Anh Dục khởi nghiệp nuôi lươn từ năm 2021. Với nguồn vốn đầu tư chưa tới 150 triệu đồng, anh xây dựng hơn 20 bể nuôi lươn, mỗi bể có diện tích 10 m2 . Các bể nuôi được lót gạch men trơn để lươn không bị xước da, có lắp đặt hệ thống bơm nước và thoát nước để bảo đảm thuận tiện trong khâu vệ sinh, sau đó anh mua con giống về thả. Trước đó, người nông dân này đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về mô hình nuôi lươn cả trong sách vở lẫn ngoài thực tế. Kết quả những vụ nuôi đầu vượt ngoài mong đợi nên anh Dục xác định, đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp với trình độ sản xuất của gia đình và nhu cầu của thị trường. Để mô hình phát triển bền vững, anh Dục tiếp tục đi học tập kinh nghiệm ở nhiều thành phố cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Anh còn dự định đầu một ao chứa nước thải từ nuôi lươn để nuôi cá trê nhằm xử lý nước thải từ các bể nuôi lươn.
Tháng 4 năm 2023, anh được chính quyền xã Hòa Mỹ Tây hỗ trợ kinh phí để đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), theo chương trình nông thôn mới nâng cao. Anh Dục quyết định mua máy móc, tự học thêm công nghệ để hoàn thiện sản phẩm. Anh cho biết công đoạn sơ chế, chế biến lươn yêu cầu rất cẩn thận. Đầu tiên ngâm lươn vào nước muối khoảng 3 - 4 phút, sau đó tẩy hết nhớt, làm sạch, đóng gói hút chân không và cuối cùng dán nhãn mác, gắn mã QR và tem OCOP.
Sản phẩm lươn sơ chế, đóng gói của anh Dục mang thương hiệu lươn vàng Khánh Thy Bàu Hương được UBND huyện Tây Hòa chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh quan tâm, ưa chuộng. Một số quán ăn trên địa bàn huyện Tây Hòa, thành phố Tuy Hòa và khách hàng ở các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An duy trì đặt hàng theo định kỳ với số lượng ngày càng nhiều. Với giá bán sau khi đóng gói dao động từ 150.000 đồng - 160.000 đồng/kg, anh Dục tính toán lợi nhuận đem lại đạt từ 15.000 đồng - 16.000 đồng/kg.
Theo anh Dục, mỗi đợt khách đặt hàng bình quân khoảng từ 100 kg - 150 kg lươn đã qua sơ chế đóng gói. Tuy nhiên, do lươn thương phẩm của gia đình có hạn nên không đủ khả năng cung ứng cho khách hàng. Vì vậy, anh thường xuyên phải mua thêm lươn thương phẩm của bà con tại địa phương để chế biến. Thời gian tới, anh dự kiến tiếp tục mở rộng diện tích nuôi lươn thương phẩm để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây cho biết: Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Đắc Dục là mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả kinh tế cao. Với sự quyết tâm và linh hoạt trong sản xuất, anh Dục đã từng bước đổi mới, phát triển mô hình sản xuất lươn thương phẩm thành chuỗi sản xuất khép kín (từ nuôi, chế biến đến đóng gói, tiêu thụ) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây còn là mô hình điểm để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu để bà con đến tham quan, học tập và nhân rộng mô hình.
Kiều Anh