00:00 Số lượt truy cập: 2983545

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Đào tiên 

Được đăng : 09/04/2022

caydaotien1

Cây đào tiên

 

        Cây Đào tiên hay còn gọi là cây Trường sinh, là dạng cây ăn quả, cây bóng mát, làm cảnh… hiện tại đã và đang được trồng nhiều ở các nước Nam Á, trong đó có Việt Nam;đặc biệt, cây còn là cây thuốc chữa được nhiều bệnh và là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao; Đào tiên được nhân giống bằng phương giâm cành hoặc chiết cành để sản phẩm nhận được là các cây giống mang gen của cây mẹ (được lựa chọn nhân giống từ các cây khoẻ mạnh và có sức sinh trưởng tốt).

        1. Chuẩn bị hố trồng

        Đào tiên trồng được trên nhiều loại chân đất khác nhau, loại đất thích hợp nhất là đất có độ thoát nước tốt, không ngập úng, tầng canh tác dày ít nhất 0,5m và có độ tơi xốp, hàm lượng hữu cơ cao,phải đảm bảo đủ dinh dưỡng.

        Hố trồng: Kích thước hố khoảng 60 x 60 x 60cm; hố trước khi trồng đào xong và được phơi khoảng 30 ngày, tùy vào độ dinh dưỡng có trong đất mà chúng ta có thể bổ sung thêm vào hố các loại phân bón lót như: phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ…

       2. Kỹ thuật trồng

       Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, chúng ta nên trồng vào mùa Xuân; Đào tiên trồng khá đơn giản, trước khi đặt bầu cây xuống hố, tháo bỏ hết các lớp nilon và các dây cuốn bên ngoài bầu cây; sau đó, đặt cây vào hố và lấp đất vào phần gốc đầy bằng mặt đất; khi trồng, cần dùng tay nén chặt đất xung quanh bầu, tạo ra một mặt lõm từ 3 - 5 cm vòng quanh gốc để tưới cho cây; tránh trường hợp nén đất quá mạnh sẽ làm vỡ bầu, ảnh hưởng tới bộ rễ của cây.

       Mật độ trồng: Tùy vào từng loại đất, đối với đất phù sa màu mỡ thì trồng hàng cách hàng, cây cách cây 7 m; đối với đất đồi núi đá sỏi thì mật độ trồng sẽ dày hơn: hàng cách hàng, cây cách cây 5 x 5m hoặc 6 x 6 m.

      Lưu ý:Khi trồng xong, cần cắt tỉa bớt phần lá, nhất là những cây có nhiều nhánh (để giảm bớt bốc hơi nước);đối với những cành chiết bạn cần giúp các đọt (mầm) bên mọc lên để tạo ra những tán đẹp.

      3. Chăm sóc

      Để cây Đào tiên ra hoa và kết được nhiều quả, cần có những cách chăm sóc phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây.

      Ánh sáng: Là cây ưa sáng, nên trước tiên phải trồng ở những nơi thoáng, không bị che bóng, thường xuyên dọn sạch cỏ ở khu vực gốc, phát quang các cây rậm xung quanh để cây nhận được nhiều ánh sáng nhất.

       Nước: Thời gian đầu mới trồng nhu cầu về nước, độ ẩm nhiều; do vậy, luôn phải tưới giữ cho cây có độ ẩm; tuy nhiên, không tưới quá nhiều nước để tránh tình trạng úng, có thể tưới 2 ngày hoặc 3 ngày/1 lần; sau đó, khi cây thích nghi tốt bắt đầu giảm lượng nước tưới cho cây.

       Bón phân: Đào Tiên sinh trưởng chậm, nên thời gian ra hoa và kết quả phải mất khoảng 3 đến 4 năm; mỗi năm cần phải bón đủ hàm lượng dinh dưỡng để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt; loại phân phù hợp nhất được áp dụng chính là phân chuồng hoai mục và khi cây được 4 đến 5 năm tuổi, có thể bón liền một lúc tới 40 - 50 kg phân chuồng hoai mục. Như vậy, khi thu hoạch trái sẽ cho năng suất cao với trọng lượng từ 1 - 1,5kg/quả; để cây luôn giữ được dáng đẹp cả thân và lá thì từ các năm thứ 3, thứ 4 nên bón thêm phân NPK để cây nhận được đủ chất dinh dưỡng.

       Cắt tỉa, tạo tán: Việc cắt tỉa giúp cây vừa có thế, dáng đẹp, lại vừa tránh được các bệnh từ các cành sâu, héo khô...

       4. Phòng trừ sâu bệnh hại

       Đào tiên là cây có khả năng kháng bệnh cao và ít bị sâu bệnh hại; tuy nhiên, vẫn có các trường hợp sâu bệnh hại diễn ra như: Thối gốc, chảy mủ… những loại bệnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho loài nấm Phythopthora spp phát triển;để phòng, trị những bệnh này bằng cách phun thuốc Aliette 2.5%, Ridomil 2%.

        Ngoài ra, cây Đào tiên cũng hay bị bệnh loét, sâu bò vẽ, bọ xít xanh, sâu đục thân, đục cành… cần phòng trừ bệnh ngay từ đầu; để đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật, có thể tự bắt sâu bằng móc sắt, hoặc phun những loại thuốc đặc trị, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. 

        5. Thu hoạch

       Đào tiên từ khi trồng đến thu hoạch lần đầu khoảng từ 3 đến 4 năm; quả có hình cầu hoặc hình trứng, trông giống như quả bưởi, lớp vỏ ngoài màu xanh, lúc non vỏ mỏng, già vỏ cứng dần; cơm bên trong quả có màu trắng, vị chua, hạt dẹp, nhỏ có màu trắng.

       Tuy là cây có trái to nhưng vì quả khó ăn nên người ta trồng Đào tiên trong vườn để làm cảnh lấy bóng mát, có người còn trồng cây trong chậu tạo thành dạng bonsai khá lạ mắt; đặc biệt, Đào tiên có tính thảo dược nên người ta trồng và dùng quả Đào tiên làm dược liệu để bồi bổ cơ thể và phòng, trị một số bệnh như: Nhuận trường (tràng), tẩy xổ hoặc làm mứt dẻo, trị chứng mất ngủ, ăn uống kém,… 

 

Phạm Nghiêu