00:00 Số lượt truy cập: 2987221

Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương 

Được đăng : 21/03/2023
Về với làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chúng tôi như lạc giữa cánh đồng ngập tràn hoa và cây cảnh, đua nhau khoe hương, khoe sắc. Hiện có đến 80% số hộ dân trong xã Phù Đổng theo nghề trồng hoaa, cây cảnh với thu nhập ổn định. Đặt chân đến làng, hỏi thăm ông Nguyễn Bá Ngơi thì cả làng từ già trẻ, gái trai đều rõ. Họ gọi ông với cái tên thân mật “bác Ngơi” bởi lẽ ông tiên phong mang nghề về cho Phù Đổng, giúp cho hàng nghìn hộ dân của xã Phù Đổng thoát nghèo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp; được nhân dân trong xã tôn vinh là hộ sản xuất có mô hình kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng xã Phù Đổng vững mạnh, đoàn kết.

bac-ngoi-1 

 

 Sau ngày hòa bình lập lại, anh bộ đội cụ Hồ Nguyễn Bá Ngơi trở về quê hương với bao khát vọng, hoài bão. Ông tâm sự: “Những năm 1980-1990, tôi phải bươn chải mưu sinh nhiều nghề vì cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Nhìn thấy các cụ cao niên có thú chơi cây cảnh lâu năm ở làng, tôi cứ thế bị thu hút và say mê với nghề”. Thế rồi cơ duyên đến, năm 1991, ông khởi nghiệp bằng việc bán 100 kg thóc được 90.000 đồng, ông mua một cành hoa sứ, hai củ vạn tuế nhỏ và hai cây trúc trúc Phật Bà để làm giống. Để lấy ngắn nuôi dài, có thêm điều kiện để theo đuổi đam mê, ông vừa làm ruộng lấy lương thực và chăn nuôi vừa đi theo các tiền bối tập làm cây thế, bonsai và phát triển thêm nhiều loại hoa, cây ươm… giá rẻ phục vụ nhu cầu xã hội với mục đích thu hồi vốn nhanh để đầu tư cho những cây thế lạ, giá trị cao. Ông động viên vợ con cùng tham gia cải tạo 1.000 m2 vườn tạp để đầu tư làm cây cảnh. Lúc đầu chưa có kiến thức và kinh nghiệm về sinh vật cảnh nên ông chỉ dám nhân ươm các loại cây cảnh ngắn ngày cho thu nhập nhanh như sứ, thiết mộc lan, hoa giấy…

Để nâng cao tay nghề, ông không quản ngại khó khăn, vất lặn lội vào Nam ra Bắc, đến các làng hoa nổi tiếng để học hỏi kinh nghiệm đồng thời mua nhiều tài liệu sách báo, nghệ thuật bonsai để tự nghiên cứu. Từ chỗ chỉ biết giâm, chiết các loại cây cảnh có giá trị thấp dùng để trang trí nội thất, ông đã đa dạng hóa theo xu hướng vừa sản xuất cây trang trí nội thất vừa uốn tỉa nghệ thuật bonsai trên diện tích 3.000 m² vườn trong làng và ngoài đồng của gia đình. Nhờ đó việc sản xuất của gia đình ông ngày càng phát đạt, thu nhập của gia đình ông tăng dần từng năm.

Đến năm 2006 gia đình ông thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Xanh chuyên sản xuất kinh doanh dịch vụ hoa, cây cảnh, hạt động ngày một vững mạnh. Đến nay, ông đã xây dựng được một mạng lưới đại lý ở hầu hết khắp các tỉnh, thành. Cũng bởi giỏi nghề luôn đặt chữ tín lên hàng đầu ông được nhiều đại sứ quán nước ngoài như Mỹ, Hy Lạp và nhiều cơ quan, doanh nghiệp ký hợp đồng trang trí cây sinh vật cảnh, nội - ngoại thất.

Đến năm 2009, ông được bầu khi giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làm vườn sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng. Đến năm 2014, làng nghề mới được công nhận là làng nghề truyền thống tiêu biểu và được gọi là "Hiệp hội làng nghề làm vườn - sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng”. Những ngày mới thành lập Hội chỉ có 12 hội viên trồng hoa, cây cảnh, làm vườn với quy mô nhỏ lẻ. Để mọi người tin tưởng vào mình, ông tận dụng hết diện tích đất vườn sẵn có của gia đình, đến khi có số lượng lớn mới vận động người dân mở ra nhiều vườn ươm khác nhằm đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, Hiệp hội làng nghề làm vườn - sinh vật cảnh và trang trại Phù Đổng có 150 hội viên các hộ của xã Phù Đổng, sinh hoạt ở 5 chi hội, thu hút 80% số hộ của xã Phù Đổng. Năm 2010, Hội có trụ sở tiện nghi với 1.500m2 vườn trưng bày giới thiệu sản phẩm. 

Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình và cộng đồng, cùng với Hội làm vườn-sinh vật cảnh Phù Đổng, ông Ngơi đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ, khôi phục nghề địa phương, giúp người dân Phù Đổng chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang phát triển làng nghề trồng hoa cây cảnh, sinh vật và trang trại. Công ty Phù Đổng Xanh của ông còn là cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giúp đỡ, vận động hội viên nông dân, hỗ trợ tiền vốn, cây giống, kỹ thuật phát triển sản xuất làm kinh tế vườn. Công ty đã tạo việc làm cho nhiều lao động có mức lương từ 4 đến 6 triệu đồng một tháng với quy mô trên diện tích 5.000 m2sản xuất kinh doanh các loại cây cảnh cây giống cây bóng mát cây để phục vụ trang trí các công trình tổng thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí cũng đạt 500 triệu đồng.

Phát huy vai trò của người cán bộ chi hội trưởng Hội Nông dân ông đã chủ động tìm các nguồn hỗ trợ hội viên phát triển nghề như: vay vốn từ ngân hàng, mua phân bón theo phương thức trả chậm, tư vấn, lập các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt từ khi thành lập công ty Phù ĐổngXanh  và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Làm vườn - sinh vật cảnh của xã, ông Ngơi càng có điều kiện thuận lợi giúp hội viên và chủ vườn nâng cao kiến thức làm vườn nghệ thuật, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tạm việc làm thêm thu nhập ổn định cho hơn 30 lao động trong đó có 7 hộ nghèo. Ông Nguyễn Bá Ngơi Ngơi chính là tấm gương nông dân tiêu biểu trong thời đại mới, sống không chỉ cho riêng mình mà còn không ngừng cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương Phù Đổng ngày càng tươi đẹp hơn.

Thùy Dung