00:00 Số lượt truy cập: 3040454

Làm nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch để xây dựng nông thôn mới 

Được đăng : 29/09/2023
Nhằm xây dựng và phát triển thành phố thông minh, hiện đại và thân thiện, Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã lấy sự phát triển của nền nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm để xây dựng nông thôn mới. Từ đó chính quyền địa phương rất quan tâm, chú trọng đầu tư, có nhiều chính sách và giải pháp thúc đẩy hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp phát triển.

hau-giang

Nông dân làng khóm xã Hoả Tiến thu hoạch khóm Cầu Đúc. 

 

Xác định kinh tế tập thể là một thành phần có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh nói chung và thành phố Vị Thanh nói riêng, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và phát triển thành phần kinh tế này, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, thành phố được nhiều tổ chức và cá nhân hỗ trợ trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp như: Ứng dụng các đề tài, dự án khoa học vào sản xuất, hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành nông nghiệp…

Ông Huỳnh Thanh Phong, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mà trực tiếp là người dân. Đồng hành đó là sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chuyển giao về khoa học công nghệ, máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất là hết sức quan trọng. Việc hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất là yếu tố quan trọng góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, ổn định cuộc sống, từng bước cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19 ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực hiện có hiệu quả về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.

Một trong những vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất được thành phố Vị Thanh quan tâm đầu tư đó là cây khóm – cây chủ lực được trồng nhiều ở xã Hỏa Tiến. Khóm Cầu Đúc là đặc sản của xã Hoả Tiến, nông sản này đã mang lại cuộc sống ấm no cho bà con nơi đây. Nhằm mở rộng và phát triển vùng trồng bà con nông dân xã Hoả Tiến không còn canh tác theo cách truyền thống, những nông dân ở Hỏa Tiến giờ đây đã sản xuất bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn với tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhờ vậy, khóm được bao tiêu ngay từ đầu vụ, thu hoạch đợt nào bán hết đợt đó, nông dân không còn tâm trạng lo lắng.

HTX nông nghiệp Thạnh Thắng là một trong những HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các thành viên HTX và bà con nông dân quanh vùng xã Hoả Tiến. Ông Vu Sủi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông thôn Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, cho hay: HTX có hơn 100 bà con nông dân cùng tham gia sản xuất với diện tích khoảng 170ha. Mỗi tuần, đơn vị cung cấp cho công ty 10 tấn trái để làm nước ép xuất đi châu Âu. Cây khóm mang lại cuộc sống ổn định cho bà con. Việc HTX đã đưa vào áp dụng phương pháp tưới thông minh, kết hợp với hệ thống đê bao được đầu tư hoàn thiện. Vùng trồng khóm khỏi lo chuyện thiếu nước ngọt để canh tác.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, thành phố Vị Thanh hiện có 2.394ha trồng khóm, tăng 113,7ha so với cùng kỳ. Theo chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 thì đến năm 2025 thành phố xây dựng vùng chuyên canh với diện tích hơn 2.500ha, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Đáng chú ý, nhờ sự hình thành của nền nông nghiệp xanh trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn TP. Vị Thanh được hình thành, cho giá trị kép cả về kinh tế và môi trường.

Điển hình, thời gian qua, chuyến tàu du lịch trên kênh xáng Xà No trong hành trình đến khóm Cầu Đúc đã trở thành biểu tượng độc nhất vô nhị thể hiện sự sáng tạo du lịch của TP Vị Thanh.

Hay như mô hình trồng dâu xanh của chị Lê Thị Bích Vân, còn có tên thương mại là vườn dâu Bé Hai ấp 3A, xã Vị Tân, TP. Vị Thanh với diện tích 4 ha, trồng 700 gốc dâu, đang tạo sức hút rất mạnh với du khách trong và ngoài tỉnh.

Chị Vân cho biết gần 10 năm nay chị đã cho khách vào vườn tham quan, lượng khách mỗi năm tăng dần, năm 2022, vườn dâu của chị Vân đã đón gần 10.000 lượt khách. Nửa đầu năm 2023, vườn thu hút được nhiều du khách địa phương và các tỉnh bạn gần xa đến tham quan, vé vào cổng 30.000 đồng/1 người, tổng thu nhập đạt hơn 550 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận còn lại trên 450 triệu đồng.

Theo lãnh đạo UBND TP. Vị Thanh, nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm là yếu tố quan trọng được các địa phương thuộc khu vực nông thôn của TP chú trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhằm tôn vinh giá trị, giữ gìn nét đẹp của làng quê.

Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông và cảnh quan sinh thái nhằm duy trì và tăng cường liên kết giữa đô thị và nông thôn. TP cũng sẽ đảm bảo thông thương hàng hóa diễn ra thuận tiện qua các hệ thống giao thông tạo tiền đề cho mọi hợp tác phát triển.

Bên cạnh du lịch, các xã nông thôn ở TP Vị Thanh đang tích cực phát triển chương trình OCOP. Đến nay, TP đã có tổng cộng 32 sản phẩm được công nhận với hạng từ 3 đến 4 sao. Trong số này, có 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 22 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đáng chú ý, có 6 sản phẩm được chế biến từ cá thát lát và 8 sản phẩm từ khóm.

Nhằm bứt phá thêm vào năm 2023, thành phố đã đề ra kế hoạch phát triển ít nhất 5 sản phẩm mới, bao gồm sản phẩm khóm trái, mứt chùm giuộc, kẹo gạo lứt, chả bò và các sản phẩm chế biến từ cá thát lát. Để thực hiện kế hoạch này, thành phố tập trung vào 4 giải pháp chủ chốt, nhằm mang đến sự đổi mới và thúc đẩy phát triển cho các sản phẩm OCOP.

Trước hết, việc hỗ trợ các HTX và doanh nghiệp cùng việc trang bị kỹ năng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng. Cùng với đó là nâng cao chất lượng bao bì sản phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính minh bạch và uy tín của chương trình OCOP. Đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm cũng là bước quan trọng để tạo dấu ấn riêng cho mỗi sản phẩm.

                                                                                                       Thu Hiền