00:00 Số lượt truy cập: 2987365

Làm giàu từ nghề truyền thống. 

Được đăng : 02/05/2023
“Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, câu tục ngữ của ông cha bao đời nay ám chỉ công việc việc trồng dâu nuôi tằm còn sớm hôm vất vả hơn rất nhiều so với nghề làm ruộng. Nhưng với anh Nguyễn Duy Dũng, hội viên chi Hội Nông dân thôn Thượng Hộ Trung, xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thì lại lựa chọn nghề khó nhọc này để làm giàu.

 

c70525875e3f91905ecbb2dc1f350447

Anh Nguyễn Duy Dũng vẫn luôn tâm huyết với nghề nuôi tằm truyền thống 

Không như nhiều thanh niên khác tìm đủ mọi cách thoát ly, anh Dũng quyết tâm bám đất bám làng bằng việc duy trì và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, đây là nghề truyền thống của ông cha để lại.

Ban đầu, từ việc phụ giúp bố mẹ duy trì mấy sào ruộng dâu tằm ít ỏi của gia đình, rồi anh lập gia đình được bố mẹ cho ra ở riêng. Anh nhận thấy, nếu cứ theo nếp cũ, trồng bằng đấy dâu, nuôi bằng đấy tằm thì cũng chỉ là đủ ăn, nhọc nhằn vẫn là nhọc nhằn, vất vả vẫn là vất vả, cần phải làm gì đó để có thu nhập năm sau cao hơn năm trước, mới có thể thoát nghèo và làm giàu được. Được sự đồng lòng của vợ, sự ủng hộ của gia đình và người thân, anh mạnh dạn vay thêm vốn để thuê thêm đất sản xuất, tìm mua giống tằm năng suất cao về nuôi. Anh Dũng cho biết: nghề trồng dâu, nuôi tằm đòi hỏi sự chăm chút chu đáo của người nuôi, được ví như nhà nuôi “con mọn” nên chỉ gia đình nào thường xuyên có lao động ở nhà mới làm được nghề này. Trong đó, chăm tằm đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ, kỹ thuật cao để quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm tơ, kén, hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm. Mỗi lứa tằm cho thu lãi 5 - 6 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí, bình quân khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm.

Không như nghề làm ruộng 1 nắng 2 sương, một năm 2 vụ lúa, người nông dân vất vả trên đồng ruộng, nghề nuôi tằm có cái nhọc nhằn rất riêng, rất khác biệt; Vụ tằm thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch, vòng đời của con tằm ngắn, chỉ khoảng 20-21 ngày nên mỗi vụ thường nuôi được 8-10 lứa tằm. Vòng đời của con tằm từ khi trứng nở đến lúc chín thành kén trải qua 4 giấc ngủ. Con tằm cứ ăn liên tục 3 ngày đêm thì ngủ một ngày đêm trong 3 giấc ngủ đầu. Đến giấc ngủ cuối cùng, tằm ăn liên tục trong khoảng 6 -7 ngày rồi chín thành kén. Theo kinh nghiệm của người nuôi, để tằm nhả tơ, đóng kén đều thì thường phải đảm bảo hai giờ cho tằm ăn một lần sau khi đã hết các thời kỳ ngủ và phải ăn đúng giờ, nên người nuôi phải canh, theo dõi con tằm rất kỹ, bởi thế nên phải “ăn đứng”  nghĩa là vừa ăn vừa canh nong tằm. Đây là thời gian bận rộn, nhọc nhằn nhất đối với các hộ chăn tằm. Một khâu không kém phần quan trọng đó là khi tằm chín vàng, được bắt lên né đóng kén phải thật nhanh tay để giữ “sức khỏe” cho tằm, tránh khỏi cay mắt. Ngoài ra, khâu cuối cùng để có sản phẩm đạt chất lượng là khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải “hong nắng” và “sấy” sao cho kén khô, thơm, để khi ươm kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng. Trồng dâu, nuôi tằm là sự gắn kết hài hòa, không thể tách rời, tằm chỉ ăn lá dâu và chỉ loại lá ấy mới giúp tằm nhả sợi tơ vàng óng, mềm mại, mát rượi. Riêng cây dâu cho thu hoạch ổn định từ 15-20 năm liên tục, nếu chăm sóc tốt có thể đạt đến 30 năm mới phải trồng lại. Hàng năm, sau khi thu hoạch lứa tằm cuối, cây dâu được chặt sát gốc, chăm bón bằng các loại phân đạm, phân chuồng để qua Tết bắt đầu nảy mầm, cho lá. Lá dâu phải sạch, không được trồng gần ruộng ớt hay cây trồng khác mà có hơi mùi hoặc bị nhiễm các loại hóa chất bảo vệ thực vật là lá dâu ấy không đảm bảo chất lượng tằm ăn phải sẽ hỏng. Hiện nay, ngoài loại kén vàng truyền thống, gia đình anh Dũng còn nuôi thêm loại tằm cho kén trắng với giống nhập từ Trung Quốc. Một vòng tằm kén vàng cho khoảng 12-15kg kén; tằm kén trắng năng suất cao hơn, thường đạt từ 15-20kg. Anh Dũng tâm sự: Phải trải qua nhiều khó khăn anh mới có cuộc sống như ngày nay, anh rất hiểu giá trị của lao động, bản thân anh phải siêng năng chịu khó, học hỏi, đồng thời trong quá trình sản xuất phải tích lũy kinh nghiệm và áp dụng cái mới, cái hay mang lại năng suất, chất lượng cao. 

Không chỉ dừng lại ở việc chỉ trồng dâu và nuôi tằm của gia đình, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, mỗi tháng anh còn đứng ra thu mua hơn1 tấn kén cho bà con nuôi tằm trong xã. Hiện nay trong toàn xã có khoảng 80 hộ sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích hơn 30ha.

Thực hiện tốt chủ chương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia đầy đủ các phong trào do chính quyền, các đoàn thể, đặc biệt là Hội nông dân các cấp phát động, với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ các hộ khó khăn trong sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Nhân dân trong thôn tín n hiệm bầu anh làm trưởng thôn từ năm 2018 đến nay. Năm 2020 anh Nguyễn Duy Dũng đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh.

Ánh Dương