00:00 Số lượt truy cập: 3040128

Lâm Đồng phát triển thương mại điện tử tập trung vào các sản phẩm nông sản 

Được đăng : 12/10/2023
Tính đến thời điểm hiện tại, theo xếp hạng của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Lâm Đồng xếp hạng 13/58 tỉnh về chỉ số phát triển thương mại điện tử, tăng 7 bậc so với năm 2022. Với chỉ số này, Lâm Đồng vẫn thuộc nhóm phát triển thương mại điện tử ở mức trung bình của cả nước và đứng đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Dù chưa có sự phát triển vượt bậc như kỳ vọng, tuy nhiên, việc hàng hóa của Lâm Đồng, đặc biệt là các sản phẩm nông sản đặc trưng được đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã giúp cho nông sản của Lâm Đồng có nhiều cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

pa1234567 

Hoạt động chào bán nông sản Lâm Đồng trên sàn Tiktok

Theo báo cáo của Trung tâm đào tạo và nghiên cứu thương mại điện tử (Alima), từ 01/6/2022 đến 01/6/2023, doanh số bán hàng nông sản của Việt Nam đạt khoảng 4,6 tỷ đồng với hơn 49.000 sản phẩm đã bán ra, trong đó Shopee chiếm đến 95,2% tổng doanh số và 90,5% về sản lượng, tiếp theo là Lazada và Tiki. Đối với mặt hàng nông sản, phân khúc khách hàng thường mua chủ yếu ở mức giá 100.000 - 200.000 đồng. Mặc dù  doanh số bán lẻ trực tuyến của các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng trên các kênh TMĐT khá cao, nhưng đối với ngành hàng nông sản - là một trong những ngành hàng thế mạnh của tỉnh thì lại tương đối thấp.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 214 sản phẩm OCOP của 123 chủ thể. Trong đó, có 9 sản phẩm 5 sao (2 sản phẩm đã được công nhận, 7 sản phẩm đã trình Trung ương xét duyệt); 94 sản phẩm 4 sao; 111 sản phẩm 3 sao. Phần lớn các sản phẩm được công nhận đều là những mặt hàng nông sản qua chế biến và đã có thương hiệu, chỗ đứng thị trường nhất định. Nhằm định hướng phát triển, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản của tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, từ cuối tháng 12/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng đã vận hành trang thông tin TMĐT nongsandalatlamdong.vn, chuyên trang thương mại về nông sản đầu tiên của tỉnh nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đưa các sản phẩm nông sản an toàn sản xuất theo chuỗi liên kết lên chợ TMĐT để giới thiệu, quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cho người dân và các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sơ chế, chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng đến đông đảo người tiêu dùng toàn quốc, hướng đến xuất khẩu ra thị trường các nước. Từng bước thiết lập, kết nối xã hội hóa mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất các đơn hàng cho chợ thương mại điện tử. Hiện nay, trang TMĐT đã cập nhật toàn bộ thông tin 214 sản phẩm của 123 chủ thể OCOP và thông tin 1.149 mặt hàng nông sản của 350 doanh nghiệp/HTX kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, trang thông tin TMĐT này còn cung cấp các thông tin liên quan đến lĩnh vực quản lý chất lượng như: chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc…

Hiện tại, sàn TMĐT Postmart tính đến hết tháng 6/2023 đã đưa 65 sản phẩm đạt chuẩn OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên của tỉnh Lâm Đồng được tạo gian hàng trên sàn, tổng số nông sản của tỉnh lên sàn này đạt 2.569 sản phẩm, tạo tài khoản/gian hàng cho 50.766 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 5.906 tài khoản người bán trên sàn TMĐT có tài khoản thanh toán điện tử. Ngoài ra, các trang TMĐT lớn của toàn quốc như Tiktok, Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… cũng đã và đang mở rộng không gian cho nhiều gian hàng bán mặt hàng nông sản, kết nối và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Lâm Đồng nói riêng và toàn quốc nói chung.

Theo kế hoạch, Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có 250 sản phẩm OCOP (230 sản phẩm cấp tỉnh và 20 sản phẩm cấp quốc gia). Củng cố và nâng cấp ít nhất 50 sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn. Hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP Lâm Đồng đạt hạng 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn; voso.vn và trang thương mại điện tử nông sản tỉnh Lâm Đồng; phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm giới thiệu trưng bày và bán sản phẩm OCOP.

Để đạt được mục tiêu phát triển thương mại điện tử cho nông sản trên địa bàn tỉnh, nhiều chủ trương đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra, trong đó có thể kể đến như: Kế hoạch số 1392/KH-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng về phát triển thương mại điện tử tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 7495/KH-UBND hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng … Cùng hàng loạt các giải pháp từ xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó hỗ trợ ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; Phát triển nền tảng TMĐT thông qua chuỗi giá trị. Các nhà sản xuất lớn, nhà phân phối vừa và nhỏ, nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, công ty TMĐT cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng; Tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển TMĐT, phát triển TMĐT trở thành hình thức thương mại chủ đạo; Tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, đầu tư cho công nghệ thông tin để bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người tiêu dùng tham gia giao dịch TMĐT; Triển khai các chương trình TMĐT hóa nông thôn, đào tạo kỹ năng kinh doanh TMĐT cho người dân nông thôn; Phối hợp với các nền tảng TMĐT để tạo ra các gian hàng và hỗ trợ người dân nông thôn đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT; Xây dựng nền tảng trực tuyến cho các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường; Phối hợp với các trang/sàn TMĐT tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản của tỉnh. Kịp thời xử lý các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng nói riêng và thương hiệu nông sản Đà Lạt  - Lâm Đồng nói chung…

 Quốc Khánh