00:00 Số lượt truy cập: 2940886

Làm giàu cho rừng và làm giàu từ rừng 

Được đăng : 20/11/2023
Sau 25 năm lập nghiệp trên vùng đất Quảng Sơn cằn cỗi, nghèo khó, từ một hộ nghèo của xã, bằng nghị lực và sự đam mê học hỏi, gia đình ông Trần Bá Báu ở xã, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã vươn lên phát triển kinh tế từ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, giúp cho hàng chục hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

minh-chau11111111111111

Ông Trần Bá Báu hướng dẫn miễn phí về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gỗ lớn bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” cho các hội viên nông dân

 

Năm 1998, ông từ Thái Bình ra ra xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà -  Quảng Ninh) để lập nghiệp theo lời kêu gọi từ chương trình trồng rừng 661 của Chính phủ.Những năm đầu đặt chân tới xã miền núi nghèo, nằm trong chương trình 135 của Chính phủ, đời sống hai vợ chồng ông cũng giống như bà con các dân tộc thiểu số nơi đây vô cùng khó khăn, trình độ dân trí còn lạc hậu, đời sống kinh tế vẫn mang nặng tính tự cấp, tự túc, tập quán canh tác du canh, du cư, cái ăn còn chưa đủ huống chi là học cái chữ.... Người dân Quảng Sơn chủ yếu kiếm ăn hàng ngày bằng nghề trồng chè, hái chè thuê, kiếm củi trên rừng để bán cho Nhà máy chè Đường Hoa. Cuộc sống quá vất vả, có lúc ông muốn quay về quê.

Ông luôn băn khoăn, trăn trở làm sao cho gia đình mình, đồng bào mình thoát khỏi đói nghèo, ổn định đời sống lâu dài, làm thế nào để hết cái đói đeo bám, Ông khi đó chỉ thông thuộc cây rau, cây lúa, chưa quen leo rừng, nhổ búp. Ông nghĩ hái chè, kiếm củi chỉ là mưu sinh trước mắt, trồng rừng mới là kế sinh nhai lâu dài. Đúng lúc đó được quan tâm của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương và các cấp quan tâm, vợ chồng ông vừa đi cày mướn, làm thuê, vừa khai hoang đất đai. Bắt đầu với việc trồng rừng là cây keo và bạch đàn xen canh cây sắn, gừng... để lấy ngắn nuôi dài, đến năm 2003, ông đã khai phá và mua thêm đất, với tổng diện tích 3ha và tích cóp được 20 triệu đồng tiền mặt.

Thực hiện mục tiêu chung của tỉnh, của huyện, Quảng Sơn đẩy mạnh chương trình trồng rừng sản xuất, từ năm 2000, người dân trong xã bắt đầu nhận thấy giá trị, đầu tư cho rừng. Mô hình trồng rừng của ông Báu trở thành mô hình mẫu, được nhiều người đến học hỏi. Nắm bắt xu thế này, ông Báu xây dựng vườn giống cây lâm nghiệp, vừa để phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình, vừa cung ứng dịch vụ cây giống cho các hộ trồng rừng. Từ quy mô nhỏ hẹp với chỉ một số giống cây rừng thông dụng, năm 2007 ông thành lập doanh nghiệp do ông trực tiếp làm Giám đốc với 6 thành viên, chuyên ươm cây giống với đa dạng chủng loại cây chè, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây đô thị, cây cảnh…để phục vụ bà con nhân dân trên địa bàn. Doanh nghiệp là địa chỉ uy tín cung ứng giống cây lim, dổi xanh, chè, quế, hồi,… cho người dân trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.

Để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng quy mô, ông đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt xu hướng và mục tiêu phát triển rừng bền vững, làm giàu rừng bằng các loại cây bản địa, gỗ lớn, đa dụng, đa mục đích, giá trị lớn, ông tìm tòi học hỏi kiến thức chuyên môn về lâm nghiệp nhất là về trồng rừng và nhân giống cây rừng. ông tự học thông qua kinh nghiệm thực tế trồng rừng trên diện tích đất của gia đình, tham gia các khóa tập huấn kiến thức do Hội Nông dân xã, huyện, tỉnh tổ chức; ông đã vận dụng tốt kiến thức để phát triển mô hình sản xuất của gia đình, mở rộng nhân giống cây rừng… đặc biệt là đối với cây dổi nếp, cây dổi ghép. Doanh nghiệp đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh như mua sắm các máy móc thiết bị: Máy tưới nước tự động để tưới vườn ươm, máy sàng đất, gieo cấy cây giống...

Nhờ có sự quan tâm của Đảng, chính quyền và Hội Nông dân các cấp, cùng với điều kiện thuận lợi về đất đai, với nỗ lực vượt khó, doanh nghiệp và gia đình ông đã mạnh dạn khai hoang đồi trọc và trồng được gần 70 ha cây dổi, lim, keo, bạch đàn,.... bên cạnh cây lâu năm ông còn trồng xen cây hàng năm như: cây ăn quả hồng xiêm, cây mít thái, thanh long, chuối, cỏ voi… để lấy thức ăn chăn nuôi. Ông còn xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi với diện tích 200m2; ao cá là 1.200mt; Thu nhập bình quân hằng năm từ 2 - 3 tỷ đồng (sau khi trừ chi phí còn 1,2 tỷ đồng), góp phần giải quyết 17 lao động ở địa phương có việc làm thường xuyên và 22 lao động thời vụ.

Hằng năm gia đình ông thường xuyên giúp đỡ 10 hộ nghèo, cận nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn và trẻ mồ côi, thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ cung cấp cây giống, cho vay vốn tính lãi để giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững góp phần vào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Với nhiều thành tích nổi bật, ông Báu đã được nhận nhiều Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Hải Hà.

Minh Châu