00:00 Số lượt truy cập: 2981763

Kỹ thuật trồng rau mồng tơi 

Được đăng : 15/04/2020

 

1. Đặc điểm cây rau mồng tơi

Cây thuộc dạng thân thảo, leo, có dây quấn. Lá mọc so le, phiến lá nguyên và mọng nước. Hoa xếp thành bông, quả bế, hình cầu hay hình trứng, dùng làn thức ăn bổ dưỡng và phổ biến.

- Rễ: hệ rễ chùm, ăn nông trên bề mặt đất, phát triển nhiều rễ thứ cấp.

- Thân:  Dạng dây leo mập và nhớt, thân nhẳn bóng có màu xanh hay tím. Cây mồng tơi mọc nhanh, dây có thể dài đến 10 m.

- Lá: Lá dày hình tim hoặc hình trứng, mọc xen, đơn, nguyên, có cuống, màu xanh, mọng nước.

- Hoa: Cụm hoa hình bông mọc ở kẽ lá, màu trắng hay tím đỏ nhạt.

- Quả: Quả mọng, nhỏ, hình cầu hoặc trứng, dài khoảng 5–6 mm, màu xanh, khi chín chuyển màu tím đen

2. Thời vụ trồng rau mồng tơi

Mồng tơi có thể trồng quanh năm, tốt nhất là đầu mùa mưa.

3. Đất trồng rau mồng tơi

- Mồng tơi là một loại cây tương đối dễ trồng, thích hợp trên nhiều chân đất khác nhau nhưng tốt nhất vẫn là đất nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Độ pH của đất khoảng 6,0 – 6,7;

- Làm đất, phơi ải 7 - 10 ngày trước khi trồng kết hợp bón vôi với liều lượng từ 0,5 – 1 tấn/ ha. Liếp: Rộng từ 1 – 1,2 m, mùa khô vét rãnh sâu 5 – 7 cm, mùa mưa lên liếp cao 20 – 25 cm;

- Có hệ thống thoát nước để có thể thoát nước mỗi khi có mưa to và kéo dài.

4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau mồng tơi

4.1. Làm đất:

- Làm đất, phơi ải 7 - 10 ngày trước khi trồng kết hợp bón vôi với liều lượng từ 0,5 – 1 tấn/ ha. Luống: Rộng từ 1 – 1,2 m, mùa khô vét rãnh sâu 5 – 7 cm, mùa mưa lên luống cao 20 – 25 cm;

- Có hệ thống thoát nước để có thể thoát nước mỗi khi có mưa to và kéo dài.

4.2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

- Có thể gieo thẳng theo hàng và tỉa bớt khi có 2 - 3 lá thật;

- Trên mặt luống dùng cuốc vun thành rãnh, mỗi rãnh cách nhau 20 - 25 cm, cây cách cây 20 cm;

- Gieo xong phủ 1 lớp đất mỏng 1 - 2 cm hoặc một lớp rơm rạ trên mặt luống để giữa ẩm.

- Bón phân: Tổng lượng phân bón cho 1 ha trồng rau mồng tơi như sau:

+ Phân chuồng hoai mục:                15 - 20 tấn

+ Đạm Urê:                                       120 kg

+ Super lân:                                       500kg

+ KCl:                                                100kg.

- Cách bón:

+ Bón lót: 100% phân chuồng hoai kết hợp 20 - 30 kg chế phẩm Trichoderma + 100% super lân ­+ 50% KCl + 25% urea

+ Bón thúc:

Lần 1 (10 ngày sau gieo): Bón 40% urea, kết hợp với tỉa cây;

Lần 2 (15-17 ngày sau gieo): Toàn bộ lượng phân còn lại.

Các lần bón thúc pha phân vào nước tưới. Tưới vào những ngày nắng ráo để hạn chế rửa trôi phân.

Ngoài ra có thể sử dụng một số loại phân bón lá như: Rong biển, đầu trau, Atonik để phun cho cây, định kỳ 7-10 ngày phun một lần, nên phun vào sáng sớm hoặc chiều muộn.

- Tưới nước và chăm sóc cây:       

+ Tưới nước: sử dụng nguồn nước sạch để tưới cho cây, sau khi trồng cây xong ngày tưới 2 lần, khi cây bật mầm ra lá thật 1-2 ngày tưới một lần.

+ Chăm sóc:

Để đảm bảo cho bộ rễ cây phát triển tốt cần tiến hành xới đất để đảm bảo độ tơi xốp và thoáng khí. Sau khi cây hồi xanh dùng cào nhỏ xới phá váng mặt đất, sau đó định kỳ 10-15 ngày kiểm tra nếu thấy đất bị gắn mặt hoặc quá chặt thì nên xới đất lại. Kết hợp với bón phân định kỳ cho cây.

5 . Phòng và trị sâu, bệnh hại

- Rệp muội

+ Triệu chứng: rệp chỉ sống trên những lá non và chúng thích cư trú ở mặt dưới lá. Rệp thường gây hại những lá non, làm cho các lá này bị quăn lại, nặng nó có thể làm biến dạng hoa sau này.

+ Phòng trừ: Sử dụng Karate 2,5 EC liều lượng 10 - 15 ml/bình 10lít, hoặc Supracide 40ND liều lượng 10 – 15 ml/bình 10 lít, Actara 25WG liều lượng 25-30g/ha...

- Sâu ăn lá (Sâu khoang, sâu tơ, sâu xanh)

- Triệu chứng: Gây hại trong thời kỳ cây sinh trưởng, lá bị sâu ăn chất lượng giảm, bị nặng mất thu hoạch.

- Phòng trừ: sử dụng Sherpa 25EC liều lượng 20-30ml/16L, Selecron 500EC liều lượng 30-40ml/bình 16L, Reasgant 3.6EC liều lượng 10ml/bình 16L

- Bệnh thối gốc, thối thân

+ Triệu chứng: cây sinh trưởng chậm lại và lá bị héo đột ngột. Gốc, thân bị nhiễm bệnh thì bị thối mềm và có màu nâu tối lan rộng lên phía trên ngọn. Những cây bị nhiễm lá trở nên vàng ở phần gốc.

+ Phòng trừ:Đảm bảo đất thoát nước tốt, duy trì nhiệt độ thấp nhất có thể trong những giai đoạn nóng của mùa vụ trồng.

Nhổ bỏ những cây bị bệnh nặng, luân canh với cây trồng khác (tốt nhất nên luân canh với lúa nước)

Sử dụng thuốc Alietle 800WG, Ridomil Gold  68WP để phun phòng trừ bệnh

- Bệnh đóm lá

            + Do nấm Cercospora sp.

+ Phát sinh và gây hại: Tồn tại trong tàn dư thực vật. Đất trồng liên tiếp nhiều vụ thường bị hại nặng.

+ Phòng trị:

Thu dọn tàn dư thực vật; Làm đất sớm, phơi ải;

Dùng thuốc: Vizincop 50BTN, Penncozeb 75DF …

6. Thu hoạch

Khi khi trồng 35-40 ngày có thể tiến hành thu hoạch, dùng dao sắc cắt cách gốc 5-10 cm. Sau khi thu hoạch lần thứ nhất thì bón thúc ngay. Sau đó cứ 12-15 ngày thu hoạch một lứa. Nên thu hoạch vào buổi sáng sớm, vì mồng tơi sau khi thu hoạch xong gặp nắng nóng dễ bị ôi, kém phẩm chất.

7. Bảo quản

Hàng sau khi sơ chế được đóng trong thùng có đục lỗ hoặc túi bảo quản có đục lỗ để đem đi tiêu thụ: Nêu vận chuyển đi xa sau khi bao gói xong cho thùng carton cho vào kho lạnh, rồi điều chỉnh kho ở nhiệt độ khoảng 6-80C, ẩm độ 85-90%, sau đó dùng xe lạnh để vận chuyển.

mong toi

Thạc sĩ: Ngô Văn Kỳ