Trồng na trái vụ là công việc đòi hỏi tính quan sát và kỹ thuật cao. Nhưng bằng ý chí, nghị lực, sự đam mê tận tụy với công việc cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật một cách bài bản mà anh Nguyễn Đình Quý, hội viên nông dân thôn 4, xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình không những thành công với mô hình trồng na mà còn vươn lên là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, kinh tế gia đình chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp. Ban đầu gia đình anh trồng các loại cây như sắn, ngô nhưng không cho hiệu quả kinh tế cao. Để vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình, anh Quý đã bàn với vợ vất vả cải tạo diện tích 1,5 ha đất đồi để trồng Na mà buổi sơ khai nơi đây chỉ là mảnh đất hoang xen lẫn đất đá, không thể trồng cấy được bất kỳ loại cây gì.
Đất không phụ lòng người. Những năm đầu trồng thử nghiệm giống Na trên mảnh đất khô cằn đã cho hiệu quả kinh tế khác xa so với các giống cây trồng trước kia. Sau 3 năm triển khai xây dựng mô hình anh Quý nhận thấy nếu để cây hoa tự thụ phấn hoàn toàn tự nhiên thì một năm chỉ thu nhập được 1 vụ hiệu quả kinh tế chưa cao nên bản thân anh đã tự học hỏi kinh nghiệm trên mạng và những hộ gia đình xung quanh biện pháp thụ phấn nhân tạo cho Na kết quả thấy diện tích Na được thụ phấn nhân tạo cho quả to tròn đều hơn là thụ phấn tự nhiên. Tìm được hướng đi đúng đắn nên không chỉ dừng lại ở đó sau khi thu hoạch hết diện tích Na chính vụ, sang đầu tháng 9 hàng năm anh đã áp dụng thụ phấn nhân tạo cho na trái vụ điều bất ngờ chất lượng ra trái vụ không khác gì mà giá thành lại cao hơn vì thế hiệu quả kinh tế thu nhập được từ diện tích Na cũng từ đó được nhân lên gấp đôi. Kinh tế gia đình anh được cải thiện rõ rệt.
Với bản chất người nông dân cần cù chịu khó, ngoài diện tích trồng na gia đình anh trồng thêm 5.000 m2 đất trồng dứa, 2.000 m2 trồng táo, 2000 m2 trồng mít, 2000 m2 trồng bưởi xen lẫn hồng xiêm. Tận dụng hết diện tích đất sẵn có anh trồng thêm 1 hecta cỏ voi làm thức ăn cho 50 con dê và 7 con bò sinh sản. Năm 2015, gia đình anh trang bị thêm một máy cày giúp giảm sức lực lượng lao động và còn giúp đỡ hỗ trợ những hộ gia đình khác trong thôn.
Hiện nay, anh Quý đang giúp đỡ 4 hộ khó khăn và 9 hộ gia đình khác của thôn về chuyển giao khoa học kỹ thuật thụ phấn na trái vụ và cung ứng trên 12 tấn na, 4 tấn táo, trên 20 tấn dứa, 1 tấn các loại trái cây khác, hơn 1 tấn dê thịt và trên 20 con dê giống, 1 tấn bò thịt. Nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi mà kinh tế hộ gia đình phát triển từ hộ trung bình lên khá giả. Mỗi năm doanh thu của gia đình ông đạt trên 1 tỷ đồng.
Lê Bích