Đặc sản quýt vàng Bắc Sơn
Lạng Sơn không chỉ nổi danh với “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa. Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh” mà còn nổi danh với một loại quýt ngon nhất trong số các loại quýt ở Việt Nam – quýt vàng Bắc Sơn. Đây là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, mang tính hàng hóa cao và đem lại nguồn thu nhập khá cho người nông dân. Gắn bó với cây quýt vàng, ông Đặng Văn Lương, thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng nhận thấy bản phải có trách nhiệm giữ gìn, nhân rộng và phát triển giống cây quý này. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông đã nghiên cứu, mày mò áp dụng quy trình trồng quýt theo tiêu chuẩn Vietgap, đạt năng suất chất lượng cao.
Theo kinh nghiệm của các cụ ngày xưa, giống quýt này chỉ có trồng trong khe núi ở độ cao 400 - 500m thì cây mới phát triển và cho quả mỗi năm. Nhưng ông đã quyết định trồng thử trên đất ở bìa rừng, vẫn là đất rừng nhưng phải thuận lợi cho vận chuyển và chăm sóc. Năm 2000 với diện tích đất gia đình có, vợ chồng ông bắt tay vào di chuyển quýt từ rừng về gần nhà trồng.
Thu nhập từ 500 gốc quýt ban đầu, ông dành dụm trả ngân hàng và tái đầu tư, mở rộng diện tích. Đến nay, diện tích cây ăn quả tăng lên 2,5 ha với 900 cây quýt, 100 cây bưởi Diễn, 150 cây cam Vinh. Đỉnh điểm nhất gia đình ông thu được 30 tấn/vụ, khách hàng chủ yếu là thương lái quen hàng năm trong tỉnh cũng như các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội….Hiện tại gia đình ông đang bán 30.000/kg đối với những quả to đều và đẹp mã, còn những quả kích thước nhỏ hơn thì giá dao động từ 20.000 - 25.000/kg. Trung bình một vụ quýt gia đình ông thu 400 triệu/vụ/năm.
Sản xuất theo quy trình VietGAP không chỉ năng suất, chất lượng quả tăng mà giá trị quả quýt mang lại cho gia đình ông cũng tăng đáng kể. Toàn bộ vườn nhà ông đều được bón bằng phân chuồng, rác mùn và một số loại phân hữu cơ nên vườn quýt của gia đình lúc nào lá cũng xanh mướt. Ông thường xuyên thăm vườn, cắt tỉa cành thông thoáng, phát hiện sớm những biểu hiện của sâu bệnh để có cách chữa trị phù hợp. Để cây phát triển tốt, ông Lương sử dụng phân bón hợp lý, kết hợp phân vi sinh với phân chuồng. Khi cây cho quả rộ, ông làm hệ thống giàn đỡ để cành không bị gãy. Được chăm bón đúng cách, quýt có vị ngọt đậm, được người tiêu dùng ưu chuộng.
Ngoài ra, ông còn nuôi trâu bán chăn thả và lợn. Theo ông Lương, nuôi trâu tuy vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng dễ chăm sóc, cho thu nhập khá cao.. Ông tận dụng gần 1 mẫu đất trồng cỏ voi để luôn có nguồn thức ăn ổn định cho trâu. Với lợn, ông nuôi lợn nái lấy giống và nuôi 30 – 50 con/lứa, mỗi năm xuất chuồng hơn chục tấn lợn hơi. Để cải thiện bữa ăn gia đình, vừa có thêm thu nhập, ông thả gà thả dưới vườn cây làm hạn chế cỏ mọc và cung cấp phân cho cây. Nhờ vậy mỗi năm gia đình ông cũng có thêm 20 - 30 triệu từ chăn nuôi gà thả vườn. Từ mô hình phát triển kinh tế, gia đình ông thu lãi khoảng gẩn nửa tỷ đồng/năm.
Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Lương còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở thôn, xã nên được người dân tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ. Gia gia đình ông hàng năm tạo việc làm ổn định cho 28 lao động; giúp đỡ trên 10 hộ nghèo, hộ khó khăn về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất. Ông thường xuyên tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, hàng năm hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho trên 35 lao động.
Ông là người cần cù, chịu khó, sản xuất kinh doanh giỏi và luôn nhiệt tình, có trách nhiệm với các phong trào, hoạt động ở cơ sở nên luôn được nhân dân tin tưởng, yêu quý. Với mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và ổn định, ông Lương liên tục đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông cũng được bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018.
.Phúc Nguyên