00:00 Số lượt truy cập: 2988490

Lâm Đồng chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 

Được đăng : 14/04/2022

nongnghiepld 

Các mô hình ứng dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

 

Xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là hạt nhân để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1394/QĐ-UBND ngày 01/6/2021 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại, Để đẩy mạnh kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,  các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng vùng; hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trực tiếp thực hiện 02 mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp IoT trong sản xuất và quản lý chất lượng cây ăn trái tại huyện Đạ Huoai; mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Đà Lạt; xây dựng tiêu chí tạm thời về sản xuất nông nghiệp CNC và hướng dẫn thủ tục xác nhận hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đạt tiêu chí CNC.   

Diện tích ứng dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí mới đạt 63.108 ha (tăng 2.880 ha so với 2020), gồm: 25.910,2 ha rau; 2.062,5 ha hoa; 4.934 ha chè; cà phê 22.031 ha; lúa chất lượng cao 4.425 ha; cây ăn quả 3.226 ha; dược liệu 134 ha; nấm 5,2 ha; vườn ươm 381,1 ha. Lĩnh vực công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao được đa dạng hóa từ công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, kết hợp châm phân tự động; công nghệ sinh học, công nghệ tự động gắn với nông nghiệp thông minh:

Sử dụng nhà kính, nhà lưới: Toàn tỉnh hiện có 4.476,2 ha diện tích nhà kính (tăng 133 ha so với năm 2020); phần lớn diện tích nhà kính chủ yếu được sử dụng để sản xuất hoa với 2.435,5 ha (chiếm 54,4%), sản xuất rau 1.818,1 ha (chiếm 41,7%) và nhà kính sử dụng trồng cây khác 222,6 ha (chiếm 3,9%). Diện tích nhà lướicó 2.697,1ha (tăng 238,5 ha so với 2020) chủ yếu được sử dụng trong sản xuất rau và một số diện tích ứng dụng trong sản xuất hoa, vườn ươm cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm.

Ứng dụng công nghệ IoT trong canh tác cây trồng: toàn tỉnh có 376,6 ha diện tích cây trồng ứng dụng nông nghiệp thông minh (tăng 141,5 ha so với năm 2020); trong đó: 173,8 ha rau; 187,2 ha hoa; 5,5 ha dâu tây và 10 ha chè chất lượng cao. Chi cục Trồng trọt và BVTV đã triển khai 02 mô hình ứng dụng công nghệ IoT trong quản lý chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau công nghệ cao tại Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương với chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ: Bộ RATA IoT-3G/4G; cảm biến vi khí hậu; chậu giám sát độ ẩm; lượng nước thoát, EC nước thoát cho giá thể; hạ tầng kỹ thuật tưới (van điện tử, cáp tín hiệu, các cảm biến đo mực nước,...); phần mềm quản lý trang trại thông minh. Công nghệ IoT giúp cây trồng sinh trưởng tối ưu, phát triển tốt cho năng suất và chất lượng cao; giảm thiểu 10-20% lượng thuốc BVTV, phân bón trong canh tác cây trồng; giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó: 12 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt với quy mô 534,2 ha, sản xuất rau, hoa cao cấp, dâu tây, phúc bồn tử, nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và 01 doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa là Chi nhánh Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam – Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt, diện tích 150 ha và quy mô 2.800 con bò sữa. Có 05 vùng được công nhận đạt tiêu chí vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 593 ha, 13.850 con bò sữa, cụ thể: Vùng sản xuất hoa Phường 12, Đà Lạt, quy mô 150 ha; Vùng sản xuất hoa Phường 5, Đà Lạt, quy mô 158 ha; Vùng sản xuất rau xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, quy mô 118 ha; Vùng sản xuất rau xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, quy mô 167 ha; Vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao xã Tu Tra và xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương với quy mô 13.850 con.

 Kết quả thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thông minh từ ngân sách nhà nước phân bổ theo Quyết định số 1394/QĐ-UBND ngày 01/6/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng

Ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung: hỗ trợ xây dựng 02 mô hình ứng dụng công nghệ đồng bộ công nghệ thông minh năm 2021 trên cây ăn trái 06 ha tại Đạ Huoai (100% KH); thực hiện 03 mô hình ứng dụng công nghệ IoT: tại thành phố Đà Lạt 01 mô hình/3,4 ha áp dụng cho cây dâu tây, ớt chuông; 01 mô hình tại huyện Đơn Dương/0,3 ha ớt ngọt và 01 mô hình Đức Trọng/04 ha cà chua, ớt ngọt, dưa leo (đạt 100% KH).

UBND tỉnh ban hành tạm thời tiêu chí mới về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành hướng dẫn thủ tục xác nhậnhợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đạt tiêu chí CNC (Năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xác nhận HTX Sunfood Đà Lạt đạt tiêu chí CNC trong sản xuất rau).

          Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 10 quy trình sản xuất cây trồng luân canh trên đất trồng lúa kém hiệu quả (hoa lay ơn, xà lách, hành lá, dưa hấu, ngô, khoai lang) và trồng xen với cây công nghiệp (hồ tiêu, mít, bưởi và chôm chôm) trong vườn cà phê vối (100%KH) và đã chuyển giao các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Định hướng thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh năm 2022 và những năm tiếp theo.

Phát triển diện tích nông nghiệp CNC theo hướng hiện đại, đa chức năng, bền vững và có chất lượng tốt với quy mô 64.810 ha trong năm 2021; trong đó: 26.110 ha rau; 2.408 ha hoa; 5.060 ha chè; cà phê 22.750 ha; lúa CLC 4.430 ha; 3.520 ha cây ăn quả; dược liệu 145 ha; nấm 06 ha và vườn ươm sản xuất giống cây trồng công nghệ cao 387 ha. Hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình IoT vào sản xuất nông nghiệp nhằm mở rộng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ thông minh là 450 ha. Nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 200 triệu đồng/ha; trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 450 triệu đồng/ha.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ caogắn với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất hàng hóa trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước để xây dựng kế hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kêu gọi các nhà đầu tư vào các Khu, vùng sản xuất NNCNC. Tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, ưu tiên đầu tư nâng cấp những công trình có nhu cầu bức thiết phục vụ sản xuất (giao thông, thủy lợi, điện), tăng cường công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng đối với các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Xây dựng, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách trong hỗ trợ đầu tư NNCNC, nông nghiệp thông minh.

Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện đề tài, dự án “Nông nghiệp công nghệ cao thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo và robot cho thực phẩm an toàn” phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến nông sản nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại trên địa bàn tỉnh;thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến lĩnh vực công nghệ điều khiển tự động trong sản xuất, chăn nuôi và xử lý bảo quản sau thu hoạch; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thương mại điện tử. Tiếp tục phát huy và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với chính quyền tỉnh Đông Flanders - Bỉ; Tổ chức JICA - Nhật Bản.

Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức nước ngoài có công nghệ, trình độ sản xuất hiện đại.

Nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực gắn với chỉ dẫn địa lý (Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành; Cà phê Di Linh, Trà Blao, Lúa gạo Cát Tiên, ….)  thực hiện tốt việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng; thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ Blochain với các sản phẩm có nguy sơ cao về làm giả nhãn hiệu nông sản Lâm Đồng như khoai tây, cà rốt, hành tây;….Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sử dụng tem truy suất trước khi đưa sản phẩm đi tiêu thụ. Đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân quảng bá tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.

Tăng cường công tác thông tin, kết nối cung cầu với các tỉnh, các hiệp hội, doanh nghiệp (giữa các vùng sản xuất, và với các thị trường tiêu thụ lớn) trong đó chú trọng việc tìm kiếm thị trường mới phù hợp với bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để mở rộng tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Xây dựng dữ liệu và cấp mã số vùng trồng cho các nông sản chủ lực của tỉnh Lâm Đồng giúp các doanh nghiệp, HTX tiếp cận và mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản.

                                                                                          

                    Vân Anh