(Ảnh minh họa)
Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, năm 1977 ông phải bỏ học khi còn đang học phổ thông đi làm thuê làm mướn để giúp đỡ gia đình đang còn rất nhiều khó khăn về kinh tế. Lấy vợ, được cha mẹ cho ra ở riêng năm 1983, tài sản được cha mẹ cho là 1.500m2 đất vườn và 5.000m2 đất ruộng. Ở thời điểm đó thì diện tích đất vườn và ruộng trên chưa phải là nhiều, điều cơ bản là phải làm sao cho đủ ăn, con cái được đủ mặc, được đến trường khi mà gia đình ông có tới 06 nhân khẩu.
Bước đầu, ông mạnh dạn chặt phá cây tạp chuyển 1500 m2 vườn tạp sang trồng cây ăn trái, và xây dựng 100m2 chuồng trại để chăn nuôi heo nái, heo thịt và canh tác 5.000m2 đất ruộng mà cha mẹ đã cho. Nhưng thu nhập từ vườn cây ăn trái, từ nuôi heo và trồng lúa chẳng đáng là bao vì chi phí đầu vào quá cao, năng xuất chăn nuôi và trồng trọt chưa cao, mất mùa, rớt giá, dịch bệnh… luôn luôn là nguy cơ tiềm ẩn.
Được Hội Nông dân xã Phú Cường xét chọn tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng lúa, chăn nuôi heo, được tham quan nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả trong và ngoài huyện. Đồng thời, được một trạm Bảo vệ thực vật, trạm Khuyến nông chọn làm điển hình trình diễn: Nuôi heo an toàn sinh học, trồng lúa theo mô hình “Một phải, năm giảm”. Bản thân ông cũng đã tự tích lũy nhiều kinh nghiệm trong thực tế trồng trọt và chăn nuôi, áp dụng vào mô hình của gia đình mình.
Trong sản xuất lúa, ông rút ra kinh nghiệm: chọn giống có năng suất cao, kháng được sâu bệnh, thích nghi với vùng đất ở địa phương, xuống giống đúng lịch gieo sạ. Mặt ruộng bằng phẳng, chọn giống xác nhận để gieo sạ, sạ thưa, sạ hàng với mật độ giống vừa phải là 120kg giống/ha, bón phân cân đối đạm - lân - ka li, không bón thừa phân đạm ở giai đoạn cuối, quản lý sâu bệnh tốt, không phun thuốc trừ sâu ở giai đoạn lúa trước 40 ngày sau sạ để bảo toàn thiên địch tron chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “một phải, năm giảm”. Từ đó, giảm giá thành sản xuất, đem lại lợi nhuận cao
Với chăn nuôi việc chọn giống tốt được ông ưu tiên hang đầu, xây dựng chuồng trại đúng quy cách, thoáng mát, phải tiêm phòng Vacxin định kỳ đầy đủ, phun xịt thuốc sát trùng chuồng trại thường xuyên, xây dựng hầm Biogas để bảo vệ môi trường, lấy gas làm chất đốt sinh hoạt cho gia đình. Chính vì vậy, năm 2019 bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra trên địa bàn nhưng gia đình ông không bị ảnh hưởng. Khi qua mùa dịch, giá heo hơi rất cao. Ông bán được nhiều lứa heo con và heo thịt lợi nhuận từ 1,2 triệu đến 3 triệu đồng/con.
Nhờ cần cù, siêng năng, chịu khó, tiết kiệm, tích lũy hàng năm, lấy ngăn nuôi dài, áp dụng kỹ thuật, ứng dụng khoa học vào sản xuất nên gia đình ông đã dần có của ăn của để. Ông xây được căn nhà ở kiên cố khang trang, sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, mua thêm 19.000 m2 đất ruộng, và điều phấn khởi với ông là đã nuôi 04 người con ăn học ra trường có việc làm ổn định. Tính đến thời điểm này diện tích của gia đình ông có 1.500m2 đất vườn và 24.000m2 đất ruộng. Trung bình mỗi năm gia đình ông đã thu nhập từ 150 triệu đến 180 triệu đồng.
Hằng năm, ông hỗ trợ giúp đỡ hội viên nông dân và hội viên nông dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn từ 15 hộ đến 25 hộ về vốn, kỹ thuật; giúp 10 hộ đến 20 hộ thoát nghèo, ổn định có mức thu nhập cao. Tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội hoàn thành các nghĩa vụ ủng hộ các “Quỹ hỗ trợ nông dân”, quỹ “Vì người nghèo, giúp đỡ tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách khó khăn đóng góp xây dựng công trình phúc lợi tại địa phương khoảng 100 triệu đồng/năm.
Nhiều năm liền nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”, bản thân ông cùng gia đình đã thực hiện gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước và hoàn thành các nghĩa vụ ở địa phương cùng phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều năm liền đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, huyện, tỉnh. Năm 2007 – 2019 ông được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều bằng khen; 1 bằng khen của Thủtướng Chính phủ.
(Ánh Dương)