00:00 Số lượt truy cập: 2983558

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi 

Được đăng : 08/02/2022

image3162513150073width600height450

Ảnh minh họa

        1. Chuẩn bị đất trồng

        Bưởi là cây ưa ẩm, nhưng không chịu được ngập úng; do vậy, việc bố trí, chọn đất trồng bưởi phải có vị trí cao, thoát nước nhanh; nơi đất bằng phẳng có thể là phải lên luống (liếp) hoặc đào rãnh thoát nước giữa hai hàng bưởi. Kích thước luống rộng 3 - 5m, chiều dài tuỳ theo kích thước vườn, nhưng không nên dài quá 30m. Quanh vườn nên đào mương rộng từ 1,5 - 2m, sâu 1 - 1,2m, khi đào mương chú ý không nên đưa lớp đất phèn (nếu có) lên mặt luống, nếu đất chua cần bón vôi để nâng độ pH = 5,5 - 6.

      Chú ý: Đặt cống để điều tiết nước trong mương, làm sao khoảng cách từ mặt luống xuống mặt nước khoảng từ 50 - 70cm; hàng năm, cần sửa sang luống bằng cách bồi một lớp mỏng bùn và mở rộng mép luống khi có thể.

       Kích thước hố trồng: Hố trồng đào theo kích thước 60 x 60 x 60cm; khoảng cách hố 5 x 5m.

        2. Trồng cây

        Trồng vào mùa Xuân và đầu mùa mưa, khi xuống giống nên tỉa bớt lá để hạn chế sự bốc hơi nước của cây; khi trồng, đặt cây xuống giữa hố, đặt bầu ngang mặt hố, lấp đất lại bằng mặt hố, cắm cọc giữ cây tránh gió làm lung lay. Nếu trồng bằng cây ghép, nên xoay mắt ghép về hướng gió chính trong năm để tránh hiện tượng tách chồi do gió; nếu trồng bằng cành chiết, nên đặt cành nghiêng so với mặt đất một góc khoảng 450 để giúp cây phân cành tốt. Bưởi rất cần nước trong thời kỳ cây con và thời kỳ cây ra hoa đậu quả, nhưng cây rất sợ bị ngập úng; do đó, cần phải chú ý tưới nước cho cây sau khi trồng và thoát nước cho cây trong mùa mưa lũ.

        Vào mùa nắng, khô hạn, cần phải tủ rơm rạ hoặc cỏ khô vào gốc để giữ ẩm; đồng thời, hạn chế cỏ dại, chú ý khi tủ phải chừa cách gốc khoảng 20cm để phòng tránh các loại nấm bệnh tấn công gốc.

       3. Bón phân

       - Trước khi trồng, bón lót 10kg phân chuồng, 0,5kg phân lân, 0,2kg vôi/1 hố.

       - Thời kỳ kiến thiết cơ bản: Lượng phân bón tuỳ thuộc vào tình trạng sinh trưởng, phát triển của cây; cụ thể, liều lượng bón trong một năm như sau:

       + Cây từ 1 - 3 năm tuổi, bón 1 - 3kg NPK (16:16:8), 0,5 - 1kg Super lân.

       + Cây từ 4 - 6 năm tuổi, bón 4 - 7kg NPK (16:16:8), 0,5 - 1kg Super lân.

       + Cây từ 7 - 9 năm tuổi, bón 8 - 15kg NPK (16:16:8), 0,5 - 1kg Super lân.

       Cách bón:

       + Cây từ 1 - 3 năm tuổi nên pha phân bón vào nước và được chia làm 3 - 5 đợt trong năm để tưới cho cây.

       + Cây từ năm thứ 4 trở đi, bón 4 lần/năm, bón theo tán cây, với lượng phân bón mỗi gốc:

Lần 1, sau khi thu hoạch quả, bón 10kg phân chuồng + 1/3 lượng phân NPK

Lần 2, trước khi ra hoa một tháng, bón 1/3 lượng phân NPK

Lần 3, sau khi đậu quả 1 tháng, bón nốt lượng phân NPK còn lại

Lần 4, trước khi thu hoạch quả 1 - 2 tháng, bón 1 - 2kg kali.

        Giai đoạn quả đang phát triển, lượng phân nên chia làm nhiều lần bón tuỳ theo mức độ đậu quả và sự phát triển của quả; hàng năm, nên bón bổ sung từ 0,5 - 1kg phân Ca(NO3)2/cây để cải thiện phẩm chất của quả.

       Để tạo ra sản phẩm hữu cơ đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu, các nhà vườn lưu ý: khi bón phân cho bưởi cần sử dụng nhiều phân hữu cơ hoặc sử dụng các loại phân sinh hoá hữu cơ như Komix bột chuyên dùng cho cây ăn quả với liều lượng 6 kg/cây/năm, chia làm 3 lần bón:

       Trước khi ra hoa bón 2 kg/cây, nuôi quả bón 2 kg/cây, Sau thu hoạch bón 2 kg/cây.

       Ngoài ra, trong thời gian quả đang phát triển thì nên phun phân bón lá Komix FT và Komix Superzinc-k khoảng 5 lần/vụ quả, mỗi lần cách nhau 10 ngày, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.

       4. Xử ký ra hoa

       Bưởi ra hoa vào thời gian khô hạn; vì vậy, ở các vườn quản lý được nước thì có thể tạo khô hạn để bưởi ra hoa đồng loạt.

      Tạo khô hạn vào tháng 12 đến tháng 1 năm sau (Dương lịch), thu hoạch vào Tết Trung thu (vụ nghịch khoảng tháng 7 - 8 Dương lịch), hoặc tạo khô hạn ở tháng 3 - 4 Dương lịch, thu hoạch vào Tết Nguyên đán (vụ thuận khoảng tháng 12 Dương lịch). Trong mùa mưa, dùng vải nilon phủ xung quanh gốc hoặc phủ kín cả luống tạo khô hạn để cho cây ra hoa.

       - Cách 1: Sau khi cây đã được bón phân lần 2, đến 15/3 Dương lịch (20 ngày) thì bắt đầu tưới trở lại, mỗi ngày 2 lần và tưới liên tục 3 ngày; đến ngày thứ 4, tưới mỗi ngày 1 lần; 7 đến 15 ngày sau khi tưới đợt đầu tiên, cây sẽ ra hoa (thời gian này ngày tưới ngày nghỉ) 10 đến 15 ngày sau khi cây trổ hoa sẽ rụng cánh và đậu quả.

        - Cách 2: Sau khi cây đã được bón phân lần 2, đến 15/3 Dương lịch, tưới đẫm nước, có thể bồi bùn một lớp mỏng 2 - 3cm. Sau 20 đến 25 ngày, nếu có bồi bùn thì chờ cho mặt bùn khô nứt nẻ tiến hành tưới trở lại giống như cách 1.

       5. Tỉa cành tạo tán

       - Tỉa cành: Hàng năm, sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những cành sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả, các cành đan chéo nhau; đồng thời, cũng cần loại bỏ những cành vượt trong thời kỳ đang mang quả, nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng và tránh sâu bệnh cho cây; chú ý, trong quá trình cắt cần phải khử trùng dụng cụ bằng nước Javel hoặc cồn 900 trước khi tỉa.

       - Tạo tán: Từ vị trí mắt ghép trở lên khoảng 50 - 80cm thì bấm bỏ ngọn, mục đích để các mầm ngủ và các mầm bên phát triển; chọn 3 mầm khoẻ, thẳng, mọc từ thân chính và phát triển theo 3 hướng tương đối đồng đều là cành cấp 1; dùng cọc tre cắm xuống đất để giữ cành cấp 1 tạo với thân chính 1 góc 35 - 400. Từ cành cấp 1 sẽ phát triển cành cấp 2 và chỉ giữ lại 2 - 3 cành; cành cấp 2 phải để cách thân chính 15 - 30cm và cành này cách cành kia 20 - 25cm. Từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3, cành này không hạn chế về số lượng và chiều dài, nhưng cần loại bỏ những chỗ cành mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 2 năm, cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.

       

Phạm  Nghiêu