Giám đốc Hợp tác xã Mường Kim Vàng Văn Sưởng
Sinh ra và lớn lên như bao chàng trai người dân tộc thiểu số nơi vùng quê miền biên ải cuộc sống đầy khó khăn gian khổ. Gia đình truyền thống bao đời gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy. Ngoài việc phụ giúp làm công việc đồng áng, những khi nông nhàn anh Sưởng cùng với cánh thanh niên trong thôn, bản đi làm thuê làm mướn để tăng thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Từ những năm 2010, phong trào trồng và khai thác cây dược liệu phát triển khá rầm rộ ở địa phương đem lại thu nhập cao hơn cho người dân nơi đây so với trồng lúa, làm nương rẫy. Cùng thời điểm đó, dự án “Nâng cao năng lực tự chủ về sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số” của Oxfam I-ta-li-a (tên gọi trước đây là UCODEP), được triển khai tại xã Mường Vi và Rèng Thàn, trong đó có nội dung “Bảo tồn và phát triển cây thuốc cổ truyền”. Gia đình anh Sưởng được chọn làm thí điểm. Cán bộ của dự án đã giúp anh dựng vườn thuốc nam và chọn cây gừng tía để thử nghiệm chiết xuất tinh dầu. Ban đầu, anh Sưởng chiết xuất tinh dầu ở quy mô hộ gia đình với nồi đun bằng củi 50 cân/mẻ. Anh chia sẻ: “Tôi không còn nhớ được bao nhiêu mẻ tinh dầu thất bại. Từ năm 2011, mỗi năm tôi thử nghiệm 4 đến 5 lần”.
Năm 2012, anh Sưởng đứng ra thành lập công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bản địa Mường Vi. Nhận được đơn đặt hàng từ một công ty bên Thái Lan thông qua Công ty CP Dược khoa Hà Nội, anh Sưởng và các thành viên trong công ty rất phấn khởi và yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan từ phía đối tác khiến công ty không thể tiêu thụ được các đơn hàng, thời điểm đó công ty chỉ hoạt động cầm chừng rồi phải giải thể năm 2014.
Không nản trước thất bại nặng nề, với ý chí quyết tâm ngã ở đâu đứng dậy tại đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và kinh doanh, cuối năm 2016, anh Sưởng thành lập HTX Mường Kim do anh làm chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc.
Gần 10 năm vừà làm vừa học hỏi, vừa nghiên cứu chế tạo, anh đã cho ra quy trình chiết xuất được nhiều nhất lượng tinh dầu, đồng thời xoay sở tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình. Cho đến nay, HTX Mường Kim đã có nồi chưng cất tinh dầu đốt bằng điện 3 pha, công suất 3 tạ/mẻ.
Hiện anh Sưởng có 1 nhà xưởng lắp đặt dây chuyền sản xuất tinh dầu dược liệu, 3 nhà kho để nguyên liệu và sản phẩm tinh dầu các loại, tổng diện tích lên đến hơn 2000m2. Dây chuyền chưng cất tinh dầu dược liệu của anh Sưởng gồm có: 1 nồi cô hở, 1 nồi chiết và 1 nồi cô đặc. Mới đây anh Sưởng chuyển từ nồi nấu bằng điện sang hệ thống lò hơi.
Anh Sưởng cho biết “Tùy từng loại dược liệu mà thời gian chưng cất tinh dầu khác nhau. Với củ gừng tía thì thời gian chưng cất khoảng 6 tiếng/mẻ, còn với các loại là thì thời gian chưng cất ngắn hơn, khoảng 4 tiếng/mẻ. Tinh dầu dược liệu được sản xuất theo mùa. Từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau thì chưng cất tinh dầu gừng tía. Còn từ tháng 4 đến tháng 9, thì chưng cất tinh dầu từ lá, quả màng tang…”. Mỗi năm, anh Sưởng sản xuất được khoảng 600 lít tinh dầu dược liệu các loại. Bán ra thị trường với giá dao động từ 500.000 – 3000.000 đồng/lít, anh Sưởng thu hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài sản phẩm tinh dầu cung cấp ra thị trường, anh Sưởng còn kinh doanh lá thuốc tắm cổ truyền của người Dao đỏ. Bài thuốc tắm cổ truyền của người Dao đỏ bằng cây dược liệu có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, nhất là với bà bầu, phụ nữ sau sinh. Sử dụng lá thuốc tắm của người Dao đỏ giúp lưu thông khí huyết, giảm stress, giải cảm và đỡ đau nhức xương khớp. Có khoảng 12 loại lá thuốc tắm. Tùy theo đối tượng và mục đích sử dụng mà cách phối trộn các vị thuốc tắm khác nhau. Anh đặt và thu mua của người dân thu hái từ rừng về và xử lý, đóng gói, sau đó bán ra thị trường. Mỗi năm, anh Sưởng thu hơn 1 tỷ đồng từ bán khoảng 4 tấn lá thuốc tắm khô ra thị trường.
Với doanh thu hơn 2 tỷ đồng từ sản xuất tinh dầu dược liệu và kinh doanh lá thuốc tắm, anh Vàng Văn Sưởng (SN 1985) ở Lào Cai đã được bình chọn là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Mai Loan