Ảnh minh họa
Miền Bắc nước ta có các vùng trồng hoa hồng nổi tiếng như Mê Linh, Tây Tựu (Hà Nội), Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai … Ở các địa phương này hoa hồng là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân, đồng thời thu hút khách du lịch làm đẹp cho quê hương.
1. Đặc điểm chung của cây hoa hồng.
Cây hoa hồng thuộc loại rễ chùm, là nhóm cây thân gỗ, thấp, có nhiều cành và gai rong; Hoa nhiều màu sắc, thuộc loại lưỡng tính có nhị đực và nhị cái trên cùng một hoa.
Hoa hồng rất ưa ánh sáng, ánh sáng là nhân tố quan trọng cho sinh trưởng và ra hoa. Nhiệt độ thích hợp từ 18-250C, độ ẩm đất yêu cầu 60-70%, độ ẩm không khí 80-85%. Đất thích hợp là đất thịt hoặc thịt pha cát.
2. Thời vụ trồng.
Hồng thuộc cây lưu niên có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất trồng vào 2 vụ chính: Vụ xuân trồng tháng 2-4 thu hoạch tháng 9 và vụ thu trồng tháng 9-10 thu hoạch hoa từ Tết Nguyên đán.
3. Kỹ thuật trồng.
Làm đất: Đất thích hợp là đất thịt hoặc đất thịt pha cát, đất cao không ngập úng. Đất làm kỹ, sạch cỏ, nếu đất chặt cho thêm mùn rơm hoặt trấu hun; lên luống rộng 1,0 – 1,2m; cao 30cm; mặt luống rộng 70 – 80cm; rãnh luống rộng 30 – 40cm; có thời gian nắng 7-8 giờ 1 ngày.
Chọn cây giống: Có thể sử dụng cây giống nhân bằng phương pháp giâm cành hoặc cây ghép (cây ghép có ưu điểm nhanh phục hồi, phát triển mạnh nhưng dễ thoái hóa; cây giâm thời gian đầu chậm hơn cây ghép nhưng sản lượng hoa cao, lâu bị thoái hóa và dễ áp dụng các biện pháp canh tác khác). Cây giâm nên chọn cây có bộ rễ to khỏe, lá xanh, không sâu bệnh, nếu cây ghép thì mầm ghép phải đạt 20 cm đã có hoa và không sâu bệnh. Hiện nay có một số giống hoa hồng được trồng nhiều như hồng nhung, hồng đỏ Ý, hồng phấn, hồng Pháp, hồng quế, hồng xanh, vàng, …
Kỹ thuật trồng: Trồng vào lúc trời mát hướng mắt ghép về phía mặt trời, đặt bầu cây hồng ngập đất, tưới thật ẩm để đất chặt gốc, cắt tỉa tán lá để tránh thoát hơi nước, nên che đậy để tránh nắng, hanh khô. Mật độ đối với giống hồng phát triển mạnh (hồng nhung, hồng phấn) khoảng cách trồng 40cm x 50cm, mật độ 50.000 cây/ha. Với hồng phát triển yếu hơn như hồng sứ, hồng vàng khoảng cách 35cm x 40 cm, mật độ 70.000 cây/ha.
4. Chăm sóc.
- Tưới nước:
+ Tưới rãnh: bơm nước vào 2/3 các rãnh để 2-4 tiếng đồng hồ sau đó rút hết nước.
+ Tưới mặt: dùng vòi bơm hoặc gáo tưới vào mặt luống giữa hai hàng cây.
- Bón phân: Lượng phân tính cho 1 sào bắc bộ năm thứ nhất
+ Phân chuồng hoai mục 2 – 3 tấn, lân 100kg, kali 30kg, đạm 50kg.
+ Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng + 2/3 phân lân. Lượng phân còn lại chia đều cho các lần bón cứ 10 – 15 ngày bón 1 lần. Ngoài ra cần tưới thêm phân hữu cơ, ngâm khô dầu, phân bắc, đậu tương pha loãng với nước lã tưới vào gốc, luôn xới xáo gốc, cách gốc 10 – 20 cm cho phân vào rồi lấp đất lại.
- Tỉa cành, tỉa nụ: Hàng năm sau tháng 10 khi cây hồng rụng lá phải tiến hành tỉa cành lần thứ nhất, cành nhánh để lại có độ cao 15cm, cắt bỏ cành bệnh. Ngoài ra cần tỉa nụ hoa giúp cho cây hồng còn bé đủ cứng cáp để tập trung phát triển thân, rễ, lá.
5. Phòng trừ sâu bệnh.
Nên áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM). Các loại sâu hại chính như nhện đỏ, rệp, sâu xanh, sâu khoang, bọ trĩ có thể dùng tay để bắt hoặc sử dụng thuốc pegsus 500sc, ovtus 5sc, supaside 40nd, … các bệnh thường gặp là bệnh phấn trắng, đốm đen, gỉ sắt, … có thể phòng trừ bằng cách phun thuốc score 250nd, anvil 5sc, ridomil 68wp, daconil 500wp …
Quốc Khánh