Măng tây giòn, ngọt, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nên được mệnh danh là rau "hoàng đế" - vua các loại rau.
Hai vợ chồng chị Trâm từng tốt nghiệp những trường đại học có tiếng ở Hà Nội, có công việc ổn định với mức lương đáng mơ ước như vậy nhưng sau khi kết hôn, họ vẫn quyết định trở về quê làm nông nghiệp sạch để phát triển kinh tế gia đình.Năm 2012, sau khi tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi, vợ chồng chị Trâm nhận thấy măng tây xanh là loại cây được mệnh danh là “rau Hoàng đế”, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn. Nhận thấy tiềm năng của loại cây trồng này, được sự ủng hộ, động viên của chồng và gia đình, vợ chồng chị dùng toàn bộ số tiền tích cóp từ khi đi làm thuê 1ha đất để trồng măng tây xanh và là cơ sở đầu tiên tại huyện Lương Tài phát triển loại cây này.
Khởi đầu của anh chị vô cùng gian nan, vụ đầu tiên cây măng tây chết rất nhiều, số thu hoạch được lại không tìm được đầu ra nên vợ chồng chị Trâm lỗ gần 300 triệu đồng.Hai vợ chồng đành trả lại ruộng thuê, về mượn bố mẹ 5 sào ruộng quyết tâm làm lại từ đầu. Sau khi nghiên cứu, tìm tòi, tham khảo các chuyên gia, những người có kinh nghiệm và trồng thử nghiệm, anh chị đã tìm ra giống măng tây xanh nhập từ Mỹ là phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở miền Bắc. Nhờ vào kinh nghiệm được tích lũy và không ngừng học hỏi trong quá trình sản xuất, sang vụ thứ 2 gia đình chị Trâm cũng đã trồng thành công giống măng tây xanh nhập từ Mỹ. Tuy nhiên, anh chị lại vất vả bôn ba khắp các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng... để tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Những khó khăn không đánh gục chị Trâm và anh Hải, sau rất nhiều nỗ lực không mệt mỏi, công lao của anh chị đã được đền đáp. Cuối cùng khách hàng cũng biết và tìm đến tận vườn để đặt mua măng tây.
Đến tháng 10/2014, chị Trâm mạnh dạn thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong để tiện cho việc xuất khẩu nông sản. Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, chị nhận thầu khu đất rộng hơn 4ha, nâng tổng số diện tích trong trang trại của gia đình chị lên trên 5ha (trong đó 2ha măng tây xanh) để trồng các loại như: cà rốt, nghệ, cải xanh… theo mô hình sản xuất khép kín, áp dụng công nghệ sinh học và nano vào chăm sóc cây trồng làm tăng năng suất cũng như chất lượng rau, củ, quả.
Năm 2015, trang trại măng tây xanh của gia đình chị Trâm là một trong 2 cơ sở sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Công ty đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP với các siêu thị lớn như: Big C, VinMart, Fivimart…
Chị Trâm chia sẻ, để trồng một sào măng tây, người dân cần đầu tư số tiền gần 7 triệu đồng bao gồm giống và vật tư đầu vào. Đây là khoản chi phí không nhỏ đối với người nông dân. Nhưng hiệu quả thu được về lâu dài, thời gian khai thu hoạch có thể kéo dài từ 10 đến 15 năm. Có những năm, vườn măng của gia đình chị cho thu hoạch 6-7 tháng liền. Với 2ha trồng măng tây xanh, mỗi ngày gia đình chị có thể thu hoạch bình quân 120kg, với giá bán khoảng 80.000đ/kg, sau khi trừ chi phí, chị có lãi trên dưới 6 triệu đồng.Ngoài ra Công ty Hải Phong đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với một số hộ trong vùng và đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản với sức chứa khoảng 40 tấn.
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho các đơn vị kinh doanh nông nghiệp điêu đứng, nhưng việc sản xuất của gia đình chị vẫn ổn định nhờ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá trên mạng internet, kết hợp với bán hàng online. Chưa bằng lòng với những gì đạt được, chị Trâm dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và mong muốn được tạo điều kiện về vốn, công nghệ theo các chính sách của tỉnh. Chị ấp ủ dự định sẽ tăng cường chế biến sâu các sản phẩm từ cây măng tây nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm như măng tây muối, trà măng tây...
Đan Nguyên