, bón thành 4 hốc đối xứng nhau, độ sâu lấp phân từ 3 - 5cm.
Để quả thêm ngọt, có thể bón thêm phân kali từ năm thứ ba trở đi; 0,5 kg cho mỗi cây và sau đó tăng lên chút ít mỗi năm.
- Phân vi lượng có thể phun lên lá, nên pha nhiều với nước, phun đều hai mặt lá; phun vào chiều mát, tránh phun lúc trời nắng gắt.
Vào mùa nắng, thường xuyên tưới nước cho cây; khi cây lớn tỉa bỏ bớt những cành già, cành nhỏ dài, cành cỗi.
*. Đốn trẻ: Na sau khi cho thu hoạch 3 vụ thì quả nhỏ dần, cây cao khó lấy quả; để có quả to, mập, cần đốn trẻ lại từ năm thứ 5 trở đi; sau đó cứ 3 năm đốn một lần; lần đốn đầu cách mặt đất 0,5m, những lần sau cách lần trước 0,2 - 0,3m.
Kích thích cây ra hoa, quả sớm: để có na bán vào tháng 7 (giá bán gấp ít nhất là 1,5 lần chính vụ) thì từ đầu tháng 11 năm nay tiến hành phun Ethell (theo chỉ dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất) lên lá, sau 10 - 15 ngày vặt hết lá xanh còn lại, cây sẽ ra hoa vào đầu tháng 4 năm sau.
Vũ Tỉnh