00:00 Số lượt truy cập: 2981072

Kỹ thuật trồng rừng cây giổi bắc 

Được đăng : 17/10/2019

 

Giổi bắc là loài cây thân gỗ thường xanh có thể cao tới 35 m và đường kính tới 1m trở lên, gỗ mịn thớ thẳng, mặt gỗ bóng đẹp mắt, tỷ trọng 0,624, gỗ cứng, co rút sau hong khô ở mức trung bình, độ bền nấm mục trung bình khá, dễ hong khô, rạn nứt cong vênh ít, dễ gia công cắt gọt, được coi là gỗ tốt để đóng đồ mộc, mộc xây dựng, đóng tàu thuyền, toa xe lửa... Tán lá tròn, gọn, đẹp mắt, cây thẳng, hoa rất thơm nên thường được chọn làm cây cảnh đô thị và trồng trong công viên. Tại Quảng Tây, Trung Quốc, cây Giổi Bắc hỗn giao rất tốt với các loài cây lá rộng và lá kim khác đạt được hiệu quả tăng sản và tăng hiệu ích sinh thái rất khá. Ở Việt Nam tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai nếu thay rừng Mỡ, Bồ đề làm ván dăm, giấy hiệu quả kinh tế thấp bằng cây Giổi bắc cho gỗ lớn thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều.

 1. Gieo ươm cây con

Cây mầm, cây con thường ưa ấm áp, ẩm ướt. Vườn ươm nên chọn nơi thoát nước tốt, thấp thoáng có tàn che và thoáng gió; nên chọn đất thịt nhẹ hoặc cát pha, giàu dinh dưỡng và hữu cơ.

Gieo ươm tốt nhất là gieo ngay sau khi thu hái hạt, cũng có thể gieo vào tháng 1, hoặc đầu tháng 2. Nên gieo theo rạch, dãn cách rạch 18-20 cm, mật độ gieo khoảng 1kg trên 100 m2 mặt luống. Hạt nảy mầm sau 40-60 ngày. Chú ý tưới nước đủ ẩm, sau nảy mầm tiếp tục duy trì ẩm, tỉa san cây mầm và tưới thúc bằng phân.

Việc san tỉa cây con có thể làm 2 lần. Lần đầu trong tháng đầu tiên sau khi nảy mầm, tạo khoảng cách đều giữa các cây mầm trong rạch khoảng 5-7 cm. Lần sau cần làm xong trước trung tuần tháng 6, tạo dãn cách 7-8 cm.

Nơi nắng nóng nhiều, các tháng 4, 5 cần có dàn che bằng lưới, cắm ràng hoặc tạo cây che bóng bằng điền thanh, cốt khí...

Ngoài cách gieo theo rạch, có thể thúc mầm tập trung trên luống cát rồi cấy chuyển sang luống ươm. Cách này tốn công nhưng cây mọc khoẻ và đều. Cần thanh trùng luống cát bằng thuốc tím 0,1%, sau 24 giờ rửa thuốc tím bằng nước sạch rồi gieo với dãn cách 2 cm, theo dõi chống nấm lở cổ rễ. Khi lá mầm lớn hết kích thước thì ra ngôi sang bầu. Cây ươm trong bầu sau 100 ngày có thể đem trồng. Ra ngôi vào rạch như cách nói trên cần ươm thành cây 1 năm tuổi để trồng rễ trần.

Sau 1 năm, cây con có thể cao 85-100 cm, đường kính cổ rễ có thể đạt 0,8-1,0 cm và có thể xuất vườn.

Trước khi đánh trồng cần hãm cây tỉa lá, gặp khí hậu khắc nghiệt có thể trồng bằng gốc cây. Tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa phùn trước hoặc sau tết âm lịch vài chục ngày, không nên trồng quá muộn, trừ khi ươm cây trong bầu. Để bảo đảm tỷ lệ sống cao, trước khi đánh trồng nửa tháng cần cuốc xới mạnh để làm đứt rễ ở 1 phía. Đánh cây xong cần hồ rễ bằng dung dịch lục diệp tố pha loãng 600 - 800 lần hoặc bằng dung dịch IBA. NAA nồng độ 10 mg/lít.

 2. Trồng rừng

Việc làm đất nên thực hiện theo phương pháp “cải tạo rừng”: phát, đốt, cuốc toàn diện hoặc cuốc theo băng.

Trên các vùng cao hoặc vùng thấp mà đất ẩm, đất tốt, có thể trồng Giổi bắc thuần loại. Mật độ khoảng 1.650 cây/ha, dãn cách 3´2 m. Đến tuổi 10 - 15, tỉa thưa vài lần để duy trì khoảng 800 cây/ha, dãn cách 3´4 m; nuôi tới tuổi 25 - 30 để đạt đường kính gỗ lớn 30-35 cm. 

Có thể trồng Giổi bắc dưới tán rừng thưa của Thông mã vĩ, Sa mộc, Vối thuốc, Cáng lò... tạo thành rừng 2 tầng, nâng cao năng suất rừng, đồng thời tăng được hiệu ích sinh thái và lâm phần bền vững.

Có thể dùng Giổi bắc là cây làm giàu rừng theo rạch hoặc theo đám.

Trong rừng hỗn giao Giổi bắc với Thông mã vĩ, Cáng lò, Vối thuốc nhịp độ có thể tăng gấp đôi so với trồng thuần loại. Phương thức hỗn giao tốt nhất là không đều tuổi theo hàng, tầng rừng Thông ít nhất phải tạo sớm hơn 5 - 10 năm. Trừ cây Cáng lò có khả năng vươn cao rất mạnh có thể hỗn giao đều tuổi theo hàng, với các loài khác nếu hỗn giao đều tuổi với Giổi bắc thường phải hỗn giao theo đám 20´20 m hoặc theo băng (4-6 hàng). Trong trường hợp hỗn giao với Thông, cây Giổi bắc phát huy vai trò phòng chống cháy rừng, hạn chế sâu bệnh và cải thiện đất, nâng cao tác dụng nuôi dưỡng nguồn nước và chống xói mòn rất tốt.

Ngoài ra, khả năng tái sinh chồi của loài cây này rất mạnh, hoàn toàn có thể dùng phương pháp tái sinh chồi sau khai thác chính.

 Văn Hùng