Cây quýt Bắc Sơn có hương vị thơm ngon, đậm chất núi rừng biên giới. Đây là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, mang tính hàng hóa cao và đem lại nguồn thu nhập khá cho người nông dân. Ông Đặng Văn Lương và người có công trong việc giữ gìn, nhân rộng và phát triển giống cây quý này.Đầu tiên ông quyết định trồng thử trên đất ở bìa rừng, vẫn là đất rừng nhưng phải thuận lợi cho vận chuyển và chăm sóc. Năm 2000 với diện tích đất gia đình có, vợ chồng ông bắt tay vào di chuyển quýt từ rừng về gần nhà trồng. Được chăm bón cẩn thận cộng với đất đai, khí hậu phù hợp, thu nhập từ 500 gốc quýt ban đầu, ông dành dụm trả ngân hàng và tái đầu tư, mở rộng diện tích. Đến nay, diện tích cây ăn quả tăng lên 2,5 ha với 900 cây quýt, 100 cây bưởi Diễn, 150 cây cam Vinh. Trung bình một vụ quýt gia đình ông thu 400 triệu/vụ/năm.
Sản xuất theo quy trình VietGAP không chỉ năng suất, chất lượng quả tăng mà giá trị quả quýt mang lại cho gia đình ông cũng tăng đáng kể. Toàn bộ vườn nhà ông đều được bón bằng phân chuồng, rác mùn và một số loại phân hữu cơ nên vườn quýt của gia đình lúc nào lá cũng xanh mướt. Ông thường xuyên thăm vườn, cắt tỉa cành thông thoáng, phát hiện sớm những biểu hiện của sâu bệnh để có cách chữa trị phù hợp. Để cây phát triển tốt, ông Lương sử dụng phân bón hợp lý, kết hợp phân vi sinh với phân chuồng. Khi cây cho quả rộ, ông làm hệ thống giàn đỡ để cành không bị gãy. Được chăm bón đúng cách, quýt có vị ngọt đậm, được người tiêu dùng ưu chuộng.
Ngoài ra, ông còn nuôi trâu bán chăn thả và lợn và gà thả dưới vườn cây làm hạn chế cỏ mọc và cung cấp phân cho cây. Ông tận dụng gần 1 mẫu đất trồng cỏ voi để luôn có nguồn thức ăn ổn định cho trâu. Nhờ vậy mỗi năm gia đình ông cũng có thêm 20 - 30 triệu từ chăn nuôi gà thả vườn. Từ mô hình phát triển kinh tế, gia đình ông thu lãi khoảng gẩn nửa tỷ đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, năm 2017, ông Lương còn vận động bà con liên kết thành lập nên Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Hồng do ông làm giám đốc. Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, xong ngay từ đầu HTX đã xác định sản xuất theo hướng sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng nhanh các tiến bộ KHKH vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. HTX đã thực hiện quy hoạch, tạo vùng sản xuất tập trung, phát triển được trên 17ha cây Quýt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tạo sản phẩm sạch đảm bảo chất lượng cung cấp ra thị trường. Nhờ quản lý tốt nhãn hiệu tập thể mà đến nay, người tiêu dùng đã chủ động lựa chọn sản phẩm có đầy đủ tem, nhãn, tem truy xuất nguồn gốc. Giá thành cũng được nâng lên, nếu trước đây, giá quýt dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg thì nay tăng lên 30.000 đến 50.000 đồng/kg.
Bên cạnh việc tập chung sản xuất Quýt theo tiêu chuẩn VietGap, tận dụng từ nguồn cỏ sẵn có, HTX còn chăn nuôi trâu bò vỗ béo, trung bình mỗi hộ gia đình hội viên từ 3 đến 5 con. Nhờ đó, mà tổng doanh thu của HTX mỗi năm đạt trên 1,5 tỷ đồng.
Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Lương còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở thôn, xã nên được người dân tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ. Gia gia đình ông hàng năm tạo việc làm ổn định cho 28 lao động; giúp đỡ trên 10 hộ nghèo, hộ khó khăn về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất. Ông thường xuyên tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, hàng năm hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho trên 35 lao động.
Với mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và ổn định, nhiều năm liền gia đình ông được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông cũng vinh dự được bình chọn là Nông dân dân Việt Nam xuất sắc.
Bình Nguyên