Du khách tham quan tại vườn cây của ông Lâm Thành Thương
Từ những năm 1990, ông Thương đã kinh doanh mặt hàng cây có múi khắp cả nước, hình thành hệ thống mối lái kinh doanh từ miền Tây ra tới Hà Nội. Cũng chính vì có kinh nghiệm trong việc giao thương mặt hàng này mà ông tới vùng đất Hiếu Liêm để lập nghiệp. Theo đánh giá của ông, thổ nhưỡng ở Bắc Tân Uyên có những lợi thế riêng để phát triển cây ăn quả có múi. Vùng đất này có nhiều diện tích tiếp giáp với sông Bé và sông Đồng Nai, rất thuận lợi cho việc tưới tiêu; không khí nơi đây ôn hòa, trong lành được ví như một Đà Lạt thu nhỏ …Địa thế của xã Hiếu Liêm lại nằm trên triền đồi cao, dễ thoát nước. Rễ cây cam, quýt ăn sâu xuống đất mà không sợ hư vì úng ngập. Tuổi thọ của cây vì thế có thể dài 15 năm, thay vì chỉ 5-7 năm như ở miền Tây Nam bộ. Thổ nhưỡng ở đây phù hợp nên trái chắc quả và có độ ngọt cao.
Bắt đầu trồng cam, quýt trên gò đất cao với diện tích 5ha, ông gặp không ít khó khăn trong khâu đưa nước tưới từ dưới sông lên vườn do thời gian đầu những vùng này chưa có điện. Với tầm nhìn của người làm kinh doanh lâu năm, ông đã vay mượn và bỏ kinh phí xây dựng hơn 10 trạm điện, mỗi trạm hơn 1 tỷ đồng để đưa nước về. Từ đó việc tưới nước ở vườn cây của ông được tự động hóa hoàn toàn. Ông sử dụng motor cao áp đưa nước từ sông lên, trữ trong hồ chứa để chủ động việc tưới tiêu. Bên cạnh đó ông còn áp dụng nhiều công nghệ vào việc bón phân, làm bẫy côn trùng thay cho thuốc bảo vệ thực vật...
Ở nơi này, ông là người đầu tiên áp dụng phương pháp ép cây cho ra quả trái vụ, bằng cách phủ bạt nhựa lên các liếp cam. Cách làm này là một trong những bí quyết nhằm tạo khô hạn tạm thời cho vườn cây. Nhiều nông dân thấy vậy cũng học theo, và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ thu hoạch quanh năm, chủ động nguồn cung cho thị trường.
Ban đầu ông trồng cam sành – loại cây có múi đặc trưng của các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Nhận thấy, cây cam canh sinh trưởng mạnh, khả năng chống sâu bệnh tốt, ít phải chăm sóc hơn các giống cây có múi khác, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Vậy là ông Thương lại học hỏi thêm các mô hình trồng cam canh, tham gia các lớp tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng cam canh theo chuẩn VietGap do Trung tâm khuyến nông, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương tổ chức. Năm 2015, ông bắt đầu trồng cam canh. Ông trồng cam canh tuân thủ theo các yêu cầu VietGap từ cách đào hố, bón lót, tỷ lệ lân và phân vi sinh để cây sinh trưởng tốt. Vườn cam canh 50ha, mỗi ha hằng năm tiêu tốn khoảng 100 triệu đồng chi phí đầu tư cho giống, nhân công, bạt nilon phủ gốc, phân bón. Ông còn dùng tấm bạt nilon phủ lên gốc cây để kiểm soát nguồn nước tưới, phân bón và tăng năng suất trái vụ. Từ khi trồng đến nay, cây cam canh phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, nên mỗi năm chỉ xịt thuốc sinh học một lần để loại bỏ nhện.
Thời điểm thu hoạch cam canh từ tháng 3-9 dương lịch hàng năm. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, giữ giá cam ổn định, ông cho thu hoạch từng đợt. Cứ cách 15-20 ngày, nhân công sẽ thu hái đồng loạt 5 ha cam. Cam có mã đẹp, quả ngon, nên giá bán ổn định và thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Không chỉ giỏi sản xuất, những năm gần đây nhận thấy xu thế phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái ở vùng Bắc Tân Uyên. Ông đã phát triển thêm diện tích quýt hồng để phục vụ nhu cầu chụp ảnh kỷ niệm của khách du lịch vào dịp cuối tuần. Quýt hồng không phải là loại cây có múi được phổ biến ở Bình Dương. Đây là loại quýt trái to, ăn rất ngọt. Đến mùa thu hoạch, cả vườn quýt tràn ngập một màu vàng, khiến du khách khó cưỡng trước vẻ đẹp của vườn quýt. Tuy nhiên, loại cây này rất khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, cả xã Hiếu Liêm mới chỉ có ông và một nhà vườn khác trồng được loại quýt này.
Với diện tích sản xuất 120ha, mỗi năm vườn cây của ông Thương cho doanh thu khoảng 96 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 10 tỷ đồng. Ông Thương cùng với những gương mặt nông dân xuất sắc khác, đang và sẽ là những hạt nhân đại diện cho hàng triệu nông dân trên cả nước đang ngày đêm sản xuất, kinh doanh, sáng tạo đi đầu trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Phương Anh