Ông Chung chia sẻ, trước đây ông học nghề mộc, khi có nguồn vốn vay, ông đầu tư phát triển xưởng sản xuất đồ mộc ngay tại nhà. Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với nghề mộc, các sản phẩm do xưởng của ông sản xuất đã có chỗ đứng trên thị trường nhờ chất lượng chắc, bền, đẹp. Mặc dù các sản phẩm đồ gỗ được sản xuất công nghiệp có kiểu dáng và mẫu mã phong phú hơn nhưng khách hàng trong và ngoài tỉnh vẫn tin tưởng đặt mua hàng của gia đình ông.
Không dừng lại ở đó, ông luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình. Nghề mộc đưa lại thu nhập ổn định nhưng chỉ đủ ăn. Từ đó ông Chung đã tự tìm tòi, nghiên cứu các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình ông được vay vốn của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân để phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Có lúc, đàn lợn của gia đình ông lên đến trăm con và khoảng 4.000 con gà/đợt nuôi. Do khu vực chăn nuôi nằm sâu trong núi nên gia đình ông tận dụng được nguồn thức ăn từ tự nhiên và nguồn nước sạch giúp cho vật nuôi sinh trưởng nhanh và khỏe mạnh, đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông ít bị dịch bệnh.
Ông Chung còn tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có từ các chất thải của gia súc, gia cầm để bón cho cây trồng. Loại phân này cung cấp dinh dưỡng, chất mùn hữu cơ nên tạo độ phì nhiều cho đất, qua đó giúp tăng sản lượng cây trồng và tăng lợi nhuận vừa thân thiện với môi trường và không gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Trước đây, gia đình ông trồng khoảng 2ha cây dược liệu ba kích và kim tiền thảo, nhưng khi nghiên cứu nhu cầu của thị trường cũng như thổ nhưỡng nơi đây, gia đình ông đã chuyển sang trồng cây riềng. Giống riềng được gia đình ông lựa chọn là riềng vàng, được người tiêu dùng khá ưa chuộng.
Để phát triển cây trồng hiệu quả, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt do Hội Nông dân xã tổ chức để áp dụng vào thực tế. Nhờ được chăm sóc tốt, có kỹ thuật, cây trồng phù hợp chất đất nên cây giềng đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Vợ chồng ông chia sẻ, vào thời điểm đầu năm, cây riềng được xuống giống và đến cuối năm thì thu hoạch. Trồng riềng không tốn công chăm sóc, lại được thương lái đến tận nhà thu mua, không lo đầu ra nên không chỉ gia đình bà, mà nhiều hộ dân nơi đây cũng chuyển đổi diện tích cây hoa màu kém hiệu quả sang trồng riềng.
Hiện, diện tích trồng riềng của gia đình ông Chung lên đến 5 sào. Ông tính toán, với giá riềng dao động 7.000 - 15.000 đồng/kg tùy từng thời điểm thì 1 sào riềng cũng cho thu nhập 20 - 30 triệu đồng (tính giá thấp nhất). Do loại cây này khá “dễ tính” nên gia đình ông còn tận dụng diện tích đất trồng dưới tán cây na, cây nhãn để trồng riềng. Ông đã tận dụng thân cây riềng để làm phân bón, đất vườn thêm tơi xốp, màu mỡ, giảm được một phần chi phí mua phân bón vừa góp phần làm sạch môi trường. Nhờ nguồn thu nhập, gia đình ông đã có của ăn của để, xây được nhà khang trang, mua sắm đầy đủ vật dụng, tiện nghi sinh hoạt.
Việc phát triển mô hình kinh tế tổng hợp đã giúp gia đình ông thoát nghèo và mang lại lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, gia đình ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ tại địa phương với mức thù lao 300.000 - 500.000 đồng/ngày.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Văn Chung còn là hội viên nòng cốt tích cực tham gia các hoạt động của Hội, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động của địa phương, đoàn thể. Mô hình kinh tế tổng hợp khá đa dạng, mang lại hiệu quả cao đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, trở thành một trong những hộ điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương. Từ mô hình kinh tế này, xã Đạo Trù đang có chủ trương nhân rộng trên địa bàn nhằm giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.
Bình Nguyên